Ô tô - Xe máy

Các “ông lớn” ô tô vào cuộc tái chế xe

HẢI LINH 02/05/2025 00:29

Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ trở thành một “cường quốc” về tái chế ô tô cũ.

Các “ông lớn” vào cuộc

Tập đoàn Toyota vừa ra mắt "nhà máy tuần hoàn", với nhiệm vụ tái chế ô tô cũ. Nhà máy này đặt tại Anh quốc, dự kiến sẽ bắt đầu tái chế ô tô cũ vào quý 3 năm nay. Mỗi năm ​​sẽ tái chế khoảng 10.000 xe, giúp sẽ tái sinh 120.000 bộ phận, thu hồi 300 tấn nhựa có độ tinh khiết cao và 8.200 tấn thép cùng nhiều vật liệu khác. Bước tiếp theo Toyota sẽ triển khai hoạt động này trên khắp châu Âu và không dừng lại ở các cơ sở của mình mà mong muốn hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp khác trên toàn cầu cùng chia sẻ niềm đam mê tuần hoàn và cam kết trung hòa carbon.

xe4.jpg

Nhà máy tuần hoàn của Toyota sẽ đánh giá toàn diện từng chiếc ELV (xe hết vòng đời), thực chất là xe phế thải và phân thành ba loại: các bộ phận được bán lại, được tân trang lại và được tái chế. Các bộ phận có thể tái sử dụng, sẽ được bán thông qua cả các nhà bán lẻ Toyota và các nhà phân phối phụ tùng. Các bộ phận khác sẽ được tái sản xuất và hoặc tái chế. Việc tái chế các nguyên liệu như đồng, nhôm, thép, nhựa… sẽ được đưa vào sản xuất xe mới.

Không chỉ Toyota mà nhiều “ông lớn” trong ngành ô tô cũng vào cuộc. Tập đoàn BMW hiện có mạng lưới tái chế lâu đời và đầu tư mạnh vào quy trình tái chế khép kín cho các vật liệu như đồng, thép, nhôm, nhựa. Hãng cũng đi tiên phong trong nghiên cứu và triển khai tái chế pin xe điện. Tập đoàn Volkswagen đang đầu tư vào các nhà máy tái chế pin xe điện quy mô lớn. Các thương hiệu con của tập đoàn này như Audi đã có dự án thử nghiệm về tái chế nhựa và nhôm theo chu trình khép kín, đưa vật liệu tái chế trở lại quy trình sản xuất ô tô mới. Hãng xe Volvo đặt mục tiêu sử dụng ngày càng nhiều vật liệu tái chế và có nguồn gốc bền vững trong các mẫu xe của mình. Volvo cũng tham gia tích cực vào các nỗ lực chung của ngành để xử lý và tái chế pin xe điện. hãng Renault đã thành lập các cơ sở chuyên biệt, tập trung vào kinh tế tuần hoàn. Các hoạt động bao gồm tân trang và sản xuất lại các bộ phận (động cơ, hộp số...), tái chế vật liệu và xử lý vòng đời thứ hai cho pin xe điện.

Tái chế xe là quá trình tháo dỡ một chiếc xe cũ và tận dụng những bộ phận, nguyên liệu đáng giá. Khi đã hết giá trị sử dụng, mỗi chiếc xe cũ lại trở thành món hàng cho những nhà tái chế và việc tái chế xe cũ đã trở thành một ngành công nghiệp hùng mạnh. Tái chế xe đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng gần đây, quá trình ngày được “nâng tầm” lên thành một ngành công nghiệp có lợi nhuận cao, đặc biệt là với sự tham gia của những hãng xe lớn.

Lợi ích từ tái chế xe

Theo số liệu từ Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), mỗi năm có khoảng 30 triệu ô tô cũ đã hết vòng đời và quá niên hạn sử dụng trên toàn thế giới. Việc xử lý lượng xe “quá đát” khổng lồ này là vừa là thách thức, vừa là món hời không hề nhỏ.

Một chiếc ô tô đã hết vòng đời sẽ là nguồn cung vật liệu thô tuyệt vời. Khi nó bị đẩy đến bãi phế liệu, vẫn còn tới 75% khối lượng có thể tái chế. Những vật liệu đó lại được tận dụng để sản xuất những chiếc xe mới. Với tỷ lệ này thì xe hơi là thứ được tái chế nhiều nhất thế giới và những chiếc xe phế liệu “trả” lại khoảng 14 triệu tấn thép mỗi năm, để sản xuất ra những chiếc xe mới.

xe2.jpg

Chỉ tính riêng tại Mỹ, ngành tái chế xe đứng thứ 16 về quy mô, đóng góp 25 tỷ USD vào tổng thu nhập quốc nội. Ngành tái chế xe được cho là đã có 75 năm lịch sử và hiện nay đang cung cấp việc làm cho khoảng 100.000 người.

Quy trình tái chế xe là vô cùng phức tạp với nhiều công đoạn. Khi những chiếc xe được đưa ra bãi thải, chúng sẽ được tháo dỡ. Những chi tiết đáng giá như mô đun điện tử, máy phát điện, củ đề, cụm động cơ, hộp số… sẽ được vệ sinh và tái sử dụng nếu còn hoạt động tốt. Bộ xúc tác khí thải chứa nhiều kim loại quý như rhodium, platinum, palladium sẽ được đưa đi xử lý và thu hồi. Sau đó, kính, nhựa, vải… sẽ được lấy ra phân loại để tái chế. Khi mọi thứ đã được tháo dỡ hết, phần khung xe kim loại sẽ được cán bẹp và chuyển đến nhà máy nghiền, tạo ra thép mới.

Quá trình tháo dỡ trước đây vẫn được thực hiện bằng tay, bởi những nhân sự có chuyên môn. Giờ đây với sự tham gia của các hãng sản xuất xe, những máy móc chuyên biệt đã được sử dụng, để tăng hiệu suất tái chế.

Theo thống kê, mảng tái chế xe cung cấp tới 37% lượng kim loại màu cho ngành sản xuất kim loại trên toàn nước Mỹ. Việc sử dụng thép tái chế giúp ngành sản xuất thép tiết kiệm một lượng năng lượng tương đương với 85 triệu thùng dầu thô mỗi năm, do tái chế thép cũ sử dụng ít hơn 74% năng lượng so với chế tạo thép mới. Tái chế xe không chỉ biến rác thành tài nguyên, đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường.

Mỹ và châu Âu hiện là 2 khu vực dẫn đầu về tỷ lệ xe tái chế và sử dụng kim loại tái chế trên xe thành phẩm. Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam cũng trở thành một “cường quốc” về tái chế xe.

HẢI LINH