Đông Nam Á xoay xở vượt thách thức thuế quan năng lượng
Các doanh nghiệp Đông Nam Á có thể đa dạng hóa khách hàng trong khu vực để vượt qua thách thức thuế quan năng lượng.

Khi quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thì lĩnh vực năng lượng sạch của khu vực này có thể sẽ chịu thêm một cú sốc nữa từ việc Hoa Kỳ mới đây áp thuế nhập khẩu.
Không chỉ các nhà xuất khẩu năng lượng sạch bị ảnh hưởng. Bà Fang Eu-Lin, lãnh đạo bộ phận phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của PwC Singapore, cho biết triển vọng bất ổn hiện nay có thể làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư, qua đó tác động đến dòng vốn đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng nhận định rằng điều này có thể thúc đẩy các công ty ASEAN đa dạng hóa thị trường khách hàng trong nội khối, qua đó hỗ trợ phát triển ngành năng lượng sạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng.
Tất cả sẽ phụ thuộc vào việc liệu lệnh tạm hoãn thuế quan 90 ngày của Tổng thống Trump, ngoại trừ với Trung Quốc, có được gia hạn hay không. Nếu không, mức thuế đối với hàng hóa từ ASEAN vào Mỹ sẽ trở lại dao động từ 10% đến 49%.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững, pin mặt trời và tấm quang điện có lẽ là nhóm sản phẩm xuất khẩu lớn nhất từ ASEAN sang Mỹ, và các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu những mặt hàng này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các nhà phân tích ước tính rằng sản phẩm năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam chiếm khoảng 75–80% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm này của Mỹ.
Ông Joseph Poh, Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng và hóa chất thuộc bộ phận giải pháp ngành của ngân hàng UOB, cho biết: đợt áp thuế mới này sẽ làm tăng thêm giá thành của các mô-đun năng lượng mặt trời nhập khẩu từ ASEAN, qua đó nới rộng khoảng cách giá so với sản phẩm sản xuất trong nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng xuất khẩu liên quan đến xe điện từ Malaysia và Thái Lan vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Dù Trung Quốc là nhà xuất khẩu xe điện lớn nhất thế giới, nhưng thị phần của họ tại thị trường Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Phản ứng tức thì của các nhà sản xuất năng lượng sạch ASEAN sẽ là đa dạng hóa thị trường khách hàng ra ngoài nước Mỹ.
Các nhà sản xuất liên quan đến năng lượng mặt trời và xe điện ở ASEAN sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động do dự báo nhu cầu sụt giảm, thậm chí cân nhắc chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Mỹ. Ông Poh nhận định điều này sẽ gây xáo trộn đáng kể đối với hoạt động sản xuất thiết bị năng lượng và điện mặt trời.
Do Mỹ là thị trường tiêu thụ quan trọng những sản phẩm này, bà Fang cảnh báo rằng các thị trường ASEAN sẽ cần thời gian để có thể tự bảo vệ mình trước tác động ngắn hạn của các mức thuế mới.
"Ngay cả khi có thể chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường khác, các nhà sản xuất vẫn sẽ phải đối mặt với biên lợi nhuận thu hẹp", bà Fang bổ sung.
Các nhà quan sát lưu ý rằng còn nhiều yếu tố biến động có thể ảnh hưởng đến tiến độ phi carbon hóa của ASEAN.
Nếu các doanh nghiệp trong khu vực tìm cách tiêu thụ lượng cung dư thừa ngay trong nội khối, thì quá trình chuyển đổi năng lượng của ASEAN có thể được đẩy nhanh.
Tuy nhiên, điều này chỉ thành hiện thực nếu các nước ASEAN không áp đặt yêu cầu nội địa hóa sản xuất để bảo vệ ngành sản xuất tấm pin mặt trời của riêng mình.
"Tôi nghĩ chúng ta cần một sự phối hợp trong khu vực Đông Nam Á để bảo đảm rằng lượng công suất dư thừa hiện tại có thể phục vụ tốt cho cả khu vực. Chúng ta không còn nhiều thời gian. Cộng đồng ASEAN sẽ cần ngồi lại và nhanh chóng đạt được đồng thuận," ông Sulaeman nhấn mạnh.
Một bước tiến quan trọng hướng tới hội nhập ASEAN sâu rộng hơn là phát triển mạng lưới điện chung ASEAN (ASEAN Power Grid), điều đã được thảo luận suốt hai thập kỷ qua.