Lao động trong thời đại số
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã nổi lên như một lực lượng chuyển đổi trong thị trường lao động, định hình lại bản chất của công việc, động lực làm việc trong các lĩnh vực khác nhau.

Mặc dù AI có thể sẽ tiếp tục thay thế một số công việc, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các vị trí việc làm mới, đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy chiến lược - những yếu tố mà AI không thể hoàn toàn thay thế được. Bởi vậy, người lao động cần phát triển các kỹ năng mới, đặc biệt là những kỹ năng khó có thể tự động hóa, như tư duy phản biện, sáng tạo, và khả năng làm việc với các công nghệ tiên tiến để đảm bảo tương lai của mình trong thời đại số.
Lịch sử cho thấy gì?
AI bắt đầu thâm nhập mạnh mẽ vào từng ngóc ngách đời sống xã hội, liệu con người đang bị cuốn vào cuộc giành giật công việc “một mất một còn”, hay con người và công nghệ có thể cộng tác cùng nhau để đạt hiệu suất lao động cao hơn?
Thực ra, nếu bình tĩnh nhìn nhận, vấn đề không quá bi đát như những báo cáo gần đây về sức mạnh đáng sợ của AI, bởi vì đây không phải là cuộc cách mạng đầu tiên xảy ra và AI cũng không phải từ trên trời rơi xuống.
Jame Watt chế tạo ra động cơ hơi nước vào cuối thế kỷ 18, nó đã giải phóng hoàn toàn lao động cơ bắp sức vóc, nhưng không hề cướp đi sinh kế của người lao động. Ngược lại, nó đã trực tiếp sản sinh ra nhiều ngành công nghiệp mới trong sản xuất, chế tạo, kéo theo hàng tỷ nhân lực vào guồng máy công nghiệp hóa trên phạm vi toàn cầu.
Giữa thế kỷ 20, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) phát minh ra máy vi tính, tưởng chừng nó sẽ làm thay con người tất thảy mọi công việc cần đến trí óc. Thế nhưng, người lao động không vấp phải sự cạnh tranh tiêu cực nào cả. Thời đại tin học, số hóa tạo ra năng suất lao động chưa từng có trong lịch sử loài người, đồng thời mở mang thêm nhiều ngành nghề lĩnh vực đem lại giá trị thặng dư khổng lồ.
Vậy AI thì sao? Nền tảng công nghệ này được phôi thai từ hàng chục năm trước; khởi nguồn từ “hệ nhị phân”, sự phát triển không ngừng của “máy học”, chất bán dẫn, phần mềm và dữ liệu. Đây là kết quả hiển nhiên của quá trình tiến lên không ngừng nghỉ của bàn tay và khối óc con người.
Dĩ nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp nào cũng để lại mặt trái về tính nhân văn, đạo đức. AI cũng không ngoại lệ. Vấn đề then chốt ở đây là sự thích nghi trong trạng thái lao động mới; chọn lựa lợi ích và đẩy lùi rủi ro tiềm ẩn.

Đào tạo là chưa đủ
AI phổ biến trên thị trường việc làm đã dẫn đến nhu cầu về các bộ kỹ năng mới, dẫn đến phân cực công việc. Trong khi các công việc đòi hỏi kỹ năng công nghệ và phân tích tiên tiến đang gia tăng, các vị trí kỹ năng thấp phải đối mặt với nguy cơ lỗi thời.
Điều này không khác gì hiện tượng những ông thợ sửa xe đạp dần biến mất hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp - khi phương tiện có động cơ phổ biến. Sự phân cực công việc này làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập và đặt ra những thách thức cho những cá nhân không được tiếp cận với cơ hội giáo dục và đào tạo.
Do vậy, đào tạo, nâng cao trình độ lao động chỉ là điều kiện đủ, AI sẽ tạo ra thêm những ngành kinh tế nào, chuỗi cung ứng và giá trị được tái phân phối ra sao để kéo lùi khoảng cách bất bình đẳng - mới là điều đáng suy nghĩ.
Nghiên cứu của Viện Brookings cho rằng, những người lao động có trình độ, được trả lương cao có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Phát hiện này thách thức quan niệm truyền thống rằng AI chủ yếu ảnh hưởng đến các công việc lao động chân tay.
Trong khi phân tích của McKinsey cho thấy người lao động da đen chiếm số lượng quá lớn trong các vị trí có nguy cơ tự động hóa cao, với 24% so với 20% người lao động da trắng. Sự chênh lệch này nhấn mạnh khả năng AI có tác động nghiêm trọng hơn đến các cộng đồng thiểu số, có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng về chủng tộc trên thị trường việc làm.
Giống như các cuộc cách mạng công nghệ trong quá khứ, sự trỗi dậy của AI đặt ra cả thách thức và cơ hội cho thị trường lao động. Lịch sử đã chỉ ra rằng mặc dù những thay đổi này thường dẫn đến sự gián đoạn ban đầu, nhưng cuối cùng chúng lại tạo ra các ngành công nghiệp mới, xác định lại vai trò công việc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tương tự như vậy, AI có tiềm năng thúc đẩy sự đổi mới và năng suất chưa từng có.