Khởi nghiệp

Các nhà đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á ngày càng thận trọng

Quân Bảo 28/04/2025 2:00

Hướng đi cho tương lai của các startup là một mô hình kinh doanh kết hợp giữa thế giới thực địa và kỹ thuật số, thay vì hoàn toàn số như thời gian đã từng qua.

Thị trường đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC) tại Đông Nam Á đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể. Thay vì tìm kiếm những công ty khởi nghiệp công nghệ tăng trưởng cao đầy rủi ro như truyền thống, các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn đáng kể.

Screenshot 2025-04-26 142511
Vốn đầu tư vào các startup công nghệ đã giảm gần 80% trong 2 năm qua

Xu hướng này đã trở nên rõ nét hơn trong hai năm qua, khi một số nhà đầu tư VC đã dịch chuyển trọng tâm từ các startup giai đoạn đầu rủi ro sang các công ty giai đoạn sau, những công ty mà đã có nền tảng vững chắc hơn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hành xử giống như các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity - PE). Thay vì nhắm đến tỷ suất lợi nhuận 100 lần như thông lệ của VC, thì bây giờ một số nhà đầu tư VC lại chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn nhiều, khoảng 3x hoặc 4x, những con số thường thấy ở các quỹ PE.

Jeremy Tan – đồng sáng lập quỹ Tin Men Capital – cho biết hiện lại đang có rất nhiều khoản đầu tư của các quỹ VC truyền thống lại đổ vào các doanh nghiệp truyền thống. Các nhà đầu tư VC đã rót vốn nhiều hơn vào các lĩnh vực truyền thống như tiếp vận, chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi và thậm chí cả trang trại.

Sự chuyển dịch này diễn ra trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tư mạo hiểm trong khu vực đã sụt giảm mạnh từ năm 2022. Theo dữ liệu từ Tracxn, nguồn vốn từ các nhà đầu tư VC vào các công ty công nghệ đã giảm khoảng 79% từ năm 2022 đến năm 2024, từ khoảng 10,1 tỷ USD xuống còn xấp xỉ 2,2 tỷ USD. Trong cùng kỳ, nguồn vốn rót vào các doanh nghiệp ngoại tuyến, phi công nghệ cũng giảm, tuy ít hơn, khoảng 61% từ 1,3 tỷ USD xuống còn khoảng 527,7 triệu USD.

Một trong những lí do quan trọng là nhiều startup trong khu vực vẫn chưa có lợi nhuận. Đồng thời, nhiều quỹ ở Đông Nam Á đã huy động quá nhiều tiền nhưng chưa mang lại lợi nhuận xứng đáng cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô tại các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, thậm chí cả Singapore, đang rất yếu. Một vấn đề nổi cộm khác là sự thiếu hụt rõ ràng các thương vụ thoái vốn (exits), cơ chế cho phép nhà đầu tư rút vốn và thu lợi nhuận. Các thương vụ thoái vốn rất hiếm, và ngay cả những công ty Đông Nam Á đã niêm yết cũng chỉ mang lại kết quả "kém ấn tượng" cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều startup vẫn được định giá quá cao, và việc điều chỉnh định giá vẫn chưa xảy ra.

Nhiều quỹ đã đặt hy vọng vào việc niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, sự bất ổn của thị trường gần đây đã khiến nhiều startup phải trì hoãn kế hoạch này. Các startup phục vụ thị trường Đông Nam Á còn đối mặt với những thách thức riêng biệt bởi khu vực này là tập hợp của nhiều quốc gia với ngôn ngữ, văn hóa, môi trường pháp lý khác nhau. Điều này làm cho xác suất xây dựng các công ty quy mô lớn trong khu vực trở nên thấp hơn.

Vậy đâu là con đường phía trước? Một số nhà đầu tư tin rằng các doanh nghiệp hoạt động kết hợp cả thực địa (atoms) và trực tuyến (bits) đang có vị thế tốt nhất để cạnh tranh. Nếu một doanh nghiệp có các yếu tố như tự chủ tiếp vận, giấy phép địa phương, "lợi thế cạnh tranh thực địa tại địa phương", họ thường kiên cường hơn trước sự cạnh tranh bên ngoài.

Nói cách khác, các doanh nghiệp có cả tài sản trực tuyến và thực địa có thể linh hoạt hơn so với chỉ dựa vào một yếu tố.

Một cách để thực hiện điều này là tìm kiếm "một doanh nghiệp có thể được xem là truyền thống, nhưng đưa AI vào đó để làm cho nó hiệu quả hơn, tăng biên lợi nhuận, tối ưu hóa doanh thu, mở ra các sản phẩm mới, và có trải nghiệm trực tuyến lẫn ngoại tuyến", ông Yinglan Tan quỹ Insignia Ventures Partners gợi ý.

Hướng đi cho tương lai của các startup có thể nằm ở sự kết hợp giữa thế giới thực địa và kỹ thuật số, thay vì hoàn toàn số như thời gian đã từng qua.



Quân Bảo