Đầu tư tư nhân cho tầm nhìn dài hạn
Việt Nam đang có sự thuận lợi vô cùng xuất phát từ cuộc “cách mạng” thể chế và tầm nhìn xác định vai trò của khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, nền kinh tế với sự đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, đi từ bước đầu của những ngày hòa bình, đổi mới, mở cửa hội nhập, đến vị thế đầy mạnh mẽ tự hào của hôm nay.

Những biến động vừa khởi lên của 2025 và các xu hướng bảo hộ đang phủ rộng trên toàn cầu cho thấy, đã đến lúc Việt Nam cần xốc lại để vươn lên mạnh mẽ hơn nữa từ nội lực, từ thúc đẩy đầu tư tư nhân, hướng vào các lợi thế riêng có.
Ba lợi thế của Việt Nam
Thứ nhất, nhìn vào nội lực, thực lực của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động, chúng ta thấy rằng Việt Nam có lợi thế rất lớn. Chúng ta có một nền nông nghiệp vững vàng hàng trăm năm, với đa dạng các loại hàng hóa mà không nhiều quốc gia có lợi thế có thể cạnh tranh được với chúng ta. Trong kỷ nguyên đầy biến động hiện nay, như thuế quan, xung đột địa chính trị, địa khí hậu… dù tình huống nào thì điều con người cần nhất vẫn là lương thực, hàng hóa thiết yếu.
Hiện tại, Việt Nam đã có và đã cung cấp mạnh mẽ cho thế giới nhiều mặt hàng, từ gạo, cà phê, điều, tiêu, thủy sản, lâm sản… Điều chúng ta cần hơn nữa là làm sao thúc đẩy đầu tư sản xuất, chế biến sâu để các hàng hóa này, không chỉ mở rộng quy mô sản lượng, nâng cao chất lượng, còn tăng giá trị, củng cố vị thế Việt Nam, khiến mọi hàng hóa quốc tế không có tính cạnh tranh hay thay thế được. Chúng ta hoàn toàn có thể định hướng trở thành “bếp ăn thế giới” ở góc độ hàng hóa, như Philip Kotler từng gợi ý.
Thứ hai, Việt Nam có một lợi thế tuyệt vời về vị trí địa lý khi phần lớn diện tích trải dài theo đường bờ biển, với vùng biển rộng trên 1 triệu km2 chạy dài khắp cả nước. Đây là con đường giao thương hàng hóa quốc tế quan trọng và thuận lợi phát triển các ngành vận tải biển, du lịch, hải sản, khoáng sản.
Nhưng hơn thế, chúng ta có thể phát huy lợi thế kết nối từ hệ thống cảng biển – điều mà theo tôi Việt Nam chưa khai phá hết. Khi thúc đẩy được đầu tư sản xuất với các nhà máy chế biến chế tạo hiện hữu và lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Thậm chí, nếu chúng ta mong muốn thực sự trở thành một “công xưởng” mới ở góc độ chế biến, chế tạo hay cung cấp hàng hóa nông nghiệp ở góc độ “bếp ăn”, đều rất cần sự kết nối từ hệ thống cảng biển để đi từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây và ngược lại.
Trong chiến lược phát triển kinh tế hướng biển, chúng ta cần có giải pháp để khai thác thế mạnh về cảng biển. Dù có bất kỳ biến động nào thì điểm kết nối, quyền chủ động sẽ thuộc về chúng ta. Việc chúng ta phát triển và định hướng ra sao, hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của chúng ta về mức độ và năng lực tự cường, làm chủ của Việt Nam từ lợi thế đặc biệt này.
Thứ ba, Việt Nam đang có sự thuận lợi vô cùng xuất phát từ cuộc “cách mạng” thể chế và tầm nhìn xác định vai trò của khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây là điều kiện bổ sung để cùng không gian kinh tế mở rộng, không gian hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng hơn, hướng khai thác cảng biển cùng các trung tâm, vùng, đặc khu kinh tế trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn, năng suất lao động của nền kinh tế cũng sẽ được nâng lên, đột phá.
Sức bật nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Trên hết, để gộp lại, liên kết, phát huy cả 3 yếu tố thành một sức mạnh to lớn, thành nội lực tự cường hùng mạnh của kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp mong mỏi một chiến lược với các giải pháp tổng thể về thúc đẩy đầu tư tư nhân Việt hướng vào các lợi thế. Cái chúng ta còn thiếu chính là một giải pháp tổng thể và một kế hoạch tài chính hỗ trợ kích thích ở phía sau.
Khi Chính phủ có định hướng và giải pháp đồng bộ tổng thể, không chỉ kích hoạt mạnh mẽ vốn đầu tư tư nhân, mà sẽ thúc đẩy các tập đoàn kinh tế dẫn dắt các ngành hàng, các định chế, tổ chức tài chính cũng sẽ vào cuộc. Và chỉ có như vậy thì bài toán về đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp làm ăn lớn, không manh mún, có tầm nhìn để nâng tầm các ngành hàng Việt Nam đang có lợi, với chính sách hỗ trợ đất đai, vùng trồng theo tiêu chuẩn xanh và bền vững đến tài chính để đầu tư xây nhà máy, xưởng chế biến mới, tiếp cận và xây dựng thị trường mới… có lời giải hiệu quả.
Cùng với đó, quá trình đầu tư ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của doanh nghiệp, cũng sẽ được kích hoạt trên diện rộng để có cộng đồng doanh nghiệp số, kinh tế số làm nông nghiệp xanh và số hóa không thua kém bất kỳ quốc gia phát triển nào.
Có một thực tế là, hiện tại, các ngành hàng lợi thế của Việt Nam đã khá phát triển. Chúng ta cũng có nhiều tập đoàn đầu tư đa quốc gia đến đầu tư, nhưng mọi công ty tư nhân trong nước hầu hết vẫn nhỏ lẻ, manh mún, khó cạnh tranh; trong khi các tập đoàn đa quốc gia không gắn mục tiêu kinh doanh với yếu tố thương hiệu quốc gia và họ vẫn tận dụng nhiều mặt hàng lợi thế của ta, chủ yếu xuất khẩu thô để chế biến sâu và làm thương hiệu theo Tập đoàn mẹ.
Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy về khoa học, công nghệ, về ưu tiên tài chính cũng như trọng tâm các ưu tiên, trong chiến lược và hành động tổng thể để 20, 30, thậm chí 50 năm tới, ở tầm nhìn 100 năm, nhằm kích phát sức mạnh tư nhân để có những Tập đoàn tư nhân dẫn dắt mọi lĩnh vực và đặc biệt ở các ngành hàng nông nghiệp.
Đích đến không chỉ dẫn dắt ở thị trường mà còn ở quy mô toàn cầu. Việc đi chậm hay đi nhanh của các doanh nghiệp tư nhân trong biến động hôm nay, tôi cho rằng sẽ không quan trọng bằng việc thay đổi nhận thức, tư duy về các lợi thế để khi đủ điều kiện, sẽ sẵn sàng vươn mình đi trước, dẫn dắt trong thế giới cạnh tranh là liên tục, không ngừng nghỉ ở hôm nay lẫn tương lai.