Sửa Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Cần điều chỉnh lại quy định về phản biện
Góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI đề nghị điều chỉnh lại quy định về phản biện quy định tại khoản 11, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Dự thảo.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 739/MTTW-BTT của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Dự thảo).

Cụ thể, về sửa về phản biện xã hội (khoản 11, 12, 13 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 32, khoản 3 Điều 33, khoản 2, khoản 3 Điều 36 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam), góp ý quy định này, VCCI cho biết, theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật, “khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuân theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc và điều lệ của mỗi tổ chức/đồng thời vẫn giữ tính độc lập tương đối của tổ chức mình”.
Theo quy định này, các tổ chức thành viên của MTTQ hoạt động tương đối độc lập so với MTTQ. Đây là quan điểm tiếp cận hoàn toàn hợp lý, đảm bảo tính tự chủ và phù hợp với vai trò, chức năng nhiệm vụ của các thành viên MTTQ.
Tuy vậy, để đảm bảo nguyên tắc này được thực hiện một cách xuyên suốt, nhất quán trong Dự thảo, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề như:
Về phản biện xã hội - Dự thảo đang quy định hoạt động này là do “Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đề án (sau đây gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan nhà nước” và “Ủy ban MTTQ Việt Nam phân công các tổ chức chính trị – xã hội phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và trách nhiệm của tổ chức mình”.

Theo VCCI, quy định trên dường như chưa thật sự thống nhất và phù hợp với nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của MTTQ quy định tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo, bởi: Các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là thành viên của MTTQ nhưng chưa được đánh giá đúng vai trò phản biện xã hội đối với các Dự thảo văn bản của Nhà nước. Các quy định trên mới chỉ dừng ở việc nêu Ủy ban MTTQ các cấp, tổ chức chính trị – xã hội mà chưa đề cập đến các thành viên khác của MTTQ như các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, được tham gia vào hoạt động phản biện xã hội;
Việc phản biện của các tổ chức là thành viên của MTTQ được thực hiện theo cơ chế “phân công” có thể sẽ khiến cho quy trình và việc phản biện trở nên chưa linh hoạt và chưa thể hiện tính chủ động, nhanh nhạy của các tổ chức thành viên của MTTQ. Trong bối cảnh, quy trình soạn thảo chính sách, văn bản pháp luật nhanh chóng như hiện nay, vai trò phản biện xã hội của MTTQ càng cần phải phát huy, để thể hiện tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng chính sách. Nếu việc phản biện này phải thực hiện theo quy trình phân công, có thể sẽ không theo kịp quy trình soạn thảo văn bản, đồng thời sẽ tạo gánh nặng và áp lực công việc từ phía MTTQ khi phải phân loại, điều phối và phân công công việc.
VCCI là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, theo điều lệ, VCCI có vai trò, chức năng, nhiệm vụ phản biện chính sách, văn bản pháp luật. Vai trò phản biện của VCCI cũng đã được ghi nhận trong Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về doanh nhân, hay là các Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (ví dụ như: Nghị quyết 01/NQ-CP).
Về mặt thực tế, VCCI đã chủ động tham gia các hoạt động phản biện chính sách đối với các cơ quan soạn thảo và đã kịp thời phản ánh được tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Việc phản biện xã hội của các hội như VCCI thông qua cơ chế phân công có thể làm giảm đi tính độc lập và vai trò phản biện của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8% và mức tăng trưởng 2 con số từ năm tiếp theo, các văn bản pháp luật về kinh doanh rất quan trọng. Do đó, trong hoạt động phản biện cần có sự chủ động và quan tâm đến các văn bản, chính sách về kinh doanh”, VCCI góp ý.
Từ các phân tích nêu trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại quy định về phản biện quy định tại khoản 11, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Dự thảo theo hướng: Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, thành viên của MTTQ nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với Dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (Dự thảo văn bản) của cơ quan Nhà nước. Tức là thêm cụm từ “thành viên của MTTQ” vào quy định tại khoản 11 Điều 1 Dự thảo;
Các tổ chức thành viên của MTTQ chủ động tham gia phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 (sửa đổi) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, các đối tượng mà mình đại diện, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.