Chính sách - Quy hoạch

Cắt giảm 70% thủ tục, “mở đường” cho nhà ở xã hội tăng tốc

Diệu Hoa 26/04/2025 05:00

Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất một cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục đầu tư nhà ở xã hội.

Nội dung này được đưa ra tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khuôn khổ thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Cần thêm chính sách nhà ở riêng cho khu vực công. Ảnh: DH
Thủ tục đầu tư nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn. Ảnh: DH

Cắt giảm 70% thời gian thực hiện thủ tục

Theo dự thảo, đối với các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ được trao quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng thời giao trực tiếp cho nhà đầu tư đủ điều kiện thực hiện dự án, không cần thông qua hình thức đấu thầu như quy định hiện hành. Với thay đổi này, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư được rút ngắn từ khoảng 300 ngày xuống còn tối đa 75 ngày, tương đương với mức giảm khoảng 70%.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cơ chế giao dự án trực tiếp được đề xuất nhằm khắc phục điểm nghẽn về thủ tục hành chính, đặc biệt trong khâu lựa chọn nhà đầu tư. Ông lý giải rằng, với các dự án nhà ở xã hội, Nhà nước đã kiểm soát chặt chẽ các yếu tố như giá bán, lợi nhuận định mức và đối tượng được mua nhà. Vì vậy, việc tổ chức đấu thầu không mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rõ rệt mà còn làm kéo dài thời gian triển khai dự án.

Để đảm bảo năng lực của nhà đầu tư, dự thảo quy định một số điều kiện cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu; có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư đối với dự án dưới 20 héc-ta và 15% đối với dự án từ 20 héc-ta trở lên.

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thực hiện đồng thời nhiều dự án, phải bảo đảm đủ năng lực tài chính để phân bổ vốn chủ sở hữu tương ứng cho từng dự án. Nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng điều kiện, việc lựa chọn sẽ căn cứ vào kinh nghiệm triển khai dự án, năng lực tài chính và thời điểm nộp hồ sơ.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với định hướng cắt giảm thủ tục, song cũng đề nghị bổ sung thêm các cơ chế giám sát và kiểm soát hiệu quả nhằm ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, cần làm rõ hơn các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp có nhiều đơn vị đăng ký cùng lúc.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Không chỉ dừng lại ở việc tinh giản thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết còn đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Một điểm đáng chú ý là chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% trên tổng chi phí đầu tư dự án – mức cao hơn so với quy định hiện hành, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào lĩnh vực này.

Vốn rẻ nên hướng về nhà ở xã hội, tránh để dẫn dắt vào đầu cơ. Ảnh: D
Lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội sẽ được nâng lên mức 13%. Ảnh: DH

Dự thảo cũng kiến nghị thành lập "Quỹ phát triển nhà ở xã hội Quốc gia", tạo công cụ tài chính riêng để huy động và phân bổ nguồn vốn hiệu quả cho các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc. Ngoài ra, Chính phủ đề xuất cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho người lao động – giải pháp nhằm tăng hiệu quả sử dụng nhà ở và giải quyết nhu cầu chỗ ở bức thiết cho công nhân.

Để hỗ trợ triển khai dự án, dự thảo cũng bổ sung thêm các chính sách về quỹ đất, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, điện – những yếu tố then chốt giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, quỹ đất hạn chế, thủ tục kéo dài và mức lợi nhuận không hấp dẫn, các cơ chế đặc thù do Chính phủ đề xuất được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt cho lĩnh vực này trong thời gian tới. Việc rút ngắn quy trình, đồng thời đưa ra các ưu đãi cụ thể và minh bạch về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết bài toán an sinh về chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân và người lao động.

Dự thảo nghị quyết dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp khai mạc vào đầu tháng 5 tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là một cú hích mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021–2030, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển đô thị công bằng và bền vững.

Diệu Hoa