Du lịch

Du lịch Hà Nội: Nhiều hoạt động lan tỏa tinh thần dân tộc

Minh Châu 01/05/2025 03:02

Trong không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tinh thần tự hào dân tộc được lan tỏa từ chính những người dân bằng nhiều cách khác nhau.

Một trong những hoạt động thể hiện tinh thần chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam từ Thủ đô Hà Nội phải kể đến hoạt động hỗ trợ suất nước uống, sữa, bánh mì cho những người vào Lăng viếng Bác của Sở Du lịch Hà Nội, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức.

Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động thường niên này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, việc tặng quà cho đồng bào, du khách vào Lăng viếng Bác là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm trong công tác phục vụ, đón tiếp, tuyên truyền của mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ bên Lăng Bác Hồ; góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động thường niên giữa các đơn vị nhằm gửi gắm tình cảm của thành phố Hà Nội tới đồng bào cả nước và du khách đến Hà Nội về Lăng viếng Bác, đồng thời lan tỏa hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

z6555844782192_f60777f4be2d3682509a97442dd6f175.jpg
Theo kế hoạch năm 2025, các đơn vị chuẩn bị 110.000 suất quà cho đồng bào và du khách về Lăng viếng Bác vào các dịp lễ lớn.

Theo kế hoạch năm 2025, các đơn vị chuẩn bị 110.000 suất quà cho đồng bào và du khách về Lăng viếng Bác vào các dịp lễ lớn. Cụ thể: dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5) chuẩn bị số lượng quà tặng là 50.000 suất; dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) là 25.000 suất; và dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2-9) là 35.000 suất.

z6555844771639_59ab4d1d3664d1a215b475efe1045847.jpg
Sự kiện diễn ra thường niên, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho nhân dân, du khách đến viếng Lăng Bác.

Như vậy có thể thấy, trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các điểm di tích, du lịch trên địa bàn Hà Nội đều đón lượng khách đông đảo. Không khí hân hoan, vui tươi lan tỏa rộng khắp, từ các điểm vui chơi công cộng cho đến những điểm di tích lịch sử cách mạng.

Bên cạnh đó, dịp nghỉ lễ năm nay, du khách cũng đặc biệt yêu thích hoạt động tham quan, trải nghiệm các khu di tích, lịch sử nội thành Hà Nội.

Cụ thể, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, từ hơn 8h sáng, dòng người xếp hàng mua vé vào tham quan di tích rất đông. Chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều gia đình, đoàn khách mặc đồng phục cờ đỏ sao vàng, tay cầm quốc kỳ và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để bày tỏ niềm hân hoan.

Còn tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, ngay trong ngày vui của dân tộc đã đón hàng nghìn du khách đến tham quan triển lãm “Con đường thống nhất” tại khu Nhà D67 và “check-in” Cột cờ Hà Nội. Bên cạnh đó, du khách còn được xem miễn phí biểu diễn múa rối nước.

Hay như trải nghiệm cùng di sản, hấp dẫn với tour đêm miễn phí tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng công nghệ và thưởng thức màn trình diễn 3D mapping "Tinh hoa đạo học".

Giới trẻ ngày nay cũng đặc biệt có hứng thú tìm hiểu về văn hóa truyền thống lịch sử, thể hiện tình yêu nước và sự tìm tòi khai thác các chất liệu xưa cũ. Đây là một tín hiệu tốt và du lịch Hà Nội đang tận dụng tốt xu hướng này.

Hòa chung không khí đầy tự hào của kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, khi đứng trước những tượng đài, những di tích mang xương máu cha ông, người trẻ không chỉ nhìn thấy quá khứ, thấy lịch sử của một dân tộc, mà còn là thấu hiểu hơn câu chuyện của tiền nhân, cảm nhận được sự hiện diện của những linh hồn anh dũng, những câu chuyện, những giá trị để lại cho thế hệ hôm nay và còn tiếp nối đến mai sau. Những chuyến đi như thế cũng là đi, để “chữa lành”, để tìm thấy chính mình.

Tận dụng cơ hội này, theo các chuyên gia, dựa trên giá trị di tích, di sản tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch có thể xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau như du lịch học đường, giáo dục di sản cho học sinh sinh viên; du lịch trải nghiệm cuộc sống bản địa dành cho khách quốc tế... Để các di tích và di sản có một "đời sống" mới và bền vững, có thể áp dụng các công nghệ hiện đại để mô phỏng, tái hiện lịch sử; hoặc kêu gọi đóng góp để hình thành bảo tàng ký ức cộng đồng. Ngoài ra, các di tích có thể là không gian giao lưu, trình diễn văn hóa của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, hướng tới nuôi dưỡng tình yêu di sản và nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ.

Minh Châu