Phân tích - Bình luận

Sáng kiến của ASEAN vượt rào cản thuế quan

Trương Khắc Trà 27/04/2025 04:10

Các quốc gia trong khu vực kinh tế ASEAN đã không tiếp cận giải quyết mâu thuẫn thuế quan dựa trên phán đoán Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ sẽ thất thế.

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Campuchia tăng nhanh trong giai đoạn 2018 – 2023 (Ảnh PhnomPenh Post)
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Campuchia tăng nhanh trong giai đoạn 2018 – 2023 (Ảnh PhnomPenh Post)

ASEAN là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng thuế quan bắt nguồn từ Hoa Kỳ, vừa là kết quả vừa là hệ quả của chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Ví dụ, tại Campuchia, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Campuchia chiếm 55,5% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2018, trước khi ông Trump áp thuế quan đầu tiên đối với Trung Quốc - đến năm 2023, con số này đã tăng lên 66,9%. Đây là “mẫu số chung” với nhiều nền kinh tế khiến Hoa Kỳ không hài lòng.

Những tuần gần đây các thị trường mới nổi đã phản ứng mạnh mẽ với tình hình thuế quan đang căng thẳng. Có vẻ như tình thế buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Nhưng vẫn còn một cách khác: họ đang tự củng cố chính mình.

Ông Kian Ming, cựu Thứ trưởng thương mại và công nghiệp quốc tế của Malaysia nói rằng “Các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia, phải đàm phán với Hoa Kỳ để đưa ra một số giải pháp “hạ cánh mềm. Nhưng đồng thời, điều đó không ngăn cản chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác - không phải để làm hại Hoa Kỳ, mà là để bảo vệ sự an toàn cho chính chúng tôi”.

Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc chiến thương mại toàn cầu đang leo thang. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho các thị trường mới nổi trong khu vực, điển hình như ​​Malaysia sẽ tăng trưởng 3,8% (so với 4,7%) vào năm tới và Thái Lan sẽ tăng trưởng 1,5% (so với 2,7%).

Thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng, điều này đã gợi ý rằng các thành viên khu vực này đang xích lại gần nhau để tận dụng thị trường rộng lớn dường như bị bỏ quên.

ASEAN vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh bất chấp căng thẳng thuế quan thương mại (Ảnh Internet)
ASEAN vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh bất chấp căng thẳng thuế quan thương mại (Ảnh Internet)

Lavanya Venkateswaran, một nhà kinh tế tại OCBC khuyến nghị “Trong ngắn hạn, các cơ quan chức năng sẽ phải khai thác các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ để cung cấp hỗ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng của nền kinh tế. Về trung hạn, tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại và đầu tư”.

Dĩ nhiên, thuế quan không làm mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Pantheon Macroeconomics, cho rằng, các thị trường mới nổi này hấp dẫn hơn Trung Quốc với tư cách là trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong dài hạn.

Đông Nam Á vẫn là thị trường bán hàng hấp dẫn hàng đầu, và cũng là nơi mà nhiều công ty đa quốc gia vẫn cảm thấy an toàn để sản xuất - trong khi các chuỗi cung ứng mới không dễ dàng được tạo ra trong ngắn hạn.

Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã nhanh chóng tuyên bố rằng, họ sẽ không trả đũa bằng thuế quan của riêng họ, vì điều đó chỉ làm tăng thêm chi phí cho người dân.

Các nhà quan sát nhận định, đã đến lúc ASEAN phát huy vai trò trung tâm. Bằng cách tận dụng “chủ nghĩa khu vực cởi mở”, khối này có thể làm nhiều hơn là bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình. ASEAN có thể huy động một liên minh các đối tác sẵn sàng bảo vệ lợi ích của họ trong hệ thống đa phương.

Trương Khắc Trà