VN-Index vẫn còn dư địa tăng
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn dư địa tiếp tục bứt phá trong quý II/2025 khi nhiều yếu tố vẫn đang hỗ trợ tích cực cho thị trường này.

Trong quý I/2025, TTCK Việt Nam có thể nói là khá tốt trong bối cảnh TTCK toàn cầu đang bị tác động mạnh bởi chính sách thuế quan “leo thang” của chính quyền Donald Trump. Nếu các chỉ số chứng khoán Dow Jones, Nasdaq100, Nikkei 225… điều chỉnh thì VN-Index lại vượt đỉnh mới của gần 3 năm kể từ tháng 5/2022. VN-Index vượt xa ngưỡng 1.300 điểm trước khi chạm và tích lũy quanh mốc 1.330 – 1.340 điểm trong giai đoạn cuối tháng 3. Một trong những động lực cho đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam đi ngược thế giới có thể đề cập đến hoạt động đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và sự hồi phục nhẹ tiêu dùng trong nước.
Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có dấu hiệu “hạ nhiệt”, lạm phát trong xu hướng giảm nhưng rủi ro ngày càng gia tăng khiến nhiều ngân hàng trung ương lựa chọn cách tiếp cận thân trọng hơn so với trước. FED đã không giảm lãi suất trong tháng 3, nhưng bỏ ngỏ về khả năng cắt giảm lãi suất 2 lần vào giai đoạn cuối năm 2025.
Chính sách thuế quan của chính quyền Trump 2.0 sẽ khác nhiều so với giai đoạn 2016 – 2020. Điều này khiến tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các quyết sách thuế quan của chính quyền Trump trong năm nay. Thuế quan sẽ là mối quan tâm chủ đạo mang đặc điểm kiểu thuế quan đối ứng để đạt được những nhượng bộ của các đối tác thương mại của Mỹ, hướng tới đạt được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng, an ninh quốc gia (kiểm soát di cư, lưu trú của công dân nước ngoài…).
Trong phạm vi châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ có nguy cơ cao nhất trước các đòn thuế quan của chính quyển Trump. Trong khi đó, một số nước châu Á khác, như Australia, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam đã có hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, nên điều này có thể tạo ra nhiều không gian đàm phán hơn với Mỹ nhằm tránh thuế quan.

Động lực thúc đẩy thị trường
Dù kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại do chính sách thuế quan của chính quyền Trump, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực. Dữ liệu những tháng đầu năm 2025, đặt biệt là quý I, đang phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Vốn FDI duy trì tích cực nhưng tốc độ chậm hơn so với giai đoạn đầu năm 2024. Sản xuất công nghiệp tiếp tục trên đà hồi phục, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ, cho dù tốc độ giải ngân đầu năm nay vẫn còn chậm. Chi tiêu tiêu dùng có sự chuyển biến tốt, và đây có thể coi là tín hiệu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt mức từ 7,45 – 7,5%/năm trở lên, cao hơn so với mức 7,09% của năm 2024. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công tăng 30% có thể đi kèm với cải thiện hoạt động đầu tư tư nhân. Điều này có thể giúp TTCK Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tăng tốt hơn so với mức tăng trưởng chỉ 12,2% của năm 2024.
Ngoài ra, với làn sóng IPO các doanh nghiệp lớn trong năm nay, quá trình nâng hạng thị trường cũng được đẩy nhanh hơn, TTCK Việt Nam cũng có thể kỳ vọng vào hoạt động giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn bán ròng. TTCK có nhiều cơ hội hơn là rủi ro trong giai đoạn tới. VN-Index có thể tăng lên vùng 1.350 – 1.400 điểm trong quý II/2025.
Khi TTCK còn nhiều cơ hội tăng trưởng, thì cơ hội giải ngân sẽ nhiều hơn, đặc biệt là các cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, xây dựng - xây lắp, cảng biển, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, các nhóm cổ phiếu đáng chú ý là VCG, BVH, CTD, DBC, HAH, TCB, MBB…