Hành trình đưa sơn mài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Nhiều nghệ sĩ vẫn luôn nỗ lực lưu giữ và truyền bá những giá trị nghệ thuật đặc trưng của dân tộc. Và, do đó, nghệ thuật sơn mài vẫn giữ được vị trí quan trọng trong lòng người yêu nghệ thuật.
Một trong những người góp phần vào việc duy trì và phát triển nghệ thuật sơn mài Việt Nam chính là thầy Trần Anh Tuấn, giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Thầy không chỉ truyền dạy sơn mài trong nước mà còn lan tỏa nghệ thuật này ra thế giới, mang đến cho bạn bè quốc tế cơ hội khám phá một phần di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Sơn mài – nghệ thuật truyền thống và những nguyên liệu đặc biệt
Sơn mài đã có lịch sử lâu dài tại Việt Nam, từ những ngày đầu được sử dụng để trét thuyền, sơn son thếp vàng cho cổ vật, cho đến việc phát triển thành một loại hình nghệ thuật đậm chất dân tộc. Loại hình nghệ thuật này không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong kỹ thuật mà còn là sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu tự nhiên, tạo nên những tác phẩm tinh xảo.
Một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nguyên liệu, trong đó mủ nhựa từ cây sơn ta là nguyên liệu chủ yếu. Ngoài ra, các công cụ như bút tỉa, búa, đá mài, giấy ráp nước và khô, và các chất liệu đặc biệt như vỏ trứng, bạc quỳ (lá bạc) cũng được sử dụng để tạo ra những tác phẩm với lớp sơn bóng mịn và lấp lánh, đầy sự sống.
Không chỉ yêu cầu tay nghề khéo léo, tranh sơn mài còn đòi hỏi người họa sĩ sự kiên nhẫn, tinh tế trong từng công đoạn thực hiện. Mỗi bức tranh đều mang đậm dấu ấn cá nhân và cảm xúc của người tạo ra nó.

Điểm đến văn hóa cho du khách quốc tế
Tại địa chỉ số 24, ngách 127/32, ngõ 127, đường Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, lớp học sơn mài của thầy Trần Anh Tuấn đã trở thành nơi đào tạo nghệ thuật và lan tỏa văn hóa sơn mài Việt Nam. Được thành lập từ năm 2012, lớp học này không chỉ dành cho những người đam mê sơn mài trong nước mà còn thu hút rất nhiều học viên quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Không gian lớp học được trang trí bằng những tác phẩm sơn mài tuyệt đẹp của thầy và học trò, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, sống động. Những bức tranh không chỉ thể hiện tài năng của thầy mà còn là minh chứng cho tình yêu và tâm huyết của thầy đối với nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Thầy Trần Anh Tuấn là giảng viên ngành sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và đồng thời là giảng viên của Lacquer School Tây Hồ. Theo thầy chia sẻ, tình yêu nghệ thuật dân gian đã ăn sâu vào trong thầy từ khi còn nhỏ, khi ông ngoại và mẹ của thầy sinh ra và lớn lên ở làng tranh dân gian Đông Hồ, một ngôi làng nổi tiếng về tranh dân gian truyền thống. Chính tình yêu đó đã thôi thúc thầy sáng lập lớp học sơn mài, nhằm giúp bảo tồn và phát triển nghệ thuật này.

Lớp học sơn mài thu hút du khách quốc tế
Lớp học của thầy Trần Anh Tuấn đã thu hút rất nhiều học viên quốc tế, đến từ các quốc gia và khu vực khác nhau, đặc biệt là các du khách đến tham quan Việt Nam. Trong suốt khóa học, thầy sẽ chia sẻ về lịch sử sơn mài Việt Nam, các kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống và quá trình sáng tạo một tác phẩm sơn mài. Những học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ có thể tự tay tạo ra tác phẩm sơn mài của riêng mình, và nhiều người thậm chí đã trở thành những nghệ sĩ sơn mài.
Anh Richard, một du khách người Anh và Bỉ, chia sẻ: “Trong một lần tham quan các làng nghề thủ công, tôi đã thấy những bức tranh sơn mài và bị cuốn hút ngay lập tức. Quyết định đăng ký lớp học sơn mài là một sự lựa chọn đúng đắn. Dù không quá khó khăn, nhưng những công đoạn như sử dụng lá bạc (bạc quỳ) đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Tôi đặc biệt hứng thú khi được làm việc với các vật liệu tự nhiên như vỏ trứng để tạo ra chuyển động sống động cho tác phẩm của mình.”
Chị Sarah - cô gái người Anh sống tại Hà Nội chia sẻ: “Với tôi, tranh sơn mài rất thú vị và việc sắp xếp các lớp cùng việc sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo nên một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh thật sự khá độc đáo và tốn nhiều thời gian hơn tôi nghĩ nhưng tôi đặc biệt thích công đoạn sử dụng bạc quỳ. Tôi chắc chắn sẽ giới thiệu loại hình nghệ thuật này đến với bạn bè và người thân của mình”.
Hành trình đưa sơn mài Việt Nam ra thế giới
Không chỉ dừng lại ở lớp học của mình, thầy Trần Anh Tuấn còn vinh dự được Bộ Ngoại giao mời tham gia các ngày văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia, nơi thầy đã mang tranh sơn mài Việt Nam đến trưng bày, giảng dạy và giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Thầy chia sẻ: “Mỗi lần mang nghệ thuật sơn mài đến với bạn bè quốc tế, tôi đều cảm thấy tự hào khi nhận được những phản hồi rất tích cực. Điều này khiến tôi càng thêm quyết tâm quảng bá sơn mài Việt Nam ra thế giới.”
Tuy nhiên, việc truyền đạt nghệ thuật sơn mài cho những học viên không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với du khách quốc tế, lại là một thử thách không nhỏ đối với thầy Tuấn. Dù vậy, thầy luôn nỗ lực nghiên cứu và tìm cách đơn giản hóa quá trình học để bất kỳ ai cũng có thể tham gia và tạo ra tác phẩm sơn mài của riêng mình.
Sự cống hiến cho nghệ thuật và văn hóa Việt Nam
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, họa sĩ Trần Anh Tuấn hiện là Trưởng bộ môn Sơn mài – Khoa Mỹ thuật truyền thống, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Với hơn 30 năm gắn bó cùng nghệ thuật sơn mài, thầy không chỉ là một nghệ sĩ say mê sáng tạo, mà còn là người thầy tận tâm trong sự nghiệp giảng dạy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Sơn mài năm 1998 và Thạc sĩ Mỹ thuật công nghiệp năm 2005, hành trình học thuật và nghệ thuật của thầy luôn gắn liền với khát vọng nâng tầm sơn mài Việt. Từ những triển lãm đặc biệt như “Tình hữu nghị Peru – Việt Nam qua nghệ thuật sơn mài” hay “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023” do Bộ Ngoại giao tổ chức, họa sĩ Trần Anh Tuấn đã góp phần đưa nghệ thuật sơn mài vươn ra thế giới như một đại diện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Với quan điểm “phải học cái mà người nước ngoài cần đến học mình”, thầy chọn gắn bó với sơn mài không chỉ như một lựa chọn nghề nghiệp, mà là sứ mệnh văn hóa. Trong từng tác phẩm, từng lần đứng lớp, đến từng chuyến đi mang sơn mài Việt ra thế giới, tất cả đều toát lên tinh thần tận tụy, bền bỉ và tình yêu tha thiết dành cho nghệ thuật cũng như quê hương của thầy Trần Anh Tuấn.