TP HCM và khát vọng số hoá, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
TP HCM đang nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, tập trung thu hút nguồn lực xã hội, đầu tư hạ tầng, thúc đẩy công nghệ cao, số hoá để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo TS Nguyễn Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hiện thực hoá Nghị quyết 98 của Quốc hội, để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là cơ hội, là thời cơ của TP HCM thực hiện khát vọng phát triển, số hoá, đổi mới sáng tạo, phát huy đúng tầm vóc sứ mệnh, là đầu tàu của TP HCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Số hoá để phát huy đầu tàu

Cũng theo TS Thuận, chưa bao giờ TP HCM có cơ hội tốt như bây giờ. Đó là cơ hội khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo của TP để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mang một ý nghĩa mà dân tộc Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình nhằm nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, lên nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Song, để đạt được những mục tiêu mà TP HCM đề ra, thì việc đầu tiên cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thẩm quyền và ngân sách cho địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tinh thông, có chuyên môn cao, quản lý giỏi và đạo đức tốt để làm chủ công nghệ số và chắc chắn không thể thiếu công nghệ trí tuệ AI”, TS Thuận nhấn mạnh.
Theo TS Thuận, đối với tinh gọn bộ máy, cần cuộc cách mạng về đơn vị sự nghiệp công lập, trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là thúc đẩy các mô hình chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa các hoạt động dịch vụ công, tương tác với chính quyền lên môi trường số… Bên cạnh đó, phải lượng hóa được và chọn ra các chỉ tiêu quan trọng cho giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo, trong đó bám vào thực trạng TP hiện nay để triển khai thực hiện. Ngoài ra, TP HCM phát huy được lợi thế, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới.
Đồng quan điểm về áp dụng chuyển đổi số, số hoá trong giải quyết các khâu thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục để triển khai các dự án đô thị, hạ tầng giao thông, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho rằng chuyển đổi số, số hoá để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị gắn với phát triển đô thị, nhà ở đô thị là bước đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để hiện thực hoá mục tiêu mà TP HCM đã đề ra. Bởi, khi áp dụng số hoá sẽ mở ra không gian phát triển, chú trọng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, hoàn thiện đường vành đai kết nối TP HCM với các tỉnh và đồng thời phát triển song song đó chỉnh trang đô thị về mỹ quan và môi trường.

Đổi mới sáng tạo, giữ người tài để làm chủ công nghệ số
“Đặc biệt, cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 31, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. TP HCM cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và tiềm lực khoa học công nghệ; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh để chuyển mình, bước qua giai đoạn phát triển mới để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới” ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, song song đó, TP HCM phải sớm xử lý các điểm nghẽn, bởi, một khi còn điểm nghẽn tức là sẽ còn cản trở cho sự phát triển của TP. Trong đó, điểm nghẽn về giao thông đô thị và nhà ở cho người dân là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để sẵn sàng bưqowcs vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhìn nhận và đánh giá về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, ông Tôn Lâm (Việt kiều Mỹ) - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ngôi Sao Vàng, cho rằng nhìn lại 50 năm trước, Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạm phát có thời điểm lên tới 800%, nhưng đến nay chỉ dừng lại ở một con số và đã từng bước vươn lên thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quy mô GDP từ chưa đầy 2 tỷ USD vào giữa thập niên 1980 đã cán mốc gần 500 tỷ USD ngày nay, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Có lẽ, để đạt được những thành quả trên là nhờ vào việc Việt Nam đã lựa chọn giải pháp khép lại quá khứ, hóa giải hận thù, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để cùng hướng tới tương lai tươi sáng. Song song đó, Việt Nam đã tập trung cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đầu tư, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số hoá như hiện nay. Trong đó, hệ thống giáo dục, y tế được mở rộng khắp mọi miền đất nước, hạ tầng giao thông, hạ tầng số không ngừng được hiện đại hóa để kết nối Việt Nam với thế giới.
Cũng theo ông Tôn Lâm, TP HCM được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông, là trung tâm thương mại năng động và lớn nhất của của nước. Do đó, việc chuyển đổi số, số hoá để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới là nhiệm vụ không thể tách rời nhằm tạo đà bứt phá. Song, yếu tố con người, và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh gọn bộ máy, giữ người tài để làm chủ công nghệ số, chính là giải pháp để Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng hiện thực hoá khát vọng số hoá, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.