Quảng Ninh: Dồn lực phát triển nhân lực bán dẫn, kiến tạo tương lai công nghệ
Xác định đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn là "đột phá của đột phá", Quảng Ninh đã đề ra các giải pháp để hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra.
Mục tiêu đặt ra
Trên cơ sở kết quả tổng hợp, rà soát hiện trạng của các đơn vị liên quan cho thấy, Quảng Ninh chưa có các dự án bên ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Chưa có các trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành học liên quan đến công nghệ bán dẫn. Trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới chỉ có các dự án gần tương đương lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, với lao động chủ yếu sản xuất các linh kiện điện tử, điện dân dụng, thiết bị thông minh.
.jpg)
Theo thống kê, đến hết năm 2024, tổng số lao động liên quan đến lĩnh vực gần tương đương lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế là khoảng 6.000 lao động. Trong đó, công đoạn thiết kế và phát triển là 30 lao động, 4.000 lao động sản xuất, 300 lao động đóng gói, 350 lao động kiểm thử. Trong khi đó, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu lao động liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cần đến trên 13.000 người.
Hướng tới mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, một số lĩnh vực sẽ đạt trình độ tiên tiến, tiệm cận khu vực và quốc tế. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển Quảng Ninh theo hướng hiện đại, bền vững. Ngay sau khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành, Quảng Ninh đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng 10 văn bản chỉ đạo xuyên suốt và 3 văn bản triển khai đồng bộ của UBND tỉnh.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tham gia sâu vào khâu đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo, góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn với cơ cấu: 315 lao động trình độ đại học trong công đoạn thiết kế và phát triển, 750 lao động trình độ cao đẳng trong công đoạn sản xuất, 12.480 lao động tốt nghiệp THCS, THPT trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử. Đồng thời, đào tạo chuyên sâu cho khoảng 40 giảng viên hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ninh về công nghệ số, điện tử viễn thông, trí tuệ nhân tạo. Định hướng đến năm 2050, có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu
Xác định đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên hàng đầu, Quảng Ninh đã đề ra các giải pháp để hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra.
.jpg)
Trong đó, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo về ngành công nghiệp bán dẫn. Tham gia và tăng cường hợp tác nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo đầu ra cho nguồn nhân lực.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã xác định phải có sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ vào các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ.
Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các cơ chế, chính sách, Quảng Ninh còn chú trọng đầu tư vào nền tảng đào tạo và nghiên cứu. Tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, tinh thần sáng tạo và nghiên cứu khoa học đang được khơi dậy mạnh mẽ trong sinh viên. Hình ảnh sinh viên Khoa Điện miệt mài hoàn thiện robot thông minh cho cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2025 là minh chứng rõ nét cho sự đầu tư vào thế hệ kỹ sư tương lai.
TS Hoàng Hùng Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cho biết, năm học 2025, nhà trường sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực tài chính để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một quỹ hỗ trợ nghiên cứu cũng sẽ được mở rộng để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ngay trong nhà trường.
Nhằm thúc đẩy tinh thần nghiên cứu trong sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh thậm chí đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, xây dựng ba nhóm nghiên cứu chuyên sâu và tăng cường kết nối giữa đào tạo và thực tiễn.
TS. Phan Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết, hàng năm nhà trường dành kinh phí từ 4-5% chi cho hoạt động khoa học công nghệ. Bên cạnh đó trường còn thành lập các nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các sinh viên, giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước. Nhà trường đang xây dựng phương án về nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí để đề xuất với tỉnh về việc phát triển một ngành học mới, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Với những hành động quyết liệt và đồng bộ trên nhiều mặt trận, Quảng Ninh đang cho thấy một tầm nhìn dài hạn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai. Việc tập trung phát triển nhân lực ngành bán dẫn không chỉ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế mới, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa phương hiện đại, bền vững và tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ.