Từ viral đến vỡ nợ: Cảnh báo làn sóng kinh doanh “hot trend”
Bùng nổ rồi lụi tàn, làn sóng khởi nghiệp phong trào đang khiến nhiều bạn trẻ trả giá đắt vì ngộ nhận “hot trend” là con đường làm chủ…
Những ly trà chanh “chém gió”, những ổ bánh mì bơ tỏi nườm nượp khách, những quán cà phê chó mèo... từng bùng nổ như hiện tượng mạng, tạo cảm giác khởi nghiệp chỉ đơn giản như mở một cửa hàng và chờ khách tự đến.
Từ hiệu ứng mạng xã hội đến làn sóng thất bại

Chỉ trong vài năm, từ các thành phố lớn đến tỉnh lẻ, mô hình khởi nghiệp theo trào lưu mọc lên dày đặc. Không ít bạn trẻ, thậm chí mới ra trường hoặc còn đang đi học, hùn vốn, thuê mặt bằng, đổ tiền cho quảng cáo, chỉ vì tin rằng "cứ hot là thắng".
Tuy nhiên, thực tế phũ phàng rất nhanh chóng bộc lộ. Khi trào lưu nguội đi, sức mua giảm, thị trường bão hòa, lượng khách lao dốc. Các quán mở ra dồn dập cũng là lúc các biển "sang nhượng", "cho thuê lại mặt bằng" xuất hiện ngày càng nhiều.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình khởi nghiệp theo trào lưu nhanh chóng hụt hơi chỉ sau vài tháng hoạt động. Chủ quán rơi vào cảnh thua lỗ, mất trắng vốn đầu tư, căng thẳng tài chính, thậm chí vướng phải xử phạt hành chính do không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh hoặc vi phạm an toàn thực phẩm.
Một số trường hợp còn đối mặt với kiện tụng hợp đồng thuê mặt bằng, hoặc bị phạt vì sử dụng hình ảnh, thương hiệu chưa đăng ký bảo hộ. Hệ lụy kéo dài cả về kinh tế lẫn tâm lý, khi không ít người trẻ sau thất bại đầu đời đã rơi vào trạng thái mất phương hướng, hoài nghi bản thân.
Sức hấp dẫn của khởi nghiệp theo trend nằm ở tính “dễ vào”, nhưng chính sự dễ dãi đó cũng khiến nhiều người rơi vào “vòng xoáy ảo tưởng”, tưởng rằng một chút viral trên mạng xã hội có thể bảo đảm thành công lâu dài trong kinh doanh thực tế.
Khởi nghiệp không thể sống bằng hiệu ứng ảo
Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts – cảnh báo, nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp theo trào lưu đã bỏ qua các yêu cầu tối thiểu về pháp lý: đăng ký kinh doanh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng hợp đồng lao động đúng quy định…
“Chúng tôi từng hỗ trợ nhiều trường hợp chủ quán bị buộc đóng cửa ngay sau vài tháng hoạt động chỉ vì không đáp ứng điều kiện kinh doanh. Khi rơi vào tranh chấp, họ gần như không có bất kỳ công cụ pháp lý nào để bảo vệ mình, dẫn đến thiệt hại nặng nề”, bà Nhung chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, khởi nghiệp không thể chỉ dựa vào một trào lưu ngắn hạn. Một mô hình bền vững phải bắt nguồn từ nhu cầu thực, được hậu thuẫn bởi năng lực vận hành bài bản, kế hoạch tài chính rõ ràng và khả năng thích ứng với biến động thị trường.
Tuy nhiên, tâm lý phổ biến trong giới trẻ hiện nay lại đi theo hướng “lướt sóng”, “đánh nhanh rút gọn”. Nhiều người lao vào khởi nghiệp vì thấy người khác thành công mà không lường hết những yếu tố rủi ro tiềm ẩn: chi phí cố định đội lên, thị trường bão hòa nhanh, khách hàng thay đổi thị hiếu liên tục.
Một khi chỉ bám vào sự “hot” trên mạng xã hội mà không có chiến lược dài hạn, việc thất bại là tất yếu. Đằng sau mỗi trào lưu bùng nổ là hàng trăm mô hình kinh doanh non trẻ ngã gục mà ít khi được nhắc đến.
Tất nhiên, vẫn có những câu chuyện thành công. Một số mô hình bắt đầu từ trào lưu nhưng nhanh chóng điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với nhu cầu thực tế. Họ xây dựng thương hiệu riêng, chuẩn hóa quy trình vận hành, đầu tư vào trải nghiệm khách hàng – thay vì chỉ sống dựa vào lượt chia sẻ hay hình ảnh "check-in" ban đầu.
Những người thành công thường không đi theo đám đông, mà chủ động tạo ra giá trị riêng, bền vững. Đó là bài học lớn nhất mà bất kỳ ai muốn khởi nghiệp cũng cần ghi nhớ: đừng đánh đổi giấc mơ làm chủ bằng một cuộc dạo chơi với ảo ảnh.
Khởi nghiệp không phải là cuộc chạy theo hiệu ứng đám đông. Khởi nghiệp là hành trình bền bỉ của tri thức, bản lĩnh và năng lực thực sự. Khi mọi quyết định chỉ bắt đầu từ một hiệu ứng ảo, cái giá phải trả sẽ luôn là những bài học đắt giá, không chỉ bằng tiền bạc, mà cả bằng những năm tháng tuổi trẻ.