“Giải mã” cổ phiếu ngành chứng khoán
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chuyển động mạnh mẽ trong quý đầu năm 2025, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán một lần nữa thu hút sự chú ý.
Nnhiều doanh nghiệp trong ngành chứng khón công bố kết quả kinh doanh tích cực.

Tuy nhiên, ẩn sau những con số lợi nhuận là nhiều vấn đề cần quan sát kỹ hơn về xu hướng, chất lượng tăng trưởng và triển vọng thực sự của nhóm ngành này trong phần còn lại của năm.
DĐDN đã có trao đổi với ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Khối môi giới, Công ty chứng khoán JBSV xoay quanh vấn đề này.
- Nhìn từ kết quả kinh doanh quý I/2025, ông đánh giá thế nào về xu hướng lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán?
Quý I/2025 ghi nhận bức tranh lợi nhuận tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước ở nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lớn như VCI, HCM hay SHS. Tuy nhiên, phần lớn sự cải thiện này không đến từ hoạt động môi giới hay phí dịch vụ, mà chủ yếu xuất phát từ danh mục cho vay ký quỹ (margin). Cụ thể, đến cuối quý I, tổng giá trị dư nợ margin toàn thị trường đã lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ 2024.
Ngoài ra, ngày 31/3/2025, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ so với đầu năm. Điều này góp phần hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của các CTCK, đặc biệt trong mảng tự doanh. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu phản ánh tình hình trong quý I và chưa tính đến những biến động lớn có thể xảy ra sau đó, chẳng hạn như giai đoạn đầu tháng 4 với các phiên điều chỉnh mạnh.
- Trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn còn biến động, theo ông, kết quả kinh doanh quý I đã phản ánh đúng thực lực của các CTCK?
Với những diễn biến đã ghi nhận, có thể nói rằng kết quả kinh doanh quý I/2025 phần lớn đã phản ánh đúng thực lực của các CTCK. Lý do là bởi danh mục cho vay đang được mở rộng một cách rõ rệt, thể hiện khả năng chấp nhận rủi ro và nguồn lực tài chính của từng doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù thị trường vẫn còn biến động, nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó chưa tạo ra ảnh hưởng tiêu cực quá lớn đến lợi nhuận của các CTCK.
Bên cạnh đó, phí giao dịch, vốn là nguồn thu quan trọng thứ hai của các CTCK, đang ở mức nền khá thấp, do cạnh tranh và chính sách giá trong ngành. Vì vậy, các công ty có thể duy trì hoặc tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu là nhờ khả năng kiểm soát chi phí vốn và hiệu quả từ hoạt động cho vay, thay vì sự bùng nổ về khối lượng giao dịch như các chu kỳ trước.

- Ông nhận định thế nào về sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện tại? Nhà đầu tư nên chú ý đến yếu tố nào khi lựa chọn cổ phiếu ngành này trong thời gian tới?
Sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu chứng khoán đang thể hiện rất rõ. Những công ty thuộc Top đầu thị trường có mức độ tăng trưởng lợi nhuận rõ rệt, mở rộng quy mô cho vay và hoạt động đầu tư hiệu quả. Ngược lại, nhiều CTCK nhỏ hơn lại không thể gia tăng quy mô hoạt động, thậm chí gặp khó khăn trong việc cạnh tranh do chi phí vốn cao hơn, làm giảm khả năng sinh lời từ hoạt động margin.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ hơn khi lựa chọn cổ phiếu chứng khoán, không chỉ dựa vào tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn, mà phải xem xét các yếu tố nền tảng như: quy mô vốn, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng kiểm soát rủi ro danh mục tự doanh và định vị của doanh nghiệp trên thị trường. Những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, chi phí vốn thấp và danh mục đầu tư hiệu quả sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn nếu thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng nhóm cổ phiếu chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng của thị trường trước kết quả kinh doanh thực tế vài tháng. Vì vậy, việc đầu tư vào nhóm này mang tính “dẫn sóng” và chịu ảnh hưởng mạnh từ tâm lý thị trường hơn so với nhiều nhóm ngành khác.
- Dựa trên diễn biến lợi nhuận quý I, ông có kỳ vọng gì về triển vọng kinh doanh và định giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong quý II và nửa cuối năm 2025?
Về mặt định giá, hiện tại các cổ phiếu chứng khoán lớn đang được giao dịch với mức P/E tương đối cao, dao động từ 15-20 lần, phản ánh kỳ vọng khá lạc quan của nhà đầu tư vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai gần. Tuy nhiên, mức định giá này cũng đồng nghĩa với việc nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh nếu thị trường không đạt được các mốc kỳ vọng.
Cụ thể, nếu các yếu tố hỗ trợ như thanh khoản cải thiện, VN-Index đạt vùng 1.350 điểm, hoặc có tiến triển tích cực từ chính sách thuế và vĩ mô thì cổ phiếu chứng khoán hoàn toàn có thể giữ được mức định giá hiện tại, thậm chí có dư địa tăng giá. Ngược lại, nếu các thông tin vĩ mô xấu đi hoặc thị trường chứng khoán không duy trì được đà tăng, nhóm cổ phiếu này có thể bị điều chỉnh mạnh do đã phản ánh kỳ vọng từ trước.
Trong thời gian tới, giới đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến các thông tin mang tính rủi ro hệ thống, như thay đổi chính sách vĩ mô, lãi suất,… Đây là những yếu tố có thể tạo ra biến động đáng kể và tác động tức thì đến toàn bộ nhóm ngành chứng khoán. Việc theo dõi sát sao và sẵn sàng điều chỉnh danh mục là điều cần thiết, nhất là trong giai đoạn các yếu tố bên ngoài vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
- Trân trọng cảm ơn ông!