Chính trị

Kể chuyện tháng Tư

Phạm Tuấn 30/04/2025 02:20

Tháng Tư không chỉ đẹp bởi đất trời mà còn thiêng liêng bởi tình yêu nước vẫn âm thầm chảy mãi trong tim mỗi người con đất Việt.

Tháng Tư trải mình trong nắng nhẹ và những cơn mưa đầu mùa dịu mát. Trời cao trong xanh, gió thì thầm qua tán lá, mang theo hương đất tinh khôi sau mưa. Không gian như được gột rửa, trong trẻo và thanh bình lạ thường.

Giữa khung cảnh yên ả ấy, lòng người chợt lắng lại, nhớ về ngày 30/4 lịch sử. Mảnh đất hôm nay thanh bình là nhờ bao hy sinh thầm lặng của cha ông. Tháng Tư vì thế không chỉ đẹp bởi đất trời mà còn thiêng liêng bởi tình yêu nước vẫn âm thầm chảy mãi trong tim mỗi người con đất Việt.

Đã bao năm trôi qua, những vết thương của chú tôi vẫn tấy lên, mấy mảnh đạn còn nằm ẩn sâu trong đường gân thớ thịt thỉnh thoảng lại bị ảnh hưởng bởi thời tiết, ngóc lên cắn xé làm gương mặt chú nhăn lại, tạo rãnh hằn sâu chạy ngang trán, lan xuống hai đuôi mắt, kéo đến tận thái dương.

Cứ giao mùa là cơ thể chú tôi lại nổi loạn đau nhức, sưng tấy, không đi làm được. Chú thường ở nhà và kể cho bọn trẻ nghe về đời lính chiến của mình.

thang 4
Ông Phạm Song Toàn (thứ nhất từ trái sang (hàng trước)) - Trung đội phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320, Sư đoàn 8.

Dù ngày đầu chú không muốn kể, vì toàn gian khổ, khói lửa đạn bom, chết chóc, nhưng sau này chú lại kể. Kể cho chính mình nghe về những kỷ niệm của thời thanh xuân kiêu hùng, khi được cùng lớp lớp đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Kể để lớp trẻ hiểu thế hệ ông cha đã hy sinh nhường nào. Kể để thế hệ sau hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh mà nâng niu, trân trọng lấy hòa bình.

Nền hòa bình, độc lập ấy phải đánh đổi bằng tính mạng của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, bằng thịt xương của hàng triệu thương binh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Là cái chết của người phía bên kia, nhưng đều là máu đỏ da vàng con Lạc cháu Hồng.

Dòng máu nóng của hàng triệu người Việt đổ xuống, thấm vào lòng đất mẹ, hòa tan vào đất để ươm lên mầm xanh hòa bình cho cháu con, để Tổ quốc bừng sáng lên mùa xuân. Một mùa xuân của độc lập, tự chủ, hòa bình, mong sao mùa xuân ấy luôn mãi mãi trường tồn.

Cơn mưa đầu mùa tháng Tư như ào ạt kỷ niệm chảy về với chú. Mắt chú long lanh sáng lên, át đi cơn đau trên thân thể, và giọng kể bật lên hào hùng về trận đánh long trời lở đất nơi phòng tuyến Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn.

Giây phút sung sướng nghẹn ngào, chú hướng súng lên trời, xả cả băng đạn khi biết tin giải phóng.

Chú tôi, người con quê lúa, ra đi với sự thảnh thơi, nhẹ nhàng trong suy nghĩ: khi có giặc đến dày xéo đất nước thì cầm súng đánh giặc; giặc tan thì về quê cày cấy trên mảnh ruộng cha ông để lại. Cái chết có đến cũng chẳng nặng nề, vì đã xác định: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”.

Niềm tự hào trào dâng khi đi giữa Sài Gòn rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng, được nghe tiếng người dân Sài Gòn trầm trồ: "Quân giải phóng có tên lửa to lớn như thế kia, khí thế quân đội mạnh mẽ thế này nên ông Thiệu thua là phải".

Câu chuyện kể tháng Tư của chú cũng không thiếu những nốt trầm. Ngày nằm hầm tránh B52 rải thảm, chú nằm trong cùng. Nắm cơm anh nuôi đưa từ cửa hầm vào đến tay chỉ còn một mẩu, vì cứ qua tay chuyền một người là lại bị cắn bớt đi một ít.

Cầm nắm cơm tí hon mà phát khóc vì vừa tủi thân, vừa đói. Nhưng cũng đồng đội ấy, khi chú dính mảnh cối bị thương, đã thay nhau cõng chú vượt qua bãi B52 pháo kích về trạm phẫu thuật tiền phương. Cũng vì thế mà bị thương, nhưng chữa lành rồi chú lại tiếp tục chiến đấu.

Có lúc, trong hầm, chú từng định đứng dậy giơ tay cao mong dính đạn để được phục viên. Cũng là đôi tay chú vuốt mắt cho người bạn đồng hương, trước khi người ấy, trong giây phút cuối đời, còn cố móc gói lương khô đưa cho bạn mình.

Hành quân ròng rã suốt gần sáu tháng trời vượt Trường Sơn, băng rừng lội suối để đến điểm tập kết - quãng đường mà ngày nay chỉ mất chưa đầy hai giờ bay.

Hàng tháng trời thiếu gạo, thiếu thức ăn, chỉ có sắn với khoai, rau môn thục, tàu bay. Sốt rét, da vàng, ruồi vàng, bọ chó... Người chiến sĩ quân giải phóng vẫn đi. Trên trời máy bay chực chờ dội bom, dưới đất thú dữ, côn trùng, biệt kích, cạm bẫy, gai chông, bãi mìn... Người chiến sĩ quân giải phóng vẫn đi.

Cực nhọc, khổ ải chả bút mực nào tả xiết. Cái đói cồn cào gan ruột, súng đạn ba lô nặng trĩu trên vai, nhưng ý chí vẫn ngoan cường, quyết tâm: "Đi không dấu, nấu không khói" để đến được nơi tập kết.

Câu chuyện về cánh rừng nguyên sinh thâm u, nơi dấu chân người còn lạ lẫm, thú rừng ngơ ngác khi thấy bóng dáng con người. Suối trong vắt như tranh, cua cá đầy ắp, nhưng cũng chính nơi ấy, có người đã bị thương, thậm chí hy sinh vì dùng mìn, lựu đạn bắt cá làm thực phẩm.

Có cả câu chuyện người mẹ dắt con lên đòi chế độ. Người bạn chú thật thà khai bị thương lúc đi đánh cá cải thiện cho đơn vị, chứ không phải trong chiến đấu, nên ban chính sách từ chối công nhận thương binh. Bà mẹ kéo con đứng giữa phòng: "Không giải quyết chế độ thì tôi giả lại con tôi cho các vị. Tôi đẻ con tôi ra lành lặn, kiến tha nó vào tận Trường Sơn mà làm cụt tay à? Đi đánh cá để cải thiện cho đơn vị cũng là chiến đấu, “thực túc thì binh cường”, sao lại không coi đó là chiến đấu?"

Ấy thế mà cuối cùng, người bạn chú cũng được công nhận thương binh.

Lịch tháng Tư mỏng dần đi, thì niềm tự hào về ngày chiến thắng, thống nhất đất nước lại dày lên. Thế hệ trẻ chúng tôi, may mắn không phải chịu đựng khói lửa chiến tranh, vẫn luôn tri ân thế hệ đi trước, trân trọng và hết sức giữ gìn nền hòa bình quý giá của dân tộc.

Đơn giản thôi: Hòa bình ấy phải đánh đổi bằng máu xương của bao người, trong đó có cả người thân của chúng tôi.

Phạm Tuấn