SIP vào thế phòng thủ
Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP) đang đứng trước thách thức của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Trước bối cảnh trên, SIP lên kế hoạch kinh doanh 2025 thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất hơn 5.657 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 833 tỷ đồng, lần lượt giảm 33% và 35% so với thực hiện 2024.
Khu công nghiệp - "Gà đẻ trứng vàng"
Doanh thu và lợi nhuận chính của SIP trông chờ vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Năm 2024, báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy doanh thu đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận hơn 1.278 tỷ đồng, tăng 27,4%. Đây là năm có kết quả kinh doanh cao kỷ lục của SIP. Trong đó, nguồn thu chính vẫn đến từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp (KCN) hơn 6.547 tỷ đồng, tăng 15%. So với kế hoạch đề ra, SIP vượt kế hoạch năm tới 61%. Như vậy, có thể thấy, kinh doanh trong lĩnh vực KCN là “gà đẻ trứng vàng” của SIP.

SIP đang cho thuê và vận hành 4 KCN ở khu vực phía Nam. Trong đó, KCN Phước Đông tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh là khu phức hợp công nghiệp, đô thị, thương mại lớn nhất với tổng diện tích hơn 2.436ha. Hai KCN tại TP HCM là Lê Minh Xuân 3 có diện tích 311ha, KCN Đông Nam 342 ha và KCN Lộc An - Bình Sơn sở hữu tổng diện tích gần 498ha tại Đồng Nai đều đặn “đẻ trứng vàng” cho SIP.
Thắng lớn trong ngành kinh doanh ngành nghề cốt lõi, đến cuối năm 2024, tổng tài sản của SIP đạt gần 25.026 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Theo đó, tiền mặt mà SIP gửi ngân hàng tới 5.300 tỷ đồng, tăng 65%, chiếm 21% tổng tài sản.
Tuy nhiên để duy trì dòng tiền hoạt động kinh doanh, SIP vẫn vay nợ lớn. Đến cuối quý 1/2025, tổng nợ phải trả của SIP là 20.185 tỷ đồng.
Lợi thế từ sở hữu quỹ đất lớn
SIP là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất cho thuê lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, đạt hơn 1.000 ha tập trung tại khu vực phía Nam. Đi cùng với hoạt động cho thuê bất động sản KCN, SIP còn cung cấp các dịch vụ tiện ích bao gồm: điện, nước, cho thuê nhà xưởng, xử lý rác thải… cho các khách hàng trong KCN mà doanh nghiệp đang quản lý.
Năm 2025, Ban Lãnh đạo SIP dự kiến cho thuê 52 ha đất KCN. Trong đó, KCN Phước Đông và KCN Lộc An - Bình Sơn sẽ là 2 dự án đóng góp chính. Ngoài ra, diện tích đất bàn giao trong năm 2025 của SIP bao gồm KCN Phước Đông 50 ha, KCN Đông Nam 5 ha, KCN Lê Minh Xuân 5ha, KCN Lộc An Bình Sơn 20ha.
Trong quý 1/2025, các KCN của SIP như KCN Phước Đông bàn giao 15,5ha cho Công ty Hailide và Beauty, đồng thời ký 50 ha với Global Hantex, đây đều là các doanh nghiệp ngành dệt may, cho thấy các KCN do SIP quản lý đang phát huy tốt lợi thế trong việc thu hút đầu tư vào KCN. Tiếp đó, Dự án KCN Long Đức giai đoạn 2 Đồng Nai hiện đã hoàn thiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2025. Dự án có tổng diện tích 294 ha, do SIP sở hữu 69,5%.
KCN Long Đức giai đoạn 2 được quy hoạch trên diện tích đất cao su và đã thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo đó, dự án có thể được bàn giao cho thuê trong năm 2026, diện tích cho thuê đạt 10-20ha/năm.
Có thể nói, ngoài kinh doanh cho thuê trong KCN, SIP còn hưởng lợi thế được cấp phép xây trạm biến áp cấp điện cho KCN và giá trị doanh thu chưa thực hiện lên đến hơn 11.700 tỷ đồng.
Thách thức từ thuế quan của Mỹ
Mặc dù có lợi thế nói trên, nhưng SIP cũng đang gặp nhiều thách thức từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới các hợp đồng cho thuê đất KCN, cho dù đến thời điểm này chính sách thuế quan của Mỹ vẫn đang trong thời hạn hoãn 90 ngày chờ đàm phán.
Dù Việt Nam và Mỹ vẫn đang đàm phán thuế quan, nhưng hiện các đơn hàng đi Mỹ tại một số doanh nghiệp trong KCN đã tạm dừng. Để hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất trong KCN muốn trả lại đất dù tiền đã đóng 50%, SIP cũng phải trấn an doanh nghiệp, cùng tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước chính sách thuế quan của Mỹ, SIP phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu. Nếu Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đàm phán thuế quan với chính quyền Trump, có thể sẽ gây ra không ít khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của SIP nói riêng và tất cả các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trongKCN nói chung. Đối với SIP, thách thức không chỉ nằm ở mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà còn ở việc điều chỉnh chiến lược phát triển để phù hợp trong bối cảnh mới.
Để ứng phó với chính sách thuế quan của chính quyền Trump, kế hoạch phát triển dài hạn của SIP sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt để đối mặt với những biến động của thị trường thế giới.
Trên thực tế, việc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam hứa hẹn tích cực sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất trong các KCN. Nếu hai bên đạt thỏa thuận thương mại sau thời hạn 90 ngày, sẽ giúp SIP tiếp tục phát triển thêm các KCN đã được phê duyệt.