Sửa Luật Việc làm: Cần tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động
Để Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, không ít ý kiến đề nghị, cần cụ thể hơn một số nội dung chính sách nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.
Theo đó, so với Luật Việc làm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được cho đã có nhiều điểm mới. Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) tập trung vào hiện đại hóa thị trường lao động, mở rộng an sinh xã hội, nâng cao kỹ năng nghề và tăng cường hỗ trợ các nhóm yếu thế với những điểm mới nổi bật: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bổ sung quy định về đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động và phát triển kỹ năng nghề (Điều 1). Mở rộng đối tượng được hỗ trợ, bao gồm người cao tuổi, thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và người lao động ở khu vực nông thôn (Điều 11, 13, 14).

Đồng thời hỗ trợ tạo việc làm mới thông qua tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Điều 8, 9). Mở rộng đối tượng vay vốn, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ưu đãi lãi suất cho các nhóm yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo). Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn (Điều 11). Việc làm công được ưu tiên cho người yếu thế (Điều 12). Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp (Điều 13).
Không chỉ có vậy, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 36), bao gồm người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (từ 1 tháng trở lên). Tăng mức hỗ trợ, bao gồm trợ cấp thất nghiệp tối đa 60% lương trung bình (Điều 44). Hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp (Điều 42). Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được đầu tư an toàn, minh bạch (Điều 48, 52).
Thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Việc làm (sửa đổi), tuy nhiên, để Dự thảo Luật (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, không ít ý kiến đề nghị, cần cụ thể một số nội dung chính sách nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động.

Tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị, cần bổ sung quy định khuyến khích người lao động nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến hoặc có quy định cụ thể về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến song song với hình thức nộp trực tiếp như quy định tại Điều 66 của Dự thảo.
Cùng với đó, đại biểu cũng cho hay, việc quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 2 Điều 58 của Dự thảo Luật là điểm mới so với luật hiện hành. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng đóng số tiền cần phải đóng, hoặc chậm đóng, hay trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại số tiền mà người lao động đã đóng.
Vì vậy, tính khả thi của quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao. Bởi, khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu.
Từ thực tế đã nêu, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị, cần xem xét lại quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 2 Điều 58 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cho phù hợp.
“Trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì phải có thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị.
Còn theo ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhưng không chốt sổ bảo hiểm xã hội kịp thời. Ngoài ra, doanh nghiệp có đi chốt nhưng lại gặp vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, dẫn đến việc gần hết hoặc hết thời hạn 3 tháng theo quy định, người lao động vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục đăng ký thất nghiệp.
“Việc không kịp chốt sổ bảo hiểm xã hội khiến người lao động không thể làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian quy định, mất luôn quyền lợi trong giai đoạn đang rất cần nguồn tài chính để sinh sống hoặc tìm việc mới”, vị này chia sẻ.
Đồng thời cho hay, hiện pháp luật hiện hành cũng như Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chưa có quy định cụ thể nào buộc doanh nghiệp hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp này. Điều đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chậm trễ nhưng người lao động lại là người gánh chịu hậu quả.
Vì vậy, ông Vũ Ngọc Hà kiến nghị, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp nếu không hoàn tất đầy đủ, kịp thời hồ sơ, thủ tục để người lao động có thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng hạn.
Được biết, Luật Việc làm là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp... tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn.