Các nền kinh tế mới nổi tăng cường tự lực ứng phó thuế quan
Giữa bất ổn thuế quan, các nền kinh tế mới nổi đang tăng cường tự chủ, đẩy mạnh thương mại nội khối để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giữa căng thẳng thương mại leo thang, các thị trường mới nổi đang mắc kẹt giữa hai gã khổng lồ kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, nhiều quốc gia đang chọn cách đặt cược vào nội lực.
Theo bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại nội khối giữa các nước đang phát triển đang gia tăng mạnh mẽ. Phát biểu với CNBC, bà Grynspan nhấn mạnh: "Một chỉ số thú vị từ năm ngoái cho thấy thương mại Nam-Nam đã tăng nhanh hơn thương mại Bắc-Bắc. Với chính sách thương mại mới của Mỹ, xu hướng này dự kiến sẽ còn bùng nổ mạnh hơn."
Sự gia tăng của thương mại nội khối đang diễn ra trong bối cảnh các nước Đông Nam Á chịu nhiều áp lực từ cuộc chiến thuế quan toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng cho các thị trường mới nổi châu Á, do lo ngại những nền kinh tế nhỏ phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Cụ thể, Goldman dự báo tăng trưởng của Malaysia được kỳ vọng ở mức 3,8% (so với 4,7%) và Thái Lan chỉ đạt 1,5% (so với 2,7%).
Khu vực Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong "Ngày Giải Phóng" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố — thời điểm Mỹ áp thuế lên đến 49% đối với nhiều nước (trừ Trung Quốc) sau thời gian giảm thuế tạm thời 90 ngày.
Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát nhận xét rằng các nước Đông Nam Á buộc phải thực hiện một "bài toán cân bằng" khó khăn. Mỹ không phải là đối tác chiến lược duy nhất; Trung Quốc cũng đóng vai trò then chốt trong các mục tiêu tăng trưởng và phát triển trung hạn của khu vực.
Ông Lavanya Venkateswaran, chuyên gia kinh tế cấp cao về ASEAN tại Ngân hàng OCBC, nhận định: "Các quốc gia sẽ cần linh hoạt hơn, vừa đàm phán với Mỹ để tìm kiếm các thỏa thuận 'hạ cánh mềm', vừa mở rộng hợp tác với những đối tác khác nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia."
Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia, nhằm khẳng định vai trò của Bắc Kinh như một trụ cột ổn định trong khu vực và kêu gọi các nước đang phát triển "bảo vệ lợi ích chung."
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, đồng thời là Chủ tịch luân phiên ASEAN, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực, trong bài phát biểu tại Hội nghị Đầu tư ASEAN hồi đầu tháng Tư.

Tuy nhiên, tìm kiếm một lối thoát cho các thị trường mới nổi không phải là việc dễ dàng. Theo bà Venkateswaran, trong ngắn hạn, các quốc gia sẽ cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Về dài hạn, việc đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư là chìa khóa then chốt.
Một điểm sáng cho Đông Nam Á là chiến lược "Trung Quốc +1" vẫn giữ vai trò quan trọng trong trung hạn. Chiến lược này đã giúp nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong khu vực hưởng lợi lớn trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi các doanh nghiệp toàn cầu chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong GDP của Campuchia tăng từ 55,5% năm 2018 lên 66,9% năm 2023, cho thấy mức độ hội nhập toàn cầu của nước này đang ngày càng sâu rộng.
Ông Miguel Chanco, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường châu Á mới nổi tại Pantheon Macroeconomics, cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng các nền kinh tế mới nổi vẫn hấp dẫn hơn Trung Quốc trong dài hạn với vai trò trung tâm sản xuất xuất khẩu.
"Những mức thuế mới này không thể xóa bỏ lợi thế chi phí lao động cạnh tranh của các nước châu Á mới nổi so với Trung Quốc," ông Chanco nhận định và nhấn mạnh chuỗi cung ứng mới sẽ không được tạo ra trong một sớm một chiều, nhưng xu hướng chuyển dịch này sẽ tiếp tục diễn ra.
Rõ ràng, trong thế giới thương mại đầy biến động ngày nay, các nền kinh tế mới nổi không còn trông cậy hoàn toàn vào Mỹ hay Trung Quốc, mà đang tự tìm cách khẳng định vị thế của chính mình.