Doanh nghiệp tự tin với kế hoạch phát triển 2025: Dự báo tăng trưởng cao giữa biến động
Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (ĐHĐCĐ) của các doanh nghiệp diễn ra sôi động trong những ngày cuối tháng Tư.
Ghi nhận doanh nghiệp dự kiến các kế hoạch kinh doanh (KHKD) đầy tích cực với tăng trưởng lợi nhuận trên toàn thị trường từ 14% -18%.
LTS: Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực, mùa đại hội đồng cổ đông năm nay hứa hẹn sẽ sôi động hơn với sự xuất hiện của nhiều kế hoạch kinh doanh tham vọng.

Các doanh nghiệp dù chỉ mới vào mùa cao điểm của ĐHĐCĐ và vẫn còn nhiều đơn vị sẽ “rải lịch” sang tháng 5, 6 tới, song hầu hết các doanh nghiệp đầu các ngành Tài chính và phi Tài chính đều đã rốt ráo dự chốt “số” kinh doanh.
Thách thức đan xen kỳ vọng
Ở kỳ ĐHĐCĐ năm nay, phần lớn các doanh nghiệp đều nêu yếu tố về bối cảnh kinh doanh: Thứ nhất, bước qua năm 2024 đầy thách thức, cơ hội có nhưng đòi hỏi doanh nghiệp với nhiều nỗ lực.
Thứ hai, năm 2025, các doanh nghiệp báo cáo: Bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu có nhiều biến động như rủi ro thuế quan, khả năng tăng giá hàng hóa, lo ngại co hẹp thị trường… Trong nước, là rủi ro từ cải thiện thu nhập khả dụng của người dân còn thấp, thị trường bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng… chưa phục hồi mạnh mẽ…
Thứ ba, nhận diện 2025 với bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp tuy nhiên vẫn đặt kỳ vọng về khả năng “hạ nhiệt” biến động thuế quan, theo sau là các cơ hội cho kinh tế, kinh doanh, với nỗ lực cải cách thể chế, tinh gọn hệ thống, tăng tốc đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự lực, tự cường, hậu thuẫn cho tầm nhìn dài hạn, phối hợp tài khóa, tiền tệ mở rộng… của Chính phủ .
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB, 2021-2024 có thời điểm là đáy của kinh doanh, thì về mặt nguyên lý chung, khi đã sụt giảm quá thấp về đáy, doanh nghiệp sẽ đến lúc phục hồi, đi lên. 2025 là năm rất nhiều kỳ vọng với tinh thần và quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Chính phủ và toàn bộ nền kinh tế đang quyết tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Doanh nghiệp hưởng lợi nhưng chúng ta không ngồi yên chờ chuyển mình, mà phải tận dụng cơ hội đó để phát triển.
Những “kịch bản” kỳ vọng
Về cụ thể, thống kê từ các dữ liệu 3 sàn, ông Huỳnh Hoàng Phương, Chuyên gia Phân tích Tài chính ghi nhận, đến hết 22/04, đã có gần 200 doanh nghiệp - đại diện cho hơn 62% tổng vốn hóa của VN-Index - công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2025 với kế hoạch LNST tăng 15,7% so với số thực hiện 2024.
Số liệu này tương đối phù hợp với các dự phóng của các công ty chứng khoán với kỳ vọng lợi nhuận 2025 sẽ tăng trung bình 14%-18%. Ba ngân hàng TMCP nhà nước VCB, BID, CTG không công bố kế hoạch lợi nhuận cụ thể mà phụ thuộc vào kế hoạch SBV giao – nếu có số liệu này sẽ đại hiện cho hơn 80% vốn hóa thị trường. Tuy vậy, VCB, BID, CTG đều được đánh giá có cơ hội tăng trưởng từ mở rộng đầu tư công, cho vay bán buôn bán lẻ với quy mô thị trường lớn, room tín dụng được tăng tỷ lệ với nguồn vốn được tăng.
Trong khi đó, nhóm NHTM hoạt động mạnh trên thị trường như MBB, HDB, VPB, TCB, MSB, SHB, ACB, VIB, OCB, LPB… cũng đặt kì vọng về mùa lợi nhuận gặt hái bội thu trong năm, trên cơ sở room tín dụng cao (có NH lên tới 30%), đi cùng là sự phục hồi của bán lẻ, tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng địa ốc và SME. Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích MSVN kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận của các NH cho năm tài chính 2025 từ 16-19%.
Đối với ngành Bất động sản (BĐS), VIC, VHM đến hiện tại vẫn đã và đang dẫn đầu thị trường về các kỳ vọng với hàng loạt dự án lớn đã, sẽ khởi công. Tại ĐHĐCĐ 2025 vừa diễn ra, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes (VHM) cho biết, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường BĐS dự báo sẽ ghi nhận nhiều triển vọng sáng, dù vẫn phải đối mặt với những thách thức và biến động nhất định. Ông khẳng định Vinhomes với nền tảng vững chắc sẽ đẩy mạnh hoàn thiện các dự án hiện hữu và mở rộng các dự án chiến lược, hướng tới phát triển các đô thị kiểu mẩu tại các tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Long An… Theo đó, “sếu đầu đàn” ngành BĐS Việt Nam đặt chỉ tiêu chỉ tiêu doanh thu 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng, là một kỷ lục với chính doanh nghiệp.
Ghi nhận với nhóm DPR, NLG, KDH, DXG (thuộc BĐS nhà ở) hay SZC, SZL, IDC, KBC, BCM… (BĐS KCN) cũng đều đặt kỳ vọng cao với cơ sở: Chính phủ tiếp tục giải quyết các vướng mắc pháp lý dự án, thị trường được tiếp sức tín dụng và cung - cầu phục hồi. Đặc biệt, theo FIDT, nhiều doanh nghiệp trong cả nhóm có quỹ đất ở các khu vực đô thị đang trong kế hoạch sáp nhập tỉnh thành, mở rộng không gian kinh tế, sẽ hưởng lợi lớn khi thuận lợi bao gồm các yếu tố cộng hưởng kết nối, hạ tầng giao thông...
Bán lẻ - Tiêu dùng cũng là nhóm tâm điểm của mùa ĐHĐCĐ năm nay. Tại MSN, nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến thương vụ “bom tấn” chuyển sàn HoSE của MCH, còn đặc biệt “soi” mục tiêu lợi nhuận của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Năm 2025, MSN dự kiến đạt lãi sau thuế 4.875 - 6500 tỷ đồng, tăng trưởng 14 - 52% so với mức 4.272 tỷ đồng trong năm 2024, tiếp tục đưa nhiều thương hiệu, nhãn hàng Việt Nam Go Global ra thế giới. Bán lẻ tiêu dùng có thể +35,1% do cơ sở cao của năm tài chính 2024, nhưng vẫn là ngành tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường, MSVN dự báo.
Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin, với việc FPT đóng góp gần 95% tổng vốn hóa thị trường của ngành, có thể dự phóng lợi nhuận thấp hơn so với năm trước, +25,4%…
Nhìn chung trên toàn thị trường, ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng lợi nhuận dự kiến toàn VN-Index trong 2025, thì khoảng 15-20% lợi nhuận thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi câu chuyện thuế quan (chủ yếu là các ngành xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp, logistics). Ngoài ra, khoảng 65%-75% lợi nhuận thuộc các ngành bị ảnh hưởng gián tiếp từ câu chuyện thuế quan (chủ yếu ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng & bán lẻ không thiết yếu). Trong đó, lợi nhuận của các nhóm ngành bị ảnh hưởng gián tiếp này chịu ảnh hưởng lớn bởi các chính sách hỗ trợ trong nước của Chính phủ trước các tác động bên ngoài.
“Nếu các chính sách hỗ trợ nền kinh tế mạnh có thể khiến 65%-75% lợi nhuận của VN-Index không bị tác động lớn bởi yếu tố thuế quan”, ông Phương nhận định.