Burger mì có giúp Lotteria khởi sắc?
Chuỗi thức ăn nhanh Lotteria vừa ra mắt sản phẩm kết hợp độc đáo burger mì. Liệu đây có phải là quân bài phù hợp để Lotteria gây sự chú ý tại thị trường Việt Nam?
Burger mì, hay ramen burger theo tên gọi chính thức của Lotteria. Ngay từ tên gọi, burger mì đã nêu lên được nét độc đáo của mình. Thay vì dùng vỏ bánh burger truyền thống, Lotteria sử dụng những sợi mì để tạo nên phần vỏ. Phần nhân được chọn là nhân tôm, với hàm ý gợi nhớ đến món mì tôm quen thuộc, nhưng ăn theo một cách mới lạ hơn.

Đại diện Lotteria Việt Nam chia sẻ rằng hiện nay, người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm nhiều thứ hơn ở một món ăn, không chỉ là sự ngon miệng mà còn là sự mới mẻ, thú vị. Do đó, Lotteria kỳ vọng ramen burger có thể đáp ứng kỳ vọng này của khách hàng. Họ khẳng định ramen burger là một sự nâng cấp món mì tôm truyền thống thành một phiên bản hiện đại và độc đáo hơn.
Có thể nói tinh thần mà Lotteria đang theo đuổi là “Fun & Unique”, tức là một sản phẩm vừa bất ngờ về hình thức, vừa cuốn hút về trải nghiệm. Trên thực tế, rất nhiều chuỗi nhà hàng thường xuyên áp dụng cách tiếp cận này để tạo nên những món ăn mới mẻ, vừa đem đến trải nghiệm ẩm thực mới mẻ hơn cho thực khách vừa góp phần tạo nên hiệu ứng truyền thông.
Chẳng hạn, pizza 4P’s từng khiến dân tình chao đảo với hai biến tấu lạ lùng và độc đáo có một-không-hai: pizza bún đậu và pizza cơm tấm. Pizza bún đậu là sự kết hợp giữa đế bánh pizza truyền thống cùng một lớp phô mai mỏng, nhưng topping là những thành phần quen thuộc của món bún đậu như thịt chân giò luộc, đậu rán, kèm rau tía tô, ngò phía trên. Đặc biệt, mắm tôm được chưng lên và cô đặc lại rồi rắc lên bánh.
Trong khi đó, pizza cơm tấm có lớp sốt nền được cải tiến từ “chả” với thịt xay, trứng và nấm mèo khô, với các topping gồm phô mai mozzarella, sườn nướng, bì và trứng chiên. Loại pizza này được dùng kèm đồ chua và nước mắm theo chuẩn tinh thần “cơm tấm”.
Chưa bàn đến hương vị gây tranh cãi khi kết hợp pizza phương Tây với những món đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, thế nhưng pizza bún đậu và pizza cơm tấm đã giúp thương hiệu Pizza 4P’s nổi rần rần và đạt được tương tác lớn trên mạng xã hội.
Hay ngày Cá Tháng Tư năm 2010, KFC tung ra món Double Down. Theo giới thiệu của KFC, đó là một món sandwich “không bánh mì”. Thay vào đó, phần vỏ bánh mì bình thường được thay bằng hai miếng gà rán giòn không xương, kẹp bên trong là phô mai và thịt xông khói, dùng kèm sốt mayonnaise hoặc sốt cay. Dù có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề dinh dưỡng, thế nhưng Double Down đã bán được hơn 10 triệu cái chỉ trong vòng một tháng. Nhu cầu về món này cao đến nỗi KFC từng phải đem Double Down quay trở lại vào thực đơn năm 2014.
Gần đây hơn, vào giữa năm 2024, Pizza Hut cũng tung ra món mashup giữa pizza và burger phô mai. Một lần nữa, phần vỏ bánh mì burger mềm mềm được thay bằng đế bánh pizza mỏng giòn phủ phô mai parmesan đặc trưng của Pizza Hut, kẹp bên trong là phần nhân burger quen thuộc như thịt bò băm, thịt xông khói, hành tây và phô mai kèm sốt.
Tuy nhiên, thành công nhất có lẽ phải nói đến món burger cơm của MOS Burger đến từ Nhật Bản. MOS là tên viết tắt từ Mountain, Ocean and Sun (Núi, Đại dương và Mặt Trời). Ra mắt từ năm 1972, MOS nhanh chóng trở thành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh được yêu thích tại Nhật Bản. Sau 7 năm hoạt động, MOS Burger có 100 cửa hàng. Năm 1983 nhà hàng MOS Burger nhượng quyền thương mại đầu tiên được khai trương cũng tại Tokyo.
Tuy nhiên 1987 mới là năm đặt nền móng cho sự phát triển thực sự của chuỗi nhà hàng này khi họ tung ra “vũ khí bí mật”, món Burger cơm Tsukune. Giống như tên gọi, phần vỏ bánh được thay bằng phần cơm ép khuôn, với phần nhân quen thuộc từ xà lách, hành tây, thịt bò/gà/tôm.
Món burger cơm này rất được yêu thích và trở thành điểm khác biệt chính trong chiến lược cạnh tranh của MOS Burger. MOS Burger và biểu tượng burger cơm của mình nhanh chóng lan tỏa trên khắp Nhật Bản và vươn ra thế giới như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Úc và các nước Đông Nam Á khác. Ngày nay, MOS Burger có 2.000 cửa hàng tại Nhật Bản và 1.800 cửa hàng ở nước ngoài, là đối thủ đáng gờm của McDonald’s, nhờ phần lớn vào món burger cơm.
Thậm chí, McDonald’s cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng và cho ra đời burger cơm ở thị trường châu Á, đầu tiên là tại Đài Loan vào đầu năm 2005. Trong vòng 6 tháng, món này tiêu thụ được 5 triệu bánh, đi vào lịch sử doanh số tiêu thụ món ăn mới của McDonald’s. Burger cơm trở thành 1 trong 3 món ăn địa phương nổi tiếng nhất trong thực đơn của McDonald’s trên toàn thế giới. Tuy nhiên, món này không được phép bán tại Nhật Bản vì nó trở thành sản phẩm độc quyền của MOS Burger.
Quay trở lại với Lotteria và món burger mì. Lotteria ra mắt burger mì trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, Lotteria Việt Nam lỗ hơn 126 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Lotteria Việt Nam bị âm lợi nhuận ròng, mức này cao hơn năm 2023 khoảng 23%. Số lỗ của năm 2024 cũng nặng nhất kể từ sau dịch Covid-19. Từ khi công bố thông tin lợi nhuận năm 2018 đến nay, Lotteria chỉ lãi duy nhất năm 2022.
Liệu burger mì có thể là quân bài chiến lược để thu hút người tiêu dùng, đem đến những điểm sáng triển vọng cho con đường kinh doanh tại thị trường Việt Nam của Lotteria, giống như các món ăn đình đám kể trên đã từng làm được?