Thị trường vàng

Tâm lý đẩy giá vàng lên cao và bài toán cho kinh tế Việt Nam

Diễm Ngọc 29/04/2025 04:21

Đà tăng giá vàng cho thấy tâm lý bất ổn đang chi phối thị trường toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động ổn định dòng vốn và hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Tâm lý đẩy giá vàng leo thang

Trong những ngày gần đây, thị trường vàng thế giới và Việt Nam đã chứng kiến những diễn biến chưa từng có trong lịch sử. Giá vàng liên tiếp xác lập những đỉnh cao mới và cho thấy yếu tố tâm lý đang chi phối mạnh mẽ toàn bộ thị trường vàng toàn cầu hiện nay.

vang.jpg
Trong trung hạn, đà tăng của giá vàng không thể kéo dài mãi và chắc chắn sẽ có sự ổn định

Theo các chuyên gia, cụ thể ở đây chính là tâm lý thế giới phụ thuộc vào chính sách thuế mà Tổng thống Mỹ đưa ra đối với thế giới và khả năng đàm phán cũng như kết quả đàm phán như thế nào. Những biến động mạnh mẽ của thị trường vàng trong thời gian qua phản ánh tâm lý tìm kiếm sự lựa chọn an toàn, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế bị chững lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm khoảng 0,5% so với dự báo ban đầu, trong đó riêng Mỹ ghi nhận mức giảm tới 0,9%. Tất cả những số liệu này cho thấy tác động trực tiếp của chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới giá vàng, mà còn giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ cũng như toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định trong trung hạn, đà tăng này không thể kéo dài mãi. Chắc chắn giá vàng sẽ có sự ổn định, phụ thuộc vào kết quả đàm phán về chính sách thuế giữa Mỹ với các quốc gia đối tác, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc và Nga – Ukraine.

Xét về cơ sở, việc tăng giá vàng hiện tại không gắn liền với các yếu tố nền tảng kinh tế. Lạm phát trên toàn cầu chưa cao đến mức có thể thúc đẩy giá vàng leo thang dữ dội. Tăng trưởng kinh tế cũng không đủ mạnh để tạo ra nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn truyền thống. Các chỉ số khác như giá cả hàng hóa cơ bản và thị trường chứng khoán cũng không tăng trưởng tương ứng với đà tăng của vàng.

“Điều đó cho thấy, giá vàng hiện tại gần như vận động đơn lẻ, hoàn toàn dựa trên yếu tố tâm lý và chính sách vĩ mô, đặc biệt từ Mỹ. Vì vậy, chúng tôi tin rằng qua quý II này, đặc biệt trong vòng một tháng tới, kết quả đàm phán về chính sách thương mại và thuế của Mỹ sẽ rõ ràng hơn, lúc đó, giá vàng có khả năng sẽ giảm nhanh”, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.

Trong ngắn hạn, giá vàng tăng để lại nhiều tác động tiêu cực. Trước hết là ảnh hưởng tới dòng đầu tư toàn cầu, nhất là khi các hợp đồng thương mại lớn giữa các quốc gia tạm ngưng hoặc buộc phải tìm cách chuyển hướng. Hoạt động kinh tế bị đình trệ, kéo theo nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước, đồng thời tạo áp lực lạm phát chủ yếu từ khía cạnh tiền tệ - tức lạm phát do mất giá đồng tiền và dòng vốn rút khỏi các thị trường truyền thống.

Đây không phải là lạm phát do cầu kéo hay chi phí đẩy thông thường, trừ trường hợp các đàm phán thất bại và mức thuế mới được áp dụng ở mức rất cao, khi đó lạm phát chi phí đẩy sẽ trở nên rõ rệt hơn. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh sẽ bị chững lại, thậm chí có thể chuyển hướng sang vàng hoặc bất động sản để giữ giá trị tài sản.

Một hệ quả khác là tỷ giá của nhiều đồng tiền lớn sẽ biến động mạnh. Các quốc gia có thể phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế để giữ ổn định, dẫn đến việc đồng tiền mất giá và dòng vốn rút lui. Từ đó, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một đợt giảm giá mới của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, làm gia tăng bất ổn tài chính toàn cầu.

Bài toán cho Việt Nam

Việt Nam vốn là một quốc gia có truyền thống gắn bó với vàng, từ nhu cầu tiêu dùng, chế tác, cho đến tích trữ và đầu cơ lướt sóng. Trong bối cảnh các kênh đầu tư sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận thấp, vàng trở thành lựa chọn lướt sóng của nhiều người, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.

Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024 (Ảnh minh họa)
Dòng tiền bị hút vào vàng đồng nghĩa với việc giảm dòng vốn cho đầu tư sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu tăng trưởng GDP (Ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo, khi giá vàng tăng mạnh, sẽ dẫn tới hiện tượng gia tăng hoạt động mua bán lướt sóng vàng trong nước. Tình trạng khan hiếm vàng hoặc chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới sẽ diễn ra, kéo theo sự chênh lệch giữa các thương hiệu vàng, giữa giá mua và giá bán. Nguy cơ mất thanh khoản và phá sản của một số người buôn vàng là có thật, đe dọa tới an ninh tài chính, tiền tệ.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là nguy cơ buôn lậu vàng bùng phát. Thực tế, giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn giá vàng thế giới. Vừa qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách bình ổn thị trường vàng nhằm kiểm soát tình hình. Dù sau đó giá vàng có hạ nhiệt nhẹ xuống mức 114 triệu đồng/lượng, nhưng lại bật tăng vượt mốc 120 triệu đồng/lượng.

Tính đến sáng ngày 28/4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 118 triệu đồng/lượng mua vào và 120 triệu đồng/lượng bán ra – giảm 1 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua và bán so với hôm trước.

Việc Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và bình ổn giá vàng là rất cần thiết. Tuy nhiên, như TS. Nguyễn Minh Phong phân tích, giải pháp cần đồng bộ, bao gồm: Điều chỉnh chính sách, kiểm soát hoạt động đầu cơ, buôn lậu và giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vàng, không để xảy ra tình trạng chênh lệch mua bán quá mức hoặc độc quyền nguồn cung.

Nếu dòng tiền tiếp tục chảy vào vàng thay vì đổ vào sản xuất kinh doanh, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro trong trung và dài hạn. Hiện tại, tuy chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ dòng tiền chảy vào vàng so với bất động sản hay chứng khoán, nhưng việc người dân ở các thành phố lớn tăng mua bán vàng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại.

“Dòng tiền bị hút vào vàng đồng nghĩa với việc giảm dòng vốn cho đầu tư sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% mà Chính phủ đề ra, đồng thời làm giảm sức bật của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đang chịu nhiều áp lực. Không những vậy, khi thu nhập giảm sút và việc làm khó khăn, dòng tiền bị kẹt vào vàng cũng sẽ tạo ra áp lực lớn lên an sinh xã hội và ổn định tài chính trong nước.

Như vậy, việc điều hành thị trường vàng trong thời gian tới đòi hỏi sự tỉnh táo, nhất quán và đồng bộ trong chính sách vĩ mô. Không chỉ kiểm soát giá vàng, mà còn phải giữ vững niềm tin, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chủ động các biện pháp kiểm soát, đồng thời định hướng dòng tiền vào các hoạt động kinh tế sản xuất thực chất thay vì các kênh đầu cơ tài sản rủi ro. Chỉ có như vậy, mới đảm bảo được sự ổn định tài chính, bảo vệ thành quả tăng trưởng và củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững trong những năm tới.

Diễm Ngọc