Doanh nghiệp

Các xu hướng định hình ngành dệt may ASEAN thời gian tới

Quân Bảo 26/04/2025 10:27

ASEAN được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, sự tuân thủ tiêu chuẩn, sự ổn định về chính trị và kinh tế, mang lại lợi thế đáng kể.

Khu vực ASEAN, nơi sinh sống của hơn 600 triệu người, đang giữ vững vị thế là một trung tâm dệt may và may mặc chủ chốt trên bản đồ toàn cầu, chỉ đứng sau Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) về kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc. Riêng Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới.

img_3492.jpg
Ông Ken Loo chỉ ra các xu hướng định hình ngành dệt may ASEAN thời gian tới

Theo ông Ken Loo – Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may ASEAN – đánh giá tại hội thảo trong khuôn khổ Global Sourcing Fair Vietnam tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, thì điểm thu hút chính của ASEAN nằm ở sự kết hợp giữa chi phí nhân công cạnh tranh và lực lượng lao động có kỹ năng. Các quốc gia như Việt Nam, Campuchia và Indonesia đóng vai trò là những nhà sản xuất hàng may mặc chính trong khu vực này.

ASEAN được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, sự tuân thủ tiêu chuẩn. Hơn nữa, đây là một trong những khu vực ổn định nhất về chính trị và kinh tế trên thế giới, mang lại lợi thế đáng kể so với các khu vực khác có chi phí lao động thấp hơn nhưng lại thiếu sự ổn định, khiến nhà đầu tư và người mua ngần ngại.

Theo ông Ken Loo, ngành dệt may tại ASEAN hiện đang được định hình bởi nhiều xu hướng quan trọng.

Trong thập kỷ qua, các nhà mua hàng đã có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung ra khỏi Trung Quốc, chủ yếu do chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng. Xu hướng này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống Trump, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Hiện tượng các công ty Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác, tạo ra khái niệm “sản xuất bởi Trung Quốc” (made by China) thay vì “sản xuất tại Trung Quốc” (made in China). Hiện tượng này vẫn đang diễn ra và vẫn “thông qua” được nhiều rào cản.

Ông Ken cho rằng ASEAN có ít lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng dệt may, bởi Mỹ hầu như không sản xuất các mặt hàng này. ASEAN được xem là một điểm đến tìm nguồn cung đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Campuchia, đang tích cực đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kỹ năng cho người lao động. Mục tiêu là nhằm cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn giúp người mua nhận được giá trị tốt hơn.

Ngành công nghiệp này đang chứng kiến sự ứng dụng ngày càng sâu rộng của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ Nhân tạo (AI) và số hóa. AI kết hợp với số hóa giúp tối ưu hóa quản lý dữ liệu, cải thiện phương pháp sản xuất và sử dụng máy móc hiệu quả hơn. Các xu hướng công nghệ khác cũng đang phát triển bao gồm thiết kế 3D, cắt tự động, in và nhuộm kỹ thuật số. Những tiến bộ này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn kích thích sự sáng tạo trong ngành.

Một trong những xu hướng toàn cầu có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành dệt may ASEAN là sự chú trọng vào tính bền vững và kinh tế tuần hoàn. Yêu cầu về tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng cao. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp phải giảm thiểu phát thải carbon, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Khái niệm "kinh tế tuần hoàn" (circularity) đang trở nên phổ biến, tập trung vào việc giảm thiểu lãng phí trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng.

Việc tái chế (phế liệu cắt, quần áo cũ) là một phần quan trọng của xu hướng này. Theo ông Ken, tình hình cho thấy có khả năng sẽ có luật định yêu cầu hàm lượng vật liệu tái chế trong các sản phẩm may mặc. Ví dụ, EU có thể sẽ đưa ra quy định yêu cầu một tỷ lệ nhất định hàng may mặc bán ra tại thị trường này phải chứa vật liệu tái chế, và hàm lượng này cần được tích hợp ngay từ giai đoạn sản xuất sợi và dệt vải. Các chứng nhận như Oeko-Tex cũng ngày càng trở nên quan trọng.

Ngoài những xu hướng chính trên, ASEAN còn sở hữu những lợi thế riêng giúp khu vực này củng cố vị thế trên thị trường quốc tế. Khu vực này có một mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) rộng khắp với nhiều đối tác kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, thị trường nội khối ASEAN đang phát triển mạnh mẽ. Với dân số lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, sức mua của người dân trong khu vực đang tăng lên, tạo ra một thị trường nội địa đầy tiềm năng cho các thương hiệu.

Mặc dù có nhiều cơ hội, ngành dệt may ASEAN cũng phải đối mặt với một số thách thức. Rủi ro địa chính trị hiện nay được đánh giá là rất cao. Tình hình thế giới có nhiều biến động.

Thêm vào đó, chi phí lao động tại các nước ASEAN đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù vẫn còn cạnh tranh, nhưng nếu xu hướng này tiếp diễn, sẽ đến lúc chi phí lao động khiến khu vực kém hấp dẫn hơn so với các khu vực khác.

Nhìn về tương lai, có thể sẽ có sự dịch chuyển sản xuất đến các khu vực có chi phí thấp hơn như châu Phi. Tuy nhiên, điều này được nhận định là sẽ không xảy ra sớm do các vấn đề về ổn định chính trị và kinh tế tại đó. Ngành sản xuất, đặc biệt là dệt may, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở châu Á, cụ thể là Đông Nam Á và Nam Á, trong ít nhất 10-15 năm tới, ông Ken Loo nhận xét.

Quân Bảo