Chính trị

Trường Sa - Bức tường thành của Tổ quốc giữa biển khơi

Hải Ngân 29/04/2025 09:45

50 năm sau ngày giải phóng (29/4/1975 – 29/4/2025), Trường Sa đã vươn mình trở thành trung tâm kết hợp kinh tế - quốc phòng giữa trùng khơi.

105.jpg
Trang nghiêm lễ chào cờ trên đảo Trường Sa

Cánh quân thứ 6 trong mùa Xuân đại thắng

Trong cuộc đời mỗi con người, có những cung đường, những khoảnh khắc gặp một lần có thể quên ngay. Nhưng cũng có những cung đường chỉ được đặt chân đến một lần rồi xa nhưng cả đời không thể nguôi ngoai. Hải trình đến với Trường Sa chính là cung đường ấy.

Trở về trong chuyến công tác đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, thỉnh thoảng mở lại những bức ảnh chụp ở các đảo nơi mình đặt chân đến, lòng tôi lại thấy bồi hồi, thao thức... Có điều gì đó rất đặc biệt ở nơi đấy. Nắng gió, biển xanh với những con người hiền lành, kiên cường và cả ký ức không thể nào quên của những ngày tháng 4 lịch sử 50 năm về trước.

106.jpg
Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa

Tháng 4 năm 1975, trong khi 5 cánh quân thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì tại biển Đông, một mũi tiến công thầm lặng ra khơi. Đó là trận đánh không kém phần quan trọng diễn ra trong lặng lẽ nhưng quyết liệt: Giải phóng các đảo chiến lược thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Mật điện số 990B/TK cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5: “Thực hiện kịp thời đánh chiếm các hòn đảo ở vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa. Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò: "Trên mặt trận biển Đông, hành động của Hải quân cũng phải thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Dưới mật lệnh đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cánh quân thứ 6 đã mở màn chiến dịch giải phóng Trường Sa, đánh dấu bước ngoặt chiến lược, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển đảo thiêng liêng.

Ngày 14/4/1975, đảo Song Tử Tây - điểm đầu của chiến dịch được giải phóng chỉ sau 30 phút chiến đấu. Quân địch bị bắt sống gần như toàn bộ. Đây là bước đột phá, là bàn đạp để mở rộng ra toàn bộ quần đảo. Trong những ngày tiếp theo, từng đảo lần lượt được giải phóng: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, bằng các đòn đánh thần tốc, bí mật, sáng tạo và dứt khoát.

Sau gần 20 ngày chuẩn bị và chiến đấu, ngày 29/4/1975, chỉ một ngày trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay giữa Biển Đông là biểu tượng của chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, không thể tranh cãi.

Việc giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa trong thời điểm cuối tháng 4/1975 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sức sống Trường Sa

Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng luôn trong trái tim triệu người con đất Việt với niềm tự hào mãnh liệt về biểu tượng chủ tuyền và toàn vẹn lãnh thổ. Với tình yêu thương sâu sắc mảnh đất máu thịt của Tổ quốc, giữa trùng khơi với muôn vàn khó khăn, thách thức, quân dân huyện đảo Trường Sa vẫn luôn vững chí, bền tâm kiên cường bám biển.

107.jpg
Trường Sa giờ đã vươn mình trở thành trung tâm kết hợp kinh tế - quốc phòng giữa trùng khơi

Sau ngày giải phóng, những người lính Hải quân vẫn ngày đêm canh giữ, bảo vệ các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những ngư dân kiên cường bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng. Những nhà khoa học, kỹ sư, công nhân không ngừng nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao tiềm lực quốc phòng và kinh tế biển đảo.

Giờ đây, Trường Sa đã vươn mình trở thành trung tâm kết hợp kinh tế - quốc phòng giữa trùng khơi. Cây cối sinh sôi, nảy nở vươn lên mạnh mẽ giữa biển trời bao la. Những công trình quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh như: sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu truyền hình, điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, các công trình văn hóa, trung tâm y tế... đã góp phần nâng cao đời sống của quân, dân trên đảo. Qua đó tiếp thêm niềm tin, động lực để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần thiết thực vào giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, hải đảo của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Phạm Văn Thọ - Chính uỷ Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Từ sau ngày được giải phóng, Trường Sa có những thay đổi lớn cả về diện mạo và thế trận. Trường Sa đã vững chắc hơn, xanh hơn, sạch hơn, gần với đất liền hơn. Quân và dân trên quần đảo vui mừng, phấn khởi, trân trọng và tự hào về Trường Sa ngày hôm nay”.

Quyết tâm bảo vệ từng tấc đảo, sải biển

Tháng 4 về ở Trường Sa thật đặc biệt. Trong niềm vui chung kỷ niệm ngày non sông thống nhất của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, quân và dân quần đảo Trường Sa cũng hân hoan chào mừng 50 năm giải phóng. Đây cũng là thời điểm những cơn “cuồng phong” của biển tạm lắng, mặt biển hiền hòa, êm dịu để những con tàu có thể nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi, mang hơi ấm từ đất liền ra các đảo.

108.jpg
Tàu cá của ngư dân sau nhiều ngày đánh bắt xa bờ neo đậu tại khu vực âu tàu Trường Sa

Giữa mênh mông sóng nước, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa, quân dân cùng hát vang bài Quốc ca với niềm tự hào của những người con đất Việt. 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên dõng dạc thể hiện tinh thần quyết tâm vượt mọi thử thách, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

“Chúng tôi xác định rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, trong đó có ngư dân để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa trong tình hình mới. Cũng trong dịp này, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tập trung vào đẩy mạnh công tác thi đua tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Cùng với đó là các hoạt động tri ân các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng... Thông qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã hiểu sâu sắc hơn về truyền thống, những thành tích và chiến công của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước. Từ đó nhận rõ vinh dự và tự hào được công tác trên quần đảo Trường Sa, nhận thức sâu sắc tình hình nhiệm vụ, xây dựng động cơ, trách nhiệm trong học tập và rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, dù có phải hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại tá Phạm Văn Thọ chia sẻ.

Các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Còn Trung sĩ Hồ Quang Thái – Đảo Thuyền Chài tự hào chia sẻ: “Là một chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, tôi nhận thức sâu sắc về vinh dự, tự hào và trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương. Tôi trân trọng, khắc ghi và tri ân những cống hiến, hy sinh của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước để có được Trường Sa như ngày nay. Sự hy sinh của các cha anh đã thắp sáng cho chúng tôi ngọn lửa, tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo để từ đó chúng tôi luôn vững vàng nơi đầu sóng, rèn luyện ý chí và bản lĩnh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc chúng ta”.

102(1).jpg
Với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, "Đảo là nhà, biển cả là quê hương"

Nhớ lại hải trình vượt nghìn hải lý đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chị Nguyễn Nguyễn Lê Tố Loan – Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) không khỏi xúc động, đến với Trường Sa, được đặt chân lên từng điểm đảo, được ngắm nhìn cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời, được gặp gỡ chuyện trò với các cán bộ, chiến sĩ đang làm việc ở tuyến đầu Tổ quốc, chị thật sự cảm phục trước tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân nơi đây, cảm nhận được tình người, tình đồng chí ấm áp giữa đảo xa.

them anh
Các chiến sĩ Trường Sa cập nhật tin tức từ đất liền.

"Những đón tiếp ân cần, chu đáo của quân và dân trên đảo đối với chúng tôi mang lại cảm giác thân thương, gần gũi và tình cảm giữa đất liền và Trường Sa càng thêm thiêng liêng, thắt chặt. Đặc biệt, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa chào tạm biệt cùng lời nhắn “Trường Sa vì cả nước” là một hình ảnh thật đẹp và thiêng liêng mãi in đậm trong trái tim tôi. Sự hy sinh, tinh thần kiên cường của họ là một tấm gương sáng ngời để chúng ta sống tích cực hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội”, chị Loan tâm sự.

Hải Ngân