Tài chính số

Giá trị bất động sản mã hoá có thể đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2035

Diễm Ngọc 30/04/2025 04:00

Bất động sản mã hóa nhờ vào công nghệ blockchain dự báo sẽ đạt giá trị lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2035, mở ra cơ hội đầu tư mới và làm thay đổi cấu trúc quyền sở hữu tài sản.

Sự chuyển mình với mã hoá bất động sản

Bất động sản, một trong những lĩnh vực tài sản quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, hiện đang trải qua sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào công nghệ blockchain.

Token Bất động sản Savills
Bất động sản mã hóa là lĩnh vực đầu tư tiềm năng trong tương lại, nhưng cũng không thiếu thách thức

Theo báo cáo của công ty Dịch vụ Tài chính Deloitte, giá trị bất động sản được mã hóa có thể đạt tới con số 4.000 tỷ USD vào năm 2035, sẽ định hình lại cách thức đầu tư trong ngành này. Đây được đánh giá là một con số ấn tượng so với mức dưới 300 tỷ USD vào năm 2024. Sự thay đổi cũng kỳ vọng tạo ra những cơ hội sở hữu bất động sản mà trước đây chỉ có các nhà đầu tư lớn mới có thể tiếp cận.

Báo cáo ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của bất động sản mã hóa là trên 27%, một chỉ số phản ánh khả năng phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain trong ngành này. Với tốc độ gia tăng nhanh chóng của blockchain, tài sản bất động sản không chỉ trở nên minh bạch hơn mà còn có thể giao dịch dễ dàng hơn, cho phép các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mà không cần đến trung gian truyền thống.

Ngoài ra, mã hóa bất động sản còn mang đến những thay đổi lớn trong cấu trúc quyền sở hữu tài sản. Chris Yin, đồng sáng lập của Plume Network - một blockchain được xây dựng cho các tài sản trong thế giới thực (RWA) cho rằng bản thân bất động sản đang trải qua quá trình chuyển đổi. Xu hướng làm việc tại nhà sau đại dịch, rủi ro biến đổi khí hậu và số hóa đã định hình lại các nguyên tắc cơ bản của bất động sản. Những yếu tố này không chỉ thay đổi nhu cầu về không gian văn phòng mà còn thúc đẩy việc chuyển đổi các tòa nhà văn phòng thành những trung tâm dữ liệu AI, trung tâm hậu cần hoặc các cộng đồng dân cư tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, việc mã hóa bất động sản cho phép các nhà đầu tư tiếp cận những cơ hội đầu tư hiện đại, phù hợp với xu hướng thị trường mới. Điều này không chỉ mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư lớn mà còn giúp những nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ dàng tham gia vào thị trường - vốn từ trước đến nay được xem là một ngành khó tiếp cận.

Đáng chú ý, mối lo ngại về thuế quan, nhất là trong thời kỳ căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, đã thúc đẩy sự quan tâm đến việc mã hóa các tài sản hữu hình như bất động sản. Nhà phân tích cấp cao tại IntoTheBlock - Juan Pellicer nhìn nhận: “Cả stablecoin và RWA đều thu hút được nguồn vốn đáng kể như tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về thương mại toàn cầu.

Sự phát triển này đặc biệt nổi bật trong giai đoạn khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ vào tháng 3/2023, khi Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Silvergate lần lượt sụp đổ, làm gia tăng nhu cầu về các tài sản được mã hóa như một biện pháp phòng ngừa rủi ro”.

Thách thức không nhỏ

Mặc dù sự đổi mới công nghệ blockchain mang lại nhiều cơ hội, nhưng một số chuyên gia vẫn còn hoài nghi về việc mã hóa bất động sản có thể mang lại lợi ích lâu dài hay không?

Ảnh màn hình 2025-04-29 lúc 16.17.48
Với tốc độ gia tăng nhanh chóng của blockchain, tài sản bất động sản không chỉ trở nên minh bạch hơn mà còn có thể giao dịch dễ dàng hơn

Ông Michael Sonnenshein, Giám đốc điều hành của Securitize gần đây đã chia sẻ tại Tuần lễ Blockchain Paris 2025 rằng: “Tôi không nghĩ mã hóa nên tập trung trực tiếp vào bất động sản. Mặc dù blockchain có thể mang lại những hiệu quả nhất định trong việc loại bỏ trung gian và ký quỹ, nhưng nền kinh tế on-chain (trên chuỗi – những giao dịch thực hiện trên blockchain) hiện nay đang đòi hỏi những tài sản thanh khoản hơn là tài sản cố định như bất động sản”.

Có thể thấy rõ bất động sản mã hóa là lĩnh vực đầu tư tiềm năng trong tương lại, nhưng cũng không thiếu thách thức. Các chuyên gia đều đồng tình rằng một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là tính minh bạch và khả năng xác thực thông tin liên quan đến các tài sản bất động sản. Việc áp dụng blockchain trong bất động sản yêu cầu có một hệ thống thông tin rõ ràng và có thể kiểm chứng, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là đối với các tài sản ở các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và các sáng kiến về quy định, bất động sản mã hóa có thể trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh đầu tư toàn cầu. Những cơ hội từ việc mã hóa đó sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và mang lại lợi ích cho nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau.

Nhà đồng sáng lập của Plume Network - Chris Yin nhấn mạnh: “Khi nhu cầu tăng lên, tính rõ ràng về mặt quy định sẽ theo sau, khi đó, thị trường bất động sản mã hóa sẽ phát triển mạnh mẽ và ổn định hơn bao giờ hết”.

Hiện nay tại Việt Nam, các Bộ, ngành cũng đang gấp rút xây dựng hành lang pháp lý và có cơ chế sandbox cho tài sản số. Việc phát hành tài sản số hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống. Đặc biệt, trong một hệ thống vận hành minh bạch và được đảm bảo về mặt pháp lý, việc mã hóa bất động sản có thể trở thành giải pháp hiệu quả đối với huy động vốn và mở rộng cơ hội tiếp cận tài sản cho nhiều nhà đầu tư.

Ông Mai Huy Tuần, Tổng Giám đốc SSI Digital chia sẻ: “Nếu đảm bảo được một cơ chế minh bạch, có chủ đầu tư uy tín và dòng tiền vận hành rõ ràng, thì khả năng thu hút dòng vốn sẽ rất lớn. Yếu tố then chốt vẫn là xây dựng được một hệ sinh thái pháp lý đủ mạnh để nhà đầu tư có thể yên tâm tham gia”.

Theo ông Tuần, việc triển khai cơ chế sandbox là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa các mô hình token hóa bất động sản. Khi có khung pháp lý, tất cả các giao dịch sẽ phải tuân thủ quy trình định danh (KYC), giúp nhà nước không chỉ dễ dàng quản lý mà còn đảm bảo thu thuế. Quy định về định danh là nền tảng để thị trường vận hành một cách minh bạch và hiệu quả.

Diễm Ngọc