Kinh tế thế giới

Nhiều doanh nghiệp châu Âu "đổ bộ" vào các nước ASEAN

Cẩm Anh 26/04/2025 11:07

Sau khi Mỹ áp thuế, ASEAN đang thu hút sự chú ý trở lại từ các công ty châu Âu với vai trò là điểm đến đầu tư cũng như nguồn cầu.

ASEAN có thể tận dụng vai trò trung lập của mình để làm cầu nối cho đối thoại Mỹ - Trung
ASEAN đang nhận được sự quan tâm trở lại của các doanh nghiệp châu Âu

Bà Nele Cornelis, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Singapore, cho biết: “Môi trường thương mại hiện tại đã khiến các doanh nghiệp châu Âu chú ý hơn đến Đông Nam Á như một thị trường tăng trưởng mang tính chiến lược.”

Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế đối ứng 20% lên Liên minh châu Âu. Dù được tạm hoãn 90 ngày kể từ ngày 9/4, việc tăng thuế đã khiến thị trường Mỹ kém hấp dẫn hơn đối với các nhà xuất khẩu – những người nay đang tìm kiếm thị trường thay thế.

Bà Cornelis nói thêm: “Dù còn quá sớm để thấy được sự dịch chuyển rõ rệt trong dòng vốn đầu tư, nhưng rõ ràng đang có sự quan tâm ngày càng tăng.”

Dù nhiều công ty vẫn đang trong trạng thái chờ đợi, tiềm năng tăng trưởng của khu vực cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thúc đẩy sự gắn kết.

“Như được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao gần đây và các sáng kiến chính sách từ EU, Đông Nam Á ngày càng được xem là lựa chọn thay thế quan trọng cho chiến lược đa dạng hóa và tăng cường khả năng chống chịu dài hạn.”

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN (EU-ABC), đồng quan điểm và tin rằng các diễn biến gần đây sẽ chỉ củng cố vị thế của ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu.

Một số phòng thương mại châu Âu có trụ sở tại Singapore trao đổi với The Business Times rằng ngày càng có nhiều công ty tìm hiểu thông tin về cơ hội tại Đông Nam Á.

Bà Laura Sualdea Lazaro, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Singapore, cho biết họ đã chứng kiến sự quan tâm trở lại đối với ASEAN, đặc biệt từ các công ty gặp khó khăn ngày càng lớn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ.

Cụ thể, các nhà sản xuất châu Âu trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống, ô tô, cũng như máy móc và thiết bị công nghiệp có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại khu vực ASEAN, do họ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các mức thuế này.

Bà Lazaro nói: “Chúng tôi tin rằng ngành thực phẩm và rượu vang sẽ nằm trong nhóm đầu tiên tìm cách khai thác cơ hội tại ASEAN.”

Tây Ban Nha là nhà sản xuất hàng đầu về thịt heo, dầu ô liu, rượu vang, trái cây và rau củ – những mặt hàng có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi thuế quan và “rất phù hợp để xuất khẩu sang Đông Nam Á.

Tại Phần Lan, xu hướng chuyển hướng sang ASEAN được ghi nhận đặc biệt rõ trong các ngành hướng đến xuất khẩu như sản xuất, máy móc và công nghệ, theo ông Pasi Haatainen, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Phần Lan tại Singapore.

Ảnh màn hình 2025-04-25 lúc 20.44.43
Các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống, ô tô, cũng như máy móc và thiết bị công nghiệp của Châu Âu có nhiều khả năng tìm kiếm cơ hội tại ASEAN vì họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan. ẢNH: Reuters

Trong khi đó, bà Jacinthe Tay – Chủ tịch Liên minh Đổi mới Bồ Đào Nha – Singapore chia sẻ, với Bồ Đào Nha, các công ty trong các lĩnh vực kinh tế số, fintech và năng lượng tái tạo đã thể hiện sự quan tâm.

Nhiều phòng thương mại cho biết Singapore vẫn là trung tâm chính cho các doanh nghiệp, với nhiều công ty xem đây là điểm xuất phát để mở rộng ra toàn khu vực. Indonesia cũng được nhiều phòng thương mại nhắc đến nhờ thị trường tiêu dùng, còn Việt Nam được đánh giá là một trung tâm sản xuất.

Ông Humphrey từ EU-ABC cho biết Malaysia, Thái Lan và Philippines có thể sẽ được ưu tiên hơn trong thời gian tới, khi các cuộc đàm phán FTA với châu Âu đang diễn ra nhiều khả năng sẽ được đẩy nhanh trong bối cảnh địa kinh tế hiện nay.

Bà Lakshmi Swarnam, Trưởng bộ phận hội viên, sự kiện và truyền thông tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức – Singapore, cho biết các doanh nghiệp Đức từ lâu đã xem ASEAN là khu vực trọng yếu cho tăng trưởng, và mối quan tâm này vẫn rất mạnh mẽ đến nay.

Trong một khảo sát về cảm nhận kinh doanh được thực hiện vào tháng 2 và 3, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xếp ASEAN là điểm đến có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong ba năm tới, theo sau là Ấn Độ và Trung Quốc.

Điều này cho thấy các công ty tại đây có kế hoạch tăng cường hiện diện và mở rộng hoạt động trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, bà Lakshmi Swarnam cũng lưu ý rằng còn quá sớm để xác định rõ sự dịch chuyển theo ngành nghề do tác động của thuế quan Mỹ.

Ông Fredrik Hahnel, Chủ tịch Phòng Thương mại Thụy Điển tại Singapore, nói: “Trong ngắn hạn, vẫn còn quá sớm để thấy được bất kỳ sự thay đổi nào. Các công ty Thụy Điển đã quan tâm đến thị trường ASEAN từ lâu, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sức hấp dẫn của khu vực như một trung tâm sản xuất, hoặc gần đây là trong chiến lược ‘Trung Quốc + 1".

Vì khó dự đoán cuộc chiến thương mại sẽ diễn tiến ra sao, hầu hết các công ty Thụy Điển vẫn còn thận trọng. Nếu có thay đổi, thì khả năng lớn là các quyết định đầu tư sẽ bị trì hoãn cho đến khi có thêm sự rõ ràng.

Phòng Thương mại Czech – Singapore cũng dự báo sự quan tâm gia tăng đến quan hệ thương mại với ASEAN. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để định lượng cụ thể, khi các công ty Czech vẫn đang cố gắng định hình trong bối cảnh hỗn loạn và bất định hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, EU-ABC đã ghi nhận số lượng kỷ lục các công ty và đại biểu châu Âu tham gia các đoàn công tác thương mại đến Indonesia và Thái Lan trong năm nay. Ông Humphrey kỳ vọng sẽ có thêm những con số kỷ lục trong các chuyến đi sắp tới đến Philippines và Việt Nam trong năm nay.

Xu hướng các đoàn doanh nghiệp thường tập trung theo ngành, và có tỷ lệ tham gia cao, với các chủ đề được quan tâm như quang học và quang điện tử, fintech, công nghệ sinh học, y tế công nghệ cao và năng lượng.

Nhiều bang của Đức cũng đã lên kế hoạch cử phái đoàn đến khu vực ASEAN trong năm nay, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Trong khi đó, một phái đoàn Czech sẽ đến thăm Singapore vào tháng 6, bao gồm cả các doanh nghiệp truyền thống lẫn các công ty công nghệ và startup.

Cẩm Anh