Dòng tiền thanh toán gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong tháng 5/2025
Trong tháng 5/2025, ước tính dòng tiền thanh toán gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp sẽ +182% MoM. Áp lực thanh toán sẽ dồn chủ yếu ở doanh nghiệp bất động sản và bán lẻ.
Trong quý I/2025, tổng nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán ở nhóm Phi ngân hàng dự kiến khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng +26,6% so với quý 1. Giá trị nợ gốc trái phiếu đến hạn thanh toán của nhóm Phi ngân hàng trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vượt nguyên quý đầu năm, với ước tính dòng tiền thanh toán gốc và lãi sẽ lên gần 30.000 tỷ đồng.
Cập nhật dữ liệu trên hệ thống FiinPro-X đến ngày 15/4 cho thấy các TCPH đã thanh toán 36,8 nghìn tỷ đồng gốc và lãi TPDN kể từ đầu năm 2025, bao gồm 18,7 nghìn tỷ đồng đáo hạn trong tháng 3.

Theo đó, tháng 4 sắp qua và các doanh nghiệp Phi ngân hàng ước tính có thể phải chi khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng sẽ tiếp tục phải thanh toán trong tháng 5.
Theo dữ liệu thống kê của FiinGroup, thị trường ghi nhận xuất hiện trường hợp tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả gốc và lãi đến hạn ở tháng 3, trong đó có Tập đoàn xây dựng Tracodi, Tập đoàn R&H.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Phi ngân hàng tăng đột biến giá trị mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp, đạt +187% MoM, nhưng giảm nhẹ -13% YoY. Riêng ngành Tiện ích chiếm tới 84% giá trị mua lại trong tháng, tương đương gần 6,6 nghìn tỷ đồng – gần bằng 75% tổng giá trị mua lại của ngành này trong cả năm 2024 (8,9 nghìn tỷ đồng). Một số TCPH thực hiện mua lại đáng chú ý gồm: CN Năng lượng Ninh Thuận (2,1 nghìn tỷ đồng), Điện gió Hòa Đông 2 (1,4 nghìn tỷ đồng), PT Năng lượng Ninh Thuận (1,2 nghìn tỷ đồng), Phong điện Chơ Long (1 nghìn tỷ đồng). Ngoại trừ Điện gió Hòa Đông 2, các doanh nghiệp còn lại đều đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu. Như vậy, năng lượng tái tạo trở thành nhóm nổi bật về thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng vừa qua.
Cũng theo thống kê, tổng giá trị gốc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán của nhóm phi Ngân hàng ước đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức 5,3 nghìn tỷ đồng của tháng 4, nhưng giảm nhẹ so với tháng 3 (13 nghìn tỷ đồng). Trong đó, bất động sản dự kiến có khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 5, chiếm 31% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường trong tháng và tăng +20,3% so với ước tính của tháng 4.
Một số tổ chức phát hành có trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong tháng gồm Địa ốc Phú Long (1,4 nghìn tỷ đồng), Kinh doanh Nhà Sunshine (1,1 nghìn tỷ đồng), Sunbay Ninh Thuận (855 tỷ đồng).
Mảng bán lẻ dự kiến sẽ có 3 nghìn tỷ đồng gốc trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn thanh toán tháng 5/2025 và toàn bộ thuộc về DV TM Tổng hợp Wincommerce. Sau khi tất toán các lô trái phiếu đến hạn này, Wincommerce sẽ không còn dư nợ trái phiếu.
“Nhờ động thái tích cực mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp gần đây, giá trị gốc trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đáo hạn năm 2025 của nhóm phi Ngân hàng giảm nhẹ còn 159,8 nghìn tỷ đồng so với ước tính đầu năm là 171,9 nghìn tỷ đồng”, FiinGroup ghi nhận.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy áp lực lớn theo quý sẽ rơi vào quý 3 khi trong quý 2/2025, tổng giá trị lãi trái phiếu dự kiến đến hạn thanh toán của nhóm phi ngân hàng khoảng 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng so với quý 1 (13,5 nghìn tỷ đồng) và tập trung vào tháng 6 (7,3 nghìn tỷ đồng); trong khi tại quý III, tính riêng lãi, áp lực thanh toán đã lên tới 17,9 nghìn tỷ đồng, phần lớn ở ngành Bất động sản, Du lịch và giải trí, Dịch vụ tài chính, Xây dựng và vật liệu. Dòng tiền trả nợ gốc quý 3 theo dữ liệu, cao vọt nhất vào tháng 8.

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm FiinGroup/ FiinRatings dự báo, triển vọng thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025,sẽ tăng giá trị dư nợ sẽ tăng từ 15 - 20%. Nguyên nhân do trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn sẽ phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng vốn cấp 2, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời duy trì lãi suất huy động ổn định. Việc huy động trái phiếu sẽ giúp các ngân hàng nâng cao dòng vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, như tỷ lệ LDR (tổng dư nợ cho vay/tiền gửi) và việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.
Bên cạnh đó, các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng dự kiến sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm 2025. Những thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng trái phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp, FiinGroup nhận định.
Ngoài ra là nhu cầu tái tài trợ và tái cấu trúc vốn sẽ gia tăng, đặc biệt từ các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu trong các quý tới. Các ngân hàng tiếp tục là những người mua chính trái phiếu doanh nghiệp, và với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, sẽ thúc đẩy các ngân hàng gia tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Liên quan đến các quy định mới cho thị trường, tại phiên họp thứ 44, thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/4 vừa qua, các đại biểu đã thảo luận nội dung được bổ sung, quy định: Doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính gần nhất). Quy định này không áp dụng với tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị phát hành trái phiếu để làm dự án bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư.
Xoay quanh nội dung này, nhiều quan điểm cho rằng quy định sẽ giúp hạn chế tình trạng doanh nghiệp vốn mỏng nhưng lạm dụng đòn bẩy nợ lớn gấp nhiều lần, thậm chí hàng chục lần, gây rủi ro cho chính doanh nghiệp, trái chủ và thị trường. Dù vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý về khả năng thực thi và tác động thị trường của điều kiện này. Bởi nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng) có hệ số nợ cao hơn 5 lần vốn chủ, nếu bị chặn huy động trái phiếu họ có thể mất kênh vốn quan trọng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng.
Lộ trình về áp dụng quy định cũng được khuyến nghị cân nhắc, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động phát hành mới của các doanh nghiệp còn chưa thực sự sôi động. Cùng với đó, khối bất động sản nhiều áp lực về dòng tiền thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu trong tương lai gần. Theo thống kê, một số doanh nghiệp top tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất trong năm 2025, vẫn tập trung ở nhóm bất động, có VHM, Sovico, Đầu tư Quang Thuận, Bất động sản HANO-VID, BĐS Mỹ, Hoàng Phú Vương, Phát triển Phú Mỹ Hưng, BĐS Phát Đạt, Saigon Glory, BĐS Phú Quốc, ĐT Sun Valley, Trung Nam Land, Xây dựng Hoa Phú Thịnh…