Kinh tế thế giới

Trung Quốc bơm thêm 600 tỷ NDT, tác động ra sao đến nền kinh tế?

Nam Trần 26/04/2025 03:22

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống ngân hàng nhằm bảo vệ nền kinh tế trước các biến động thương mại toàn cầu.

cdn.i-scmp.com-sites-default-files-d8-images-methode-2021-10-06-_5e8fdb9c-2685-11ec-8f06-8f17bcf6e46a_1320x770_193456.jpg
Trung Quốc sẽ bơm ra thị trường hơn 80 tỷ USD để làm bộ đệm cho nền kinh tế

Cụ thể, PBoC cho biết sẽ triển khai 600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 82,3 tỷ USD) thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm trong ngày 26/4. Đây sẽ là lần bơm ròng lớn nhất của PBoC kể từ tháng 12/2023.

Cú hích tiền tệ đối phó áp lực

Động thái mạnh mẽ này được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép đáng kể từ các mức thuế trừng phạt mới của Mỹ, trong đó một số mặt hàng bị áp thuế lên tới 145%.

Cuộc chiến thương mại kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực công nghiệp – từ sản xuất nhựa vốn phụ thuộc vào ethane nhập khẩu từ Mỹ, đến hệ thống y tế cần thiết bị công nghệ cao từ các nhà cung cấp Mỹ.

Không chỉ nhằm hỗ trợ tăng trưởng, việc bơm thanh khoản lần này còn giúp PBoC giải quyết áp lực kỹ thuật về đáo hạn trong hệ thống tài chính.

Các hợp đồng mua lại đảo ngược (reserve repo) trị giá khoảng 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong tháng 4 – mức cao nhất kể từ khi công cụ này được triển khai. Việc sử dụng MLF kỳ hạn dài hơn cho thấy mong muốn ổn định dòng tiền trung hạn trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Ông Ming Ming, chuyên gia kinh tế trưởng tại Citic Securities, nhận định: “Một đợt bơm tiền lớn thông qua MLF sẽ giúp giảm áp lực đáo hạn, đồng thời duy trì tính thanh khoản trong thời điểm chính phủ phát hành trái phiếu và nhu cầu tiền mặt tăng cao dịp lễ đầu tháng 5”.

Việc PBoC sử dụng lại công cụ MLF với quy mô lớn được giới quan sát đánh giá là sự thay đổi quan trọng.

Trong nhiều tháng trước, PBoC đã có xu hướng giảm vai trò của MLF, chuyển sang các công cụ ngắn hạn như reverse repos. Tuy nhiên, trong tháng 3, PBoC đã bắt đầu cải tổ cơ chế định giá MLF và ngừng công bố lãi suất cho vay một năm – một phần trong nỗ lực xây dựng hệ thống lãi suất lấy ngắn hạn làm trọng tâm.

“Dù tầm quan trọng của MLF trên phương diện chính sách đã giảm, công cụ này vẫn cực kỳ hữu ích trong việc bơm thanh khoản dài hạn,” ông Ming nhận xét. Ông cũng cho rằng quy mô bơm tiền lần này có thể giúp giảm nhu cầu cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong ngắn hạn.

Động thái này được hiểu là một phần trong chính sách tiền tệ “nới lỏng có giới hạn” của Trung Quốc, nhằm giữ vững tăng trưởng mà không gây rủi ro lạm phát hoặc mất cân đối tài chính.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu buộc các nước trong ASEAN phải tìm cách đa dạng hóa thị trường (Ảnh: Bloomberg)
Cả thế giới kỳ vọng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ sớm được cải thiện sau các động thái gần đây (Ảnh: Bloomberg)

Phản ứng chiến lược là lý do

Bối cảnh chính trị và thương mại đầy biến động là yếu tố quan trọng thúc đẩy chính sách tiền tệ lần này. Mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ nhưng có tín hiệu hạ nhiệt mới đây.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang cân nhắc miễn thuế cho một số mặt hàng thiết yếu nhập khẩu từ Mỹ như thiết bị y tế và ethane. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng đã được yêu cầu cung cấp mã hải quan để đề xuất miễn trừ thuế quan. Về phía Mỹ, chính quyền ông Trump gần đây cũng đã loại trừ mặt hàng điện tử khỏi danh sách áp thuế cao.

Tại cuộc họp G20 và các sự kiện của IMF, Thống đốc PBoC Phan Cung Thăng đã cảnh báo về nguy cơ suy giảm niềm tin toàn cầu do chiến tranh thương mại kéo dài. Ông nhấn mạnh: “Không có ai thắng trong chiến tranh thương mại,” đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác để tránh kịch bản “xung đột cao – niềm tin thấp”.

Mặc dù động thái lần này cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng hành động để bảo vệ nền kinh tế, giới phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng một gói kích thích toàn diện.

“Tuyên bố kích thích luôn khó rút lại, trong khi các tuyên bố về thuế quan của ông Trump có thể thay đổi bất cứ lúc nào,” ông Larry Hu, kinh tế trưởng tại Tập đoàn Macquarie, chia sẻ.

Tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc đạt 5,4%, vượt nhẹ so với mục tiêu khoảng 5% cho cả năm 2025. Con số này giúp chính phủ có thêm dư địa chính sách để linh hoạt điều chỉnh mà chưa cần đến các biện pháp cực đoan.

Nam Trần