Tín dụng - Ngân hàng

Cẩn trọng tác động của chính sách thuế quan tới tăng trưởng tín dụng

Lê Mỹ 28/04/2025 12:00

Quý I/2025 đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực khác hẳn chu kỳ thấp điểm của các năm trước. Nhưng chính sách thuế quan vẫn có thể tác động đến đà tăng trưởng này...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/03 đạt 3,9% so với đầu năm, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2019-24. Như vậy, tăng trưởng tín dụng quý I ước tăng 17,9% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tín dụng cả năm 2025 là 16%.

Chuyên gia khẳng định NHNN có đủ kinh nghiệm và công cụ để duy trì ổn định tỷ giá. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn
Chuyên gia khẳng định NHNN có đủ kinh nghiệm và công cụ để duy trì ổn định tỷ giá. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố cũng cho thấy, tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Trong khi đó, quý I/2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 0,26%. Như vậy, sau gần ba tháng, tín dụng đã tăng gấp gần 10 lần.

Dữ liệu cũng ghi nhận, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36% so với cuối năm 2024. Cùng kỳ năm ngoái, huy động từng giảm 0,76%, giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, một thống kê khác của NHNN cho thấy, trong tháng 1/2025, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tếcủa toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm (giảm 0,75% so với cuối năm 2024). Trong tháng đầu năm, dù tiền gửi dân cư vẫn tăng thêm 123.000 tỷ đồng, song không thể bù đắp được mức sụt giảm tới 233.000 tỷ đồng của tổ chức kinh tế (giảm 3,04% so với tháng trước đó). Theo đó sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế đã ghi nhận sụt giảm.

Xu hướng huy động có thể giảm một phần được các nhà phân tích lý giải nhìn khía cạnh tích cực, nhu cầu sử dụng vốn trong nền kinh tế đã cao lên. Tiền không nằm một chỗ “chờ đợi và quan sát”. Các kênh đầu tư khác, bao gồm vàng không được khuyến khích, đã có những nấc tăng rất mạnh trong các tháng qua đặc biệt kể từ khi chính sách thuế quan được Tổng thống Trump công bố (2/4). Cùng với đó, thị trường bất động sản ghi nhận sự hồi phục. Chứng khoán có thời điểm vượt qua 1.300 điểm, thanh khoản tăng mạnh và thị trường hiện tại cũng đang trong trạng thái chờ đợi KRX “go-live”... Những yếu tố này sẽ tiếp tục thách thức khả năng hút tiền gửi của hệ thống ngân hàng, dù đây được TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Chính phủ nhận định là kênh trú ẩn tích cực trong năm nay. Nguyên do là trong khi thị trường tăng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn, lãi suất huy động đã được các NHTM điều chỉnh về mặt bằng thấp nhằm giữ giá vốn thấp, tích cực hạ lãi suất cho vay.

Cụ thể, hàng chục NHTM đã điều chỉnh lãi suất huy động từ sau cuộc họp với NHNN 25/2. Đến tháng 4, đà giảm lãi suất huy động trong tháng trước đã chững lại, một vài ngân hàng có giảm thêm lãi suất huy động trong tháng 4 như OCB, Nam A Bank và VPBank.

Tính đến ngày 23/04/2025, lãi suất huy động trung bình 12 tháng giảm khoảng 0,12 điểm % so với cuối năm 2024. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm mạnh hơn, khoảng 0,6 điểm % trong 3 tháng đầu năm 2025, theo ước tính của NHNN.

Trong tháng 4, NHNN đã duy trì trạng thái bơm ròng qua kênh OMO trong tháng 4/2025 với quy mô bơm ròng là 16,8 nghìn tỷ đồng (tính đến ngày 24/04/2025). Nhu cầu vay kỳ hạn dài trên thị trường mở của các NHTM có biểu hiện rõ hơn trong tháng qua.

Thống kê của VDSC ghi nhận trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay VND tương đối ổn định, vùng biến động của lãi suất cho vay qua đêm trong khoảng 3,95%-4,69%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong tháng 4/2025 là 4,15%/năm, giảm nhẹ 15 điểm cơ bản so với tháng trước. Tương tự, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng ở các kỳ hạn khác cũng giảm nhưng không đáng kể.

Theo VDSC, dù tín dụng trong Q1/2025 tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, cú sốc thuế quan có thể khiến tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong các tháng tới.

Trước hết, theo VDSC, cú sốc thuế quan có thể tác động tiêu cực trực tiếp đến tín dụng vào lĩnh vực xuất khẩu và doanh nghiệp FDI, vốn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, chiến lược phát triển khách hàng của các NHTM ở nhóm này sẽ bị ảnh hưởng.

Tín dụng vào lĩnh vực có liên quan đến hoạt động xuất khẩu như công nghiệp phụ trợ và bất động sản khu công nghiệp sẽ kém tích cực do doanh nghiệp dừng/hoãn các kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh.

Tín dụng tiêu dùng có thể kém khả quan hơn kỳ vọng đầu năm của các nhà phân tích, do nhóm khách hàng chủ yếu là tầng lớp lao động thuộc lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực từ cú sốc thuế quan.

Ngoài ra, nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phải đối diện với môi trường cạnh tranh được thắt chặt đầy bởi cú sốc dẫn đến việc khó mở rộng tín dụng hoặc ảnh hưởng đến dòng tiền và khả năng trả nợ.

Trong kịch bản tiêu cực là hàng xuất khẩu Việt Nam chịu thuế suất 46% khi vào thị trường Mỹ khiến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế sụt giảm, VDSC cho rằng NHNN sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ như hoãn/giãn nợ để giảm thiểu rủi ro nợ xấu như giai đoạn Covid-19 hay thiên tai do bão Yagi gây ra. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu 16% trong năm 2025.

Nhận định chung về tác động thuế quan với hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, ngành ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút. Từ đó, tác động đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng.

Tuy vậy, các chuyên gia VCBS đánh giá tác động là không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% tổng dư nợ toàn hệ thống hay dư nợ FDI chiếm khoảng 2%.

Lê Mỹ