Hồi ức tháng Tư và những "trận đánh" thời bình
Sau ngày giải phóng Sài Gòn, nhiều người lính rời chiến trường nhưng không dừng lại. Họ tiếp tục “ra trận” trên mặt trận mới – công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước.
Cựu binh Đặng Thế Lưỡng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng) – được ví như “bà đỡ” của cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Từ người lính từng rà phá bom mìn trong chiến tranh, ông nay trở thành “chiến sĩ” thời bình trên mặt trận kinh tế. Không còn tiếng súng, nhưng những vướng mắc về thủ tục hành chính, khó khăn trong tiếp cận vốn, rào cản mặt bằng sản xuất hay biến động chính sách… đều được ông cùng Hiệp hội lắng nghe, tổng hợp và kiến nghị kịp thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đấu tranh anh dũng
Trong sự rưng rưng với nhiều lần trực trào nước mắt, ông Đặng Thế Lưỡng nhớ lại: “Tôi nhập ngũ đúng vào những ngày khói lửa dữ dội nhất của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không (tháng 12/1972)” - khi ấy người chiến sĩ mới tròn 17 tuổi.
Tôi nhớ như in cái ngày mình khoác ba lô lên đường xa nhà đi chiến đấu. Trong khí thế sục sôi của cả dân tộc, tiếng bom rít, tiếng pháo nổ liên tục ngày đêm, vậy mà tuổi trẻ chúng tôi lúc ấy vẫn hừng hực khí thế, chỉ một lòng muốn ra tiền tuyến, vượt Trường Sơn đi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Ánh mắt ông Lưỡng, người cựu chiến binh Sư đoàn 3, Đoàn Sao vàng Anh Hùng ngấn lệ khi nhắc lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những ký ức về một thời khói lửa, ký ức về ngày giải phóng Sài Gòn vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính năm xưa.
Ông kể: “Tháng 3, khi đơn vị tôi vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi, hành quân vào Quy Nhơn, Bình Định thì được lệnh tiến thẳng vào phía Nam. Lữ đoàn 52, cùng các đơn vị bạn đã chiến đấu đập tan phòng tuyến Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Trảng Bom.
Khoảng hơn 18h ngày 29/4/1975, tôi cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn 13 pháo cao xạ, Lữ đoàn 52, Quân khu 5 đang ở Trảng Bom, cảnh tượng quân ta bắn cháy 3 chiếc xe tăng của địch, khói đen bốc lên ngùn ngụt, đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một. Chúng tôi đã khóc nấc lên khi nhìn thấy hai chiếc xe tăng của ta bốc cháy, chỉ còn vài giờ nữa là giải phóng miền Nam nhưng vẫn còn người phải hi sinh. Rồi anh em không ai nói với ai câu nào, lặng lẽ đưa thi thể đồng đội đi mai táng”. - Giọng ông trầm xuống, sự xúc động vẫn còn đọng lại trong từng lời nói. Cái khắc nghiệt của chiến tranh, sự hy sinh cao cả của đồng đội đã khắc sâu vào tâm khảm người lính trẻ năm ấy.
Ông Lưỡng giọng hào hùng: "Sáng ngày 30/4/1975, cả Lữ đoàn cùng các đơn vị bạn đồng loạt tiến công như vũ bão vào xa lộ Biên Hòa. Quân ta đông lắm, khí thế hừng hực. Địch thì cố thủ, chúng dùng đủ mọi cách để cản bước tiến của ta, từ những thùng phuy đổ đầy cát xếp thành đường chữ chi ngoằn nghèo. Đến gần 3 giờ chiều, Tiểu đoàn 13 cao xạ chúng tôi mới có mặt tại sân vận động Hoa Lư, cạnh cầu Thị Nghè. Anh em khẩn trương triển khai pháo, sẵn sàng chiến đấu, đề phòng trường hợp địch quay trở lại tấn công”.
“Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 1/5/1975, mấy anh em chúng tôi ngồi trên chiếc xe Jeep đi đến Dinh Độc Lập. Lúc đó, thành phố giới nghiêm, không có người dân nào để hỏi đường. Vậy mà lạ, sân vận động Hoa Lư thì gần sở thú, mà sở thú lại đối diện với dinh Độc Lập, thế mà chúng tôi vẫn không tìm ra, để rồi, khi tìm được Dinh Độc Lập trời đã sáng. Cảm xúc lúc đó thật khó tả, vừa vui mừng, vừa tự hào." – ông cười hiền hậu khi nhớ lại kỷ niệm "lạc đường" đáng nhớ ấy.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, mới đó mà đã nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Gợi lại ký ức một thời trai trẻ, cựu binh Đặng Thế Lưỡng xúc động chia sẻ: “Mới ngày nào còn là chàng trai trẻ hăng hái lên đường giải phóng miền Nam, nay đã 50 năm. Tôi thấy mình thật may mắn khi được sống và chiến đấu trong những năm tháng hào hùng của dân tộc – và may mắn hơn cả là còn sống trở về. Hòa bình lập lại, cuộc sống đổi thay, nhưng ký ức về một thời gian khổ, oanh liệt ấy vẫn in đậm trong tim những người lính chúng tôi.”
Lao động anh hùng
Sau những năm tháng bom đạn, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển. Người lính giải phóng năm xưa lại tiếp tục cống hiến sức mình trên một mặt trận mới – Đó là mặt trận kinh tế. Với sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, ông đảm nhận vai trò Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An.
"Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần cống hiến thì vẫn vẹn nguyên. Thời bình, chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh," ông chia sẻ với ánh mắt đầy nhiệt huyết.

Trong vai trò Tổng Thư ký, ông Lưỡng trở thành cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp trong quận và chính quyền địa phương. Bằng kinh nghiệm sống phong phú và sự am hiểu sâu sắc về tình hình kinh tế, ông luôn lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó, ông cùng Ban Chấp hành Hiệp hội tích cực đề xuất các giải pháp, kiến nghị lên các cấp lãnh đạo nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các hội viên.
"Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, tận tâm và cả sự nhạy bén với những thay đổi của thị trường. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân," ông Lưỡng tâm sự.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt pháp lý và chính sách, ông Lưỡng còn chú trọng đến việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, vững mạnh. Ông thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên, tạo cơ hội hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Văn An - một doanh nghiệp hội viên, chia sẻ: "Ông Lưỡng là một người lãnh đạo tận tâm và trách nhiệm. Ông luôn lắng nghe ý kiến của chúng tôi, nhiệt tình giúp đỡ các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ của Hiệp hội dưới sự dẫn dắt của ông, doanh nghiệp chúng tôi đã ổn định và phát triển hơn rất nhiều".
Với những đóng góp không ngừng nghỉ, ông Đặng Thế Lưỡng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của quận Hải An nói riêng và TP Hải Phòng nói chung. Từ một người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc, ông đã trở thành một người "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế, tiếp tục mang trong mình tinh thần cống hiến cao đẹp.
"Tôi luôn tâm niệm rằng, dù ở thời chiến hay thời bình, người lính Cụ Hồ vẫn phải giữ vững phẩm chất cao đẹp, luôn đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết. Được góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của quê hương, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào”. - ông Lưỡng chia sẻ.
Trong căn nhà nhỏ ở Hải Phòng, ông Lưỡng vẫn luôn dõi theo sự phát triển của đất nước. Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng năm xưa, với tinh thần thép và lòng yêu nước nồng nàn, giờ đây là một người công dân mẫu mực, luôn sống lạc quan và truyền lửa cho thế hệ trẻ. Ông nói, mấy ngày nay, ngày nào cũng theo dõi thông tin, video về cuộc diễu binh, diễu hành trong Sài Gòn, rồi không lần nào ông không khóc. "Nhìn các cháu, tôi như nhớ lại tuổi trẻ của chính mình, của chính đồng đội mình". - ông Lưỡng xúc động nói.
Hòa bình hôm nay được xây đắp bằng xương máu của biết bao người con ưu tú của dân tộc, trong đó có những người lính như ông Đặng Thế Lưỡng. Câu chuyện về người chiến sĩ giải phóng Đặng Thế Lưỡng là minh chứng cho sự kiên cường, bản lĩnh và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ của những người con đất Việt, dù trong khói lửa chiến tranh hay trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.