Kinh tế địa phương

Thái Bình: doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ

Minh Huệ 28/04/2025 14:27

Với nền tảng khả quan từ đầu năm, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Thái Bình được kỳ vọng bứt phá trong quý II và cả năm 2025.

Chủ động thích ứng

Thời gian qua, cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã có những khởi sắc.

Theo Sở Công thương Thái Bình: Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 670,5 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực vượt khó và thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Với nền tảng khả quan từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ hơn trong quý II.

3(1).jpg
Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 670,5 triệu USD (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong quý I, hoạt động xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng ở nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh như: dệt may, nông sản chế biến, linh kiện điện tử, sản phẩm công nghiệp phụ trợ...

Bà Ngô Thị Liên - Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương cho biết: Có được sự tăng trưởng đó là do không ít doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng dài hạn từ cuối năm trước, tạo đà thuận lợi cho sản xuất, giao hàng từ những tháng đầu năm. Đồng thời, thủ tục cấp C/O và thông quan hàng hóa được thực hiện nhanh gọn, thuận tiện cho doanh nghiệp.

Đại diện, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ cho biết: Ngay từ cuối năm 2024, Công ty đã đàm phán và ký kết thành công nhiều đơn hàng xuất khẩu ổn định đến hết năm 2025. Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt hơn 68,5 triệu USD, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành dệt may Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Không chỉ bảo đảm đơn hàng, Công ty còn đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản trị và vận hành sản xuất. Đặc biệt, doanh nghiệp đã triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại tất cả các nhà máy, hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, tạo môi trường làm việc lý tưởng cho người lao động và tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Đại diện, Công ty TNHH TAV cho biết: Khoảng 80–90% sản phẩm may mặc của Công ty xuất khẩu sang Hoa Kỳ, còn lại xuất sang châu Âu và Nhật Bản. Đến nay, tình hình sản xuất cơ bản ổn định. Trước thông tin Hoa Kỳ có thể điều chỉnh thuế với hàng hóa Việt Nam, công ty đã xây dựng phương án sản xuất bảo đảm kế hoạch đạt ít nhất 16 triệu sản phẩm trong năm, hạn chế ảnh hưởng đến hết năm 2025 nếu chính sách thuế mới được áp dụng. Về dài hạn, doanh nghiệp cũng đang tính đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực châu Âu.

Bên cạnh tín hiệu khả quan về đơn hàng, không ít doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức: chi phí đầu vào tăng, giá cước vận chuyển chưa hạ nhiệt, yêu cầu chất lượng hàng hóa ngày càng cao từ các đối tác nước ngoài... Tuy nhiên, thay vì bị động chờ đợi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy, đẩy mạnh các kênh xúc tiến thương mại, làm mới mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường.

Đại diện Công ty Tactician cho biết: Đơn vị chuyên sản xuất linh kiện, đồ kiến trúc gia dụng bằng kim loại, với công suất khoảng 3.700 tấn sản phẩm/năm, 100% sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trước nguy cơ bị áp thuế, doanh nghiệp đã gửi thư tới đối tác đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp nếu chính sách được thực thi.

Còn ông Phạm Bách Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng - Mikado chia sẻ: Thị trường truyền thống vẫn quan trọng nhưng không thể phụ thuộc vào một kênh tiêu thụ bởi nó tiềm ẩn rủi ro như “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Vì vậy, chúng tôi tích cực tham gia hội chợ quốc tế, kết nối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng đối tác. Đồng thời, Mikado cũng rà soát, cơ cấu lại sản phẩm và mẫu mã sản phẩm, nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là với các đơn hàng xuất vào thị trường châu Âu, châu Á.

Sự linh hoạt trong định hướng thị trường và đổi mới liên tục là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp xuất khẩu đứng vững và gia tăng lợi thế trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Để đồng hành với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng kịp thời tiếp vốn, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp cần mở rộng sản xuất, nhập nguyên liệu, hoàn thiện đơn hàng lớn.

Tăng tốc và bứt phá

Bước sang quý II, thị trường thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi nhẹ, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do như UKVFTA, EVFTA, CPTPP... đang phát huy hiệu quả, mở ra thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường với mức thuế suất ưu đãi. Tận dụng lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm lao động, cải tiến sản xuất, nâng cấp quản lý chất lượng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động điều hành, quản trị đơn hàng.

1(4).jpg
Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024 (Ảnh minh họa)

Bà Phạm Thị Phương - Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty May 10 - Xí nghiệp May Thái Hà cho biết: Doanh nghiệp vừa đưa nhà máy may áo sơ mi thời trang nam nữ xuất khẩu có công suất 10 triệu sản phẩm/năm với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào hoạt động. Cùng với hệ thống máy móc, công nghệ tự động hóa cao, doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 lao động vào làm việc. Với việc mở rộng quy mô và đổi mới công nghệ sản xuất, chắc chắn hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Xí nghiệp sẽ khởi sắc trong năm nay.

Nhằm tiếp thêm niềm tin và động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chính quyền địa phương và các ngành chức năng luôn đồng hành thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, phổ biến quy định thị trường, kết nối cung - cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đầu tư. Cụ thể, mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức đoàn đi thăm và động viên các doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Họp với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm nắm bắt tình hình và bàn giải pháp ứng phó với khó khăn, thách thức khi Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ...

Đây là minh chứng cho sự đồng hành cùng doanh nghiệp, thể hiện cam kết cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ nền tảng tích cực của sự tăng trưởng trong quý I, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu bước vào quý II với tâm thế chủ động, tự tin hơn và sẵn sàng bứt phá. Nếu tiếp tục được tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, xuất khẩu sẽ duy trì là điểm sáng và động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2025 như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình: Thời gian qua các doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, ứng phó với các rủi ro chính sách từ phía Hoa Kỳ. Thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, kể cả trong tình huống xấu nhất. Đồng thời tăng cường đổi mới quản trị, linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cam kết hỗ trợ tối đa trong khả năng, sẵn sàng phối hợp tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Minh Huệ