50 kinh tế Việt Nam: Tự hào và trọng trách trước mệnh lệnh của thời đại
50 năm trôi qua kể từ ngày Thống nhất đất nước, non sông liền một dải, kinh tế Việt Nam sau khôi phục hậu quả chiến tranh, đã viết nên những trang sử mới, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Nhìn lại từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn kinh tế để xây dựng một nền kinh tế tự cường, hướng về hòa bình, phát triển bền vững với tất cả lòng tự hào và tinh thần bền bỉ, sáng tạo của người Việt Nam.

Nhắc lại giai đoạn sau ngày 30/4/1975 - thời kỳ sau hàng chục năm trường kỳ kháng chiến, đất nước thực sự im tiếng súng, hưởng hòa bình, Tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế cho rằng chúng ta chưa quên một chặng đường Việt Nam phải đối mặt với một thực tế khốc liệt: hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế kiệt quệ, người thất nghiệp, nghèo đói lan rộng, vật tư thiếu thốn, giá cả leo thang… Một thế hệ hậu chiến tranh lớn lên từ những bữa bo bo, cơm độn sẵn khoai... nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã dốc sức dốc lòng chung tay tái thiết đất nước, đảm bảo an sinh cơ bản, bảo vệ chủ quyền và giữ vững trật tự xã hội.
Trong chặng đường 50 năm sau ngày Giải phóng và đi đến hôm nay từ Tái thiết - Bảo Vệ - Phát triển, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, có các giai đoạn quan trọng, là những cột mốc đổi mới, thay đổi, lột xác để Việt Nam, mà biểu tượng sống động là Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi bước mỗi đột phá.
Thứ nhất, đó là giai đoạn được đặt cột mốc từ 1986, khi chính sách Đổi mới được khởi xướng đã đặt nền móng cho một giai đoạn tăng trưởng mới. Việt Nam theo đó dần dần chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Những thay đổi trong tư duy và thể chế kinh tế từ bao cấp chuyển sang thị trường ấy, đã mở đường cho khu vực tư nhân phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất khẩu và từng bước đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, mở ra một thập niên 90, với năm tăng trưởng cao nhất 1995, với mức tăng trưởng GRDP của TP Hồ Chí Minh lên tới 15,3%.
Thứ hai, giai đoạn những năm của thập niên 2000, với tăng trưởng GRDP cao nhất vào năm 2007, với mức 12,6%. Kết quả đã đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thứ ba, từ năm 2012 đến nay, TS Võ Trí Thành cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố có chững lại. Nhưng bước sang năm GRDP của thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, gấp hơn 27.000 lần so với năm 1986, là năm đầu đổi mới để Thành phố và cả nước hướng đến các mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Năm 2024, vượt qua mọi thách thức, Việt Nam đã cán đích thành công với mức tăng trưởng ước đạt 7,09% - trở thành điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới.
“Có thể nói, với nền tảng ngày một vững vàng của nền kinh tế 50 năm qua, động lực tăng trưởng mới thúc đẩy Việt Nam phát triển, và cũng là sẽ là động lực để Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng, giữ vị thế cao, không bị lỡ nhịp trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, chính là: Cải cách, cải cách, cải cách hơn nữa. Đổi mới, đổi mới, đổi mới hơn nữa. Quyết liệt, nhưng bài bản, khoa học và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam tiếp tục tiến về phía trước”, Tiến sỹ Võ Trí Thành khẳng định.

Năm 2025, Quốc hội đã thông qua quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%. Ngày 22/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 47/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ: Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, theo đề xuất của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, nhìn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang và đầy tự hào của Đảng trong 95 năm qua, chúng ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo và đảng viên hôm nay trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; bảo đảm mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đặc biệt, Tổng Bí thư khẳng định, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân. Đó là mệnh lệnh của thời đại, với mục tiêu xa hơn, trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
“Mệnh lệnh của thời đại đã được phát đi. Tự hào với những thành tựu của một nền kinh tế độc lập, tự cường, đang không ngừng nỗ lực vươn tới thịnh vượng, hùng cường hơn nữa trên trường quốc tế và trong mắt bạn bè, đối tác khắp năm châu, trọng trách của chúng ta hôm nay là tiếp tục kế thừa những nền tảng, thành tựu vinh quang, di sản của ông cha ta để lại, xiển dương, phát huy không ngừng các thành tựu ấy trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực”, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Theo chuyên gia, ở góc độ kinh tế, thế hệ của ông, những người đã bước qua chiến tranh và vẫn đang nỗ lực vì một nền kinh tế tự cường, phát triển thời hội nhập, cùng các thế hệ trẻ, các thế hệ nối tiếp với niềm tự hào mang tên Việt Nam, sẽ tiếp tục phấn đấu, quyết tâm, kỳ vọng đóng góp cùng để đất nước “thần tốc, táo bạo” trên hành trình tăng trưởng hôm nay và tương lai.