Tín dụng - Ngân hàng

Vốn Nhật trong dòng chảy tài chính - ngân hàng Việt

Lê Mỹ 29/04/2025 13:11

Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 trong số 55 quốc gia đang đầu tư ở ta. Mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện cũng thể hiện sâu sắc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Hop tac Viet Nhat
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru gặp gỡ báo chí chung và thông báo những kết quả chính trong hội đàm sáng ngày 28/4/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, dòng vốn Nhật hiện đang chảy trong nhiều tổ chức tín dụng thuộc hệ thống tài chính ngân hàng và đóng góp cho sự phát triển của thị trường, của nền kinh tế.

Vietcombank - Mizuho

Mizuho Bank – một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản, vào năm 2011, đã rót 567 triệu USD (tương đương 11.800 tỷ đồng) để sở hữu 15% cổ phần tại Vietcombank (VCB). Đây là một trong những thương vụ đầu tư nước ngoài lớn nhất vào hệ thống ngân hàng Việt Nam thời điểm đó, đánh dấu bước đi chiến lược của Mizuho nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á.

Cụ thể, ngày 30/9/2011, hai bên chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, theo đó, Mizuho mua 347,6 triệu cổ phiếu Vietcombank với mức giá 34.000 đồng/cổ phiếu.

vcb.jpg
Vietcombank - Mizuho kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược chiến lược năm 2011. (Ảnh: T.L)

Đến năm 2019, Mizuho tiếp tục đầu tư vào Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu 15%, mua thêm 16,7 triệu cổ phiếu với mức giá 55.000-56.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn khoảng 55% so với thị giá tại thời điểm hoàn tất phát hành, cho thấy niềm tin của Mizuho vào tiềm năng tăng trưởng của Vietcombank.

Hơn một thập kỷ đồng hành, Mizuho không chỉ nhận cổ tức đều đặn mà còn chứng kiến giá trị khoản đầu tư gia tăng vượt bậc. Các khoản đầu tư đã giúp Mizuho thu về hàng nghìn tỷ đồng, khi VCB luôn là một trong những cổ phiếu vua top đầu ngành ngân hàng và liên tục dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh xét trên toàn hệ thống những năm gần đây. Sau nhiều đợt phát hành, Mizuhu vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu và gia tăng lượng cổ phiếu nhờ chia thưởng.

Năm 2025, theo kế hoạch, Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:495, tiếp tục củng cố lợi ích cho cổ đông dài hạn như Mizuho. Nhờ những đợt chia tách, số lượng cổ phiếu Mizuho sở hữu đã tăng từ 347,6 triệu cổ phiếu năm 2011 lên 1,253 tỷ cổ phiếu.

Mizuho mặt khác, ngoài góp vốn, cũng thể hiện vai trò đối tác chiến lược, đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của Vietcombank khi cử nhân sự tham gia vào hoạt động của Vietcombank tại Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành, Mizuho đã cử các chuyên gia vào vị trí quản lý của các khối nghiệp vụ trọng yếu của ngân hàng bao gồm: Ngân hàng bán lẻ, Khách hàng FDI, Quản trị rủi ro, Kế toán… và hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của ngân hàng quốc tế hiện đại trong nhiều khía cạnh. Đến nay Vietcombank là một trong những ngân hàng áp dụng Basel II sớm nhất và được đánh giá cao về năng lực quản trị rủi ro, uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

VietinBank - MUFG Bank

Năm 2013, The Bank of Tokyo Mitsubishi-UFJ (BTMU) - là thành viên của Tập đoàn Tài chính Toàn cầu Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), đã mua 19,73% cổ phần, trở thành đối tác chiến lược nước ngoài của VietinBank. Thương vụ đã giúp VietinBank trở thành NHTMCP Nhà nước có cơ cấu cổ đông mạnh nhất Việt Nam tại thời điểm đó.

Sau hơn 14 năm quan hệ hợp tác chiến lược, VietinBank - MUFG đã góp phần vào sự phát triển của Ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng, mối quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản nói chung. Bên cạnh việc hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh, hai Ngân hàng đã song hành trong nhiều hoạt động an sinh xã hội, đóng góp cho cộng đồng cũng như hoạt động phát triển bền vững.

Gần nhất tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, VietinBank đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với MUFG để hợp tác thúc đẩy ESG và phát triển bền vững tại Việt Nam. Trị giá thỏa thuận này hướng tới việc thu xếp nguồn vốn lên tới 1 tỷ USD nhằm phục vụ các dự án phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường, xã hội và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo đánh giá của VietinBank, MUFG - ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản, với mạng lưới toàn cầu trải rộng trên hơn 40 thị trường, cùng hệ thống sản phẩm đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng và tiên phong trong lĩnh vực tài chính bền vững – góp phần giúp VietinBank hoàn thiện chiến lược, xây dựng sản phẩm tài chính bền vững phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị bền vững trong rộng rãi cộng đồng khách hàng doanh nghiệp.

Hợp tác của 2 bên được thúc đẩy sâu sắc gắn bó hơn khi VietinBank chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của Công ty Cho thuê Tài chính Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Leasing). Theo đó, VietinBank chuyển nhượng 49% vốn VietinBank Leasing cho Mitsubishi UFJ Lease & Finance. Đây cũng là công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính thuộc sở hữu của Mitsubishi UFJ.

Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) ngoài ra cũng được ghi nhận đang gia tăng đầu tư vào những doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam, gần nhất và điển hình là VinFast của Vingroup.

VPBank - SMBC

Ngày 27/3/2023, VPBank công bố kí kết bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại - Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Đây được đánh giá là một trong những thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại lớn nhất trong giới tài chính ngân hàng. Giá trị thương vụ được định giá lên tới 1,5 tỷ USD.

vpb.jpg
Thương vụ đình đám 1,5 tỷ USD đưa VPBank - SMBC về chung một nhà. (Ảnh: T.L)

Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết với nhau Thỏa thuận Hợp tác Kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG – cũng đã mua lại 49% cổ phần tại FE Credit, công ty con của VPBank.

SMBC – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản. Thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ này, SMBC chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank và tiếp tục gắn bó với VPBank trong hành trình tăng vốn dài hạn 5 năm. Chủ tịch Ngô Trí Dũng của VPBank khẳng định hợp tác giúp VPBank có bước nhảy vọt về quy mô vốn trên thị trường Việt Nam. Sự thấu hiểu thị trường trên 30 năm của ngân hàng địa phương với kinh nghiệm quản trị kinh doanh theo tiêu chuẩn cao nhất của ngân hàng Nhật Bản tích luỹ trên 40 thị trường trên khắp thế giới, sự hợp tác đưa VPBank hiện thực hoá mục tiêu trở thành top 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam và top 100 ngân hàng hàng đầu châu Á.

VPBank cũng cho biết thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới của SMBC Group và ngân hàng SMBC, tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Những tập đoàn này, khi đầu tư vào Việt Nam, có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.

Trước đó, SMBC thực tế cũng đã có sự gắn bó với thị trường tài chính Việt Nam, thông qua khoản đầu tư chiến lược tại Eximbank và chính thức thoái vốn vào năm 2023.

Còn nhiều thương vụ khác

Ngoài các thương vụ rót vốn đình đám kể trên, nhiều thương vụ đầu tư, đồng hành cùng các định chế, tổ chức tín dụng phi ngân hàng với vốn của Nhật Bản cũng tham gia sâu rộng trên thị trường.

Điển hình sau khi mua lại công ty tài chính từ tay Tập đoàn Pháp Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF), năm 2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) cùng Tập đoàn Credit Saison đã giới thiệu thương hiệu Công ty Tài chính HD SAISON Finance. Đây là công ty tài chính được chuyển đổi từ HDFinance, sau khi HDBank chuyển nhượng 49% cho đối tác Credit Saison và 1% cho Công ty Chứng khoán Tp.HCM.

Từ lợi thế sẵn có về kinh nghiệm kinh doanh của Credit Saison và sự am hiểu thị trường, mạng lưới rộng khắp Việt Nam của HDBank, HD SAISON Finance hiện là một trong những công ty tài chính top đầu thị trường về hiệu quả kinh doanh và quản trị rủi ro với các sản phẩm tài chính thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng nội địa.

Tại SHB Finance, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) sau khi mua 50% cổ phần SHB Finnance từ tay Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cũng đề nghị SHB về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance.

Theo đó, thương vụ chuyển nhượng 100% vốn điều lệ SHBFinance ghi nhận mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng. Đồng thời qua đó đánh dấu một bước đi sâu của ngân hàng Krungsri của Nhật vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Tại Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (MS Finance) do Ngân hàng TMCP Quân đội, Shinsei Bank Limited (Nhật Bản) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành góp vốn thành lập, Tập đoàn Shinsei Bank nắm giữ tỷ lệ sở hữu 49%. Kết quả liên doanh cũng cho thấy kỳ vọng của đối tác Nhật với thị trường 100 triệu dân.

Theo danh sách các tổ chức tín dụng được công bố tại Ngân hàng Nhà nước, ghi nhận còn có các ngân hàng Nhật Bản mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại đây.

Cùng với đó, nhiều thương vụ đầu tư, góp vốn, đã và đang tiếp tục khơi dòng chảy của nguồn vốn từ các nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam ở trong nhiều lĩnh vực.

Với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản sau gần 2 năm nâng cấp lên khuôn khổ quan hệ mới; trong tương lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Nhiều lĩnh vực hợp tác tiếp tục mở ra kỳ vọng đón nguồn vốn Nhật, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Lê Mỹ