Thông tin doanh nghiệp

Những dấu ấn vẻ vang ngành Than

Minh Huệ 26/04/2025 07:47

70 năm qua, từ những ngày đầu tiếp quản, ngành Than và đội ngũ thợ mỏ đã khắc ghi vào lịch sử vô vàn chiến công.

Đó là chặng đường vẻ vang được vun đắp bởi công sức của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và thợ mỏ, vang lên như một khúc tráng ca qua bao thế hệ và đưa thương hiệu Than Việt Nam vươn ra thế giới.

Nỗ lực

Suốt chiều dài lịch sử của tỉnh Quảng Ninh, ngành Than với tỉnh Quảng Ninh tuy hai mà một, sự phát triển của ngành công nghiệp mỏ luôn gắn chặt với quá trình xây dựng, trưởng thành của Quảng Ninh.

Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam: Xác định mục tiêu luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, công ty than tích cực thi đua lao động sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng tháng, từng quý và cả năm 2025.

1(9).jpg
Ngành Than nỗ lực đóng góp cao nhất vào tăng trưởng của Quảng Ninh

Trong quý I, cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các đơn vị ngành than còn tích cực thu hồi tối đa than sạch, xây dựng phương án nhập khẩu, pha trộn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nhất là cho các nhà máy nhiệt điện.

Với sự đồng hành, quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời của tỉnh Quảng Ninh, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng cao của công nhân, cán bộ ngành Than, trong quý I, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã sản xuất trên 10 triệu tấn than sạch, than tiêu thụ 12,8 triệu tấn, sản lượng điện sản xuất 2,8 tỷ KWh; nộp ngân sách tại Quảng Ninh đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm, qua đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Tiếp đà thắng lợi của quý I, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị thành viên quyết tâm sản xuất, kinh doanh cao độ cho quý II, phấn đấu sản xuất 10,5 triệu tấn than sạch. Trong đó tại Quảng Ninh sản xuất 10,2 triệu tấn, nộp ngân sách tại Quảng Ninh trên 5.200 tỷ đồng; kết thúc 6 tháng đầu năm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trên 56% kế hoạch năm.

Để đạt mục tiêu đề ra cho từng tháng, từng quý, cũng như cả năm, các đơn vị ngành Than đã phát động thi đua đến toàn thể công nhân, cán bộ, như tại Công ty Than Quang Hanh, đơn vị đã chinh phục tấn than đầu tiên ở mức -300m. Đây là thành quả của công trình “Thi công đưa lò chợ số 1 tầng -175/-300, thuộc Dự án khai thác xuống sâu dưới mức -50 mỏ than Ngã Hai”. Dự án này được khởi công từ năm 2020, đến tháng 3/2025, Công ty đã hoàn thành hơn 7.700 mét lò. Theo kế hoạch ban đầu, lò chợ số 1 sẽ đưa vào khai thác vào tháng 7/2025, nhưng công nhân, cán bộ của Công ty đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động sớm hơn 3 tháng.

4(1).jpg
Ngành than Quảng Ninh kỉ niệm 70 năm ngày giải phóng vùng mỏ

Quyết tâm vươn ra biển lớn

Năm 2005, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được thành lập, tiếp tục đưa ngành Than lên một tầm cao mới, trở thành trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Những mỏ than lớn như Cao Sơn, Đèo Nai - Cọc Sáu, Vàng Danh, Hà Lầm, Mạo Khê được hiện đại hóa, cơ giới hóa. Hệ thống vận chuyển than từ các mỏ đến nhà máy nhiệt điện, xi măng được băng tải hoàn toàn, đồng bộ với các dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, ngành Than cũng đối diện với bài toán khó, đó là làm sao để phát triển bền vững khi nguồn tài nguyên có hạn. Các bãi thải được hoàn nguyên, những dự án kinh tế tuần hoàn bắt đầu được tính toán, hệ thống khai thác hiện đại đồng bộ ngày một tiến sâu vào lòng đất. Mọi dây chuyền đều được áp dụng công nghệ khai thác ít gây ô nhiễm. Người thợ mỏ hôm nay không chỉ là người khai thác, mà còn là người bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau.

Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm ở từng giai đoạn và thời điểm khác nhau nhưng giá trị của hòn than luôn gánh trên mình trọng trách đặc biệt ví như những tấn “vàng đen” phụng sự cho mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Nguyễn Huy Nam - Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết: Nếu như năm 1997, sản lượng than của ngành Than Việt Nam mới chỉ đạt 11,3 triệu tấn, thì đến nay, sản lượng than đều đạt 38-40 triệu tấn/năm, năm 2011 đạt mức cao nhất là 45 triệu tấn. Giai đoạn 2016-2024, trung bình mỗi năm TKV khai thác và tiêu thụ khoảng 39-42 triệu tấn than nguyên khai đáp ứng nhu cầu cung cấp than phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Đặc biệt, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển mạnh mẽ trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Sản lượng than hầm lò tăng từ 1,8 triệu tấn năm 1994 lên 27 triệu tấn năm 2024 và tăng 15 lần. Công suất lò chợ đã tăng từ 20-50 ngàn tấn/năm lên bình quân 200 ngàn tấn/năm, hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50% xuống còn 19,02%.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, TKV tập trung hoàn thiện định hướng phát triển bền vững dựa trên cơ sở các quy hoạch phát triển các lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, với sự đồng hành, ủng hộ của tỉnh Quảng Ninh và Chính phủ, TKV đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ triển khai nhiều dự án phát triển mỏ nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia.

Năm 2025 này, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cam kết với Chính phủ sẽ phấn đấu đạt sản lượng than sạch sản xuất là 39,5 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2024. Than tiêu thụ phấn đấu đạt 51,5 triệu tấn, tăng 2,5 triệu tấn so với năm 2024. Tổng doanh thu toàn ngành sẽ phấn đấu đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2024. Tập đoàn cũng phấn đấu sẽ nộp ngân sách nhà nước ở mức cao nhất và đặt mục tiêu tăng 12% giá trị đầu tư so với năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Nhiều mỏ đang tiếp tục triển khai các dự án cải tạo, nâng công suất khai thác.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Than Quảng Ninh chia sẻ: Dù ở giai đoạn nào, “Kỷ luật và đồng tâm” vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình xây dựng, phát triển bền vững của ngành Than với những thế hệ thợ mỏ miệt mài lao động sáng tạo từ trong gian khó, đưa từng tấn vàng đen cống hiến cho Tổ quốc đẹp giàu.

3(6).jpg
Suốt chiều dài lịch sử của tỉnh Quảng Ninh, ngành Than với tỉnh Quảng Ninh tuy hai mà một, sự phát triển của ngành công nghiệp mỏ luôn gắn chặt với quá trình xây dựng, trưởng thành của Quảng Ninh.

Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: 70 năm đã trôi qua từ ngày những người thợ mỏ giương cao ngọn cờ đỏ trên vùng than Quảng Ninh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn là mạch nguồn chảy mãi trong từng nhát cuốc, từng mét lò. Tự hào, phấn khởi trước những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Vùng Mỏ cũng là dịp để chúng ta nghiêm túc nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm nhằm đề ra giải pháp khắc phục và tiếp tục vững bước đi lên.

Trong giai đoạn cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với vị thế của một trong những địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh sẽ không ngừng phát huy tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”, đoàn kết, đồng lòng, chủ động, sáng tạo với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao nhất để đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Minh Huệ