Kinh tế thế giới

Thuế quan Mỹ đe dọa xuất khẩu năng lượng sạch của Đông Nam Á

Cẩm Anh 28/04/2025 02:05

Các mức thuế quan của Mỹ đang đe dọa làm chệch hướng xuất khẩu năng lượng mặt trời của các nước Đông Nam Á.

Từ năm 2024 đến nay, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam liên tục ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ định hướng và cơ chế hỗ trợ rõ ràng từ Chính phủ - Ảnh: ITN
Nhu cầu từ Mỹ giảm có thể mở rộng việc sử dụng các sản phẩm năng lượng mặt trời trong nước và tăng quy mô bán hàng trong ASEAN- Ảnh: ITN

Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia giờ đây phải đối mặt với các mức thuế cao, từ hàng trăm tới hàng nghìn phần trăm khi xuất khẩu pin năng lượng mặt trời sang Mỹ.

Cụ thể, các nhà sản xuất năng lượng mặt trời tại Campuchia đang đối mặt với mức thuế lên tới 3.521,1% đối với một số công ty liên kết với Trung Quốc, cao gấp 28 lần so với ước tính sơ bộ trước đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia chia sẻ với The Business Times rằng, các doanh nghiệp năng lượng mặt trời đã sớm nhận thấy dấu hiệu xấu và bắt đầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng trước khi "cơn bão" thuế quan thực sự ập đến.

Bà Yana Hryshko, phụ trách nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nhận xét rằng ngay khi cuộc điều tra của Mỹ bắt đầu vào năm ngoái, các doanh nghiệp tại Campuchia đã chuyển hướng hoạt động sang nơi khác.

Một số công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất mới ngay tại Mỹ, trong khi những công ty khác chuyển sang các khu vực mới như Trung Đông, nơi bà Yana Hryshko mô tả có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời lớn, nhận được sự hỗ trợ tài chính mạnh từ chính phủ và nhu cầu năng lượng cao.

Nhiều doanh nghiệp cũng di dời nhà máy sang các nước Đông Nam Á khác như Lào và Indonesia.

Trong bốn quốc gia bị áp thuế mới của Mỹ, Việt Nam là nước xuất khẩu lượng pin mặt trời lớn nhất sang Mỹ năm 2023 – 12,3 gigawatt (GW) – với giá trị xuất khẩu tăng gấp ba lần kể từ năm 2021, đạt 4 tỷ USD. Nay Việt Nam phải đối mặt với mức thuế có thể lên tới 813,9%.

Ngành sản xuất năng lượng mặt trời tại Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài chi phối, với sự tham gia hạn chế của doanh nghiệp nội địa. Jinko Solar, công ty đặt trụ sở tại Thượng Hải và là một trong những tập đoàn lớn nhất trong ngành, đang chịu mức thuế khoảng 245% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Mặc dù tốc độ đầu tư mới vào Đông Nam Á tăng nhanh – được cho là nhằm né thuế Mỹ đối với sản phẩm Trung Quốc – các chuyên gia cho rằng các mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp mới có thể làm tê liệt một phần ngành công nghiệp này.

pin-mat-troi.png
Mỹ ấn định mức thuế 3,521% với pin nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á

Tuy nhiên, tác động đến thị trường điện mặt trời nội địa của Việt Nam được cho là sẽ hạn chế, do phần lớn tấm pin dùng cho dự án trong nước vẫn nhập từ Trung Quốc.

Với Malaysia, khi mức thuế Mỹ lên tới 250% khiến các nhà sản xuất năng lượng mặt trời nước ngoài rút khỏi Malaysia, nước này có nguy cơ mất hơn 5.000 việc làm và một phần thị trường xuất khẩu năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình trạng dư cung có thể thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng của Malaysia.

Ông Davis Chong, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Malaysia, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài thu hẹp hoặc chuyển sản xuất ra ngoài ASEAN do biên lợi nhuận giảm sút. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa và chính sách trong Kế hoạch Chuyển đổi Năng lượng Quốc gia (NETR), sẽ ít bị ảnh hưởng.

"Sự dư thừa nguồn cung toàn cầu kéo dài cho thấy giá năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục thấp... Và lượng dư thừa đó có thể mang lại lợi ích cho thị trường Đông Nam Á," ông nói với The Business Times.

Ông Patrick Tay, đối tác kinh tế và chính sách tại PwC Malaysia, nhận định rằng các tấm pin mặt trời bị loại khỏi thị trường Mỹ sẽ tìm kiếm điểm đến thay thế, trong đó có Malaysia. "Nguồn cung tăng này có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của chúng ta," ông nói thêm.

Dù đối mặt với khó khăn xuất khẩu, nhiều ý kiến nhận định triển vọng dài hạn của lĩnh vực này vẫn tích cực, với khả năng tạo ra 300.000 việc làm mới đến năm 2050 nhờ triển khai điện mặt trời.

Ông Grant Hauber, cố vấn tài chính chiến lược tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, cho rằng: "Đây sẽ là cơ hội để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhất là khi Thái Lan hiện phụ thuộc vào khí tự nhiên tới 70% nhu cầu điện và chịu tác động lớn từ giá khí toàn cầu."

Ông lưu ý rằng, tính đến năm 2024, Thái Lan mới chỉ lắp đặt khoảng 3,3 GW năng lượng mặt trời, chiếm khoảng 3,9% tổng sản lượng điện. "Điện mặt trời hiện là nguồn năng lượng rẻ nhất, gần như chỉ cần đầu tư ban đầu, chi phí vận hành rất thấp," ông giải thích.

Cẩm Anh