Chứng khoán

Loạt doanh nghiệp, công ty chứng khoán, quản lý quỹ bị phạt tiền, đình chỉ giao dịch

An Định 02/05/2025 16:00

Loạt quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước UBCKNN) ban hành.

Cụ thể, một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng đã nhận các quyết định xử phạt như:

Quyết định số 132/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE).

REE tru so
REE bị phạt vì đã không công bố thông tin theo quy định trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và vi phạm trong giao dịch với cổ đông. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp này bị phạt tiền 85 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Theo quyết định, UBCKNN cho biết REE đã không công bố thông tin theo quy định trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với các tài liệu sau: báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2022; báo cáo tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên 2023.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.

Theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán và Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2024, REE có giao dịch với Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật Cơ điện lạnh REE (công ty con, đồng thời là tổ chức có liên quan của người nội bộ công ty); Công ty cổ phần Điện máy REE (công ty con, đồng thời là tổ chức có liên quan của người nội bộ công ty); Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ (công ty liên kết, đồng thời là tổ chức có liên quan của người nội bộ công ty), các giao dịch này chưa được ĐHĐCĐ/HĐQT doanh nghiệp thông qua.

Trên thị trường, REE là một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết tại HoSE, được xem là một trong những cổ phiếu “kỳ cựu” xét về lịch sử hiện diện trong nhóm niêm yết đầu ngành. Trong thời gian gần đây, REE có nhiều thay đổi liên tục về nhân sự lãnh đạo cấp cao của công ty, đi cùng những chuyển dịch về cơ cấu cổ đông lớn. Tại REE cũng đã và đang diễn ra sự chuyển giao thế hệ kế cận với sự tham gia của con trai và con gái “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh năm 1952), Chủ tịch HĐQT REE.

Gần nhất trong tháng 4, bà Mai Thanh đã trở lại ghế Chủ tịch HĐQT sau khi rời vị trí từ cuối tháng 11/2024 và chỉ sau chưa đầy 5 tháng đã quay trở lại vị trí quyền lực này. Song song đó, bà cũng thôi nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty kể từ ngày 9/4/2025, thay vào đó được bổ nhiệm cho vị trí này là ông Ashok Ramachandran (Sinh năm 1980), TV HĐQT, quốc tịch Australia.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt; HoSE: PDR) nhận Quyết định số 154/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán của UBCKNN.

Theo quyết định, Phát Đạt bị xử phạt hành chính số tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật . Cụ thể, Phát Đạt không công bố thông tin (CBTT) định kỳ trên hệ thống chuyên trang thông tin Trái phiếu doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội các tài liệu sau: Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2022, bán niên năm 2023 và năm 2023; Không CBTT bất thường trên hệ thống CBTT của UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), trang thông tin điện tử của Công ty các tài liệu sau: Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) số 01A/2021/QĐ-HĐQT ngày 04/01/2021 phê duyệt, thông qua các hợp đồng/giao dịch giữa Công ty và các bên liên quan trong năm 2021; Nghị quyết HĐQT số 01/2023/QĐ-HĐQT ngày 03/01/2023 phê duyệt, thông qua các hợp đồng/giao dịch giữa Công ty và các bên có liên quan trong năm 2023; Nghị quyết HĐQT số 13/2023/QĐ-HĐQT ngày 30/03/2023 thông qua giao dịch với bên có liên quan; CBTT không đúng thời hạn theo quy định trên hệ thống CBTT của UBCKNN và HoSE, trang thông tin điện tử của Công ty các tài liệu sau: Báo cáo tài chính riêng năm 2024 đã được kiểm toán; Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.

Cùng với đó, Phát Đạt còn bị xử phạt hành chính số tiền 65 triệu đồng đối với hành vi Công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Phát Đạt CBTT không đầy đủ về các giao dịch giữa Công ty với người có liên quan của người nội bộ tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023, năm 2024 theo quy định tại Phụ lục V về Báo cáo tình hình quản trị công ty ban hành kèm Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Phát Đạt cũng bị xử phạt hành chính số tiền 150 triệu đồng đối với hành vi Công bố thông tin sai lệch khi CBTT sai lệch về chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 tại Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất Quý IV/2024 so với chỉ tiêu tại Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đã được kiểm toán năm 2024, cụ thể: Lợi nhuận sau thuế tại Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất Quý IV/2024 là 515.401.405.989 đồng và 522.781.474.017 đồng; tuy nhiên, Lợi nhuận sau thuế tại Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đã được kiểm toán năm 2024 là 149.604.280.338 đồng và 155.183.720.727 đồng.

Cuối cùng, bị xử phạt số tiền 187,5 triệu đồng đối với hành vi Sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với phương án đã được Hội đồng quản trị công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư. Cụ thể Phát Đạt sử dụng 1.394.156 triệu đồng trong tổng số tiền 2.045.000 triệu đồng thu được từ các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ các mã trái phiếu (PDRH2123005, PDRH2123006, PDRH2123007, PDRH2123008, PDRH2123010 và PDRH2224001) cho mục đích hoàn trả tiền mượn cho Công ty cổ phần Địa Ốc Sài Gòn – KL (1.356.700 triệu đồng), Công ty cổ phần Bất động sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương (12.230 triệu đồng) và các mục đích khác (25.226 triệu đồng); không đúng với phương án đã được Hội đồng quản trị Công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Tổng cộng, tổng mức phạt hành chính cho tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Phát Đạt là 495 triệu đồng.

Trước đó trong tháng 3, UBCKNN đã xử phạt loạt cá nhân vì có hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hành vi cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Phát Đạt. Lãnh đạo Phát Đạt khẳng định không có liên quan gì tới hoạt động thao túng cổ phiếu PDR bị cơ quan chức năng xử lý này.

Tại Quyết định số 131/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN xử phạt Công ty cổ phần Xây dựng và Năng lượng VCP (UPCoM: VCP) do có nhiều lỗi vi phạm.

Theo đó, VCP bị phạt tiền 85 triệu đồng vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, trên hệ thống chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của HNX, VCP đã không công bố loạt tài liệu như báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được kiểm toán; báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; báo cáo tình hình sử dụng số tiền từ đợt phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên năm 2023.

VCP cũng công bố thông tin không đúng thời hạn về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn của mã trái phiếu VCPBOND2020-01 và VCPBOND2020-02 và hàng loạt báo cáo, tài liệu theo quy định.

VCP bị phạt thêm 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ, bao gồm thông tin về giao dịch cho cổ đông lớn vay tiền; phạt 125 triệu đồng vì vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và 2024, ông Vũ Tuấn Cường và ông Lê Quốc Hương là cổ đông lớn của VCP. Tuy nhiên, tại phụ lục số 2 thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp đã thực hiện cho ông Vũ Tuấn Cường vay 310 tỷ đồng và ông Lê Quốc Hương vay 25 tỷ đồng; tại phụ lục số 2 thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, doanh nghiệp đã thực hiện cho ông Vũ Tuấn Cường vay 4,5 tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp niêm yết hay đại chúng bị xử phạt, UBCKNN cũng ban hành loạt quyết định xử phạt với công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.

Tại Quyết định số 143/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Chứng khoán Alpha (APSC), UBCKNN nêu loạt hàng loạt vi phạm quy định về trái phiếu, công bố thông tin, vi phạm cho vay… của công ty này.

Giao dich chui
Hàng loạt vi phạm quy định về trái phiếu, công bố thông tin, vi phạm cho vay... khiến Chứng khoán Alpha bị phạt hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, APSC bị phạt 85 triệu đồng do Không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán. Công ty không lưu giữ đầy đủ các báo cáo phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán liên quan đến hoạt động tư vấn đầu tư của Công ty.

Công ty bị phạt 225 triệu đồng do Không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ có đầy đủ các nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ. Hồ sơ và phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ của CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An do Công ty thực hiện tư vấn hồ sơ chào bán không đảm bảo đầy đủ các tài liệu và nội dung theo quy định (Liên quan đến nội dung này, theo tìm hiểu trước đó,

Công ty còn không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật và bi phạt 85 triệu đồng với hành vi này.

Theo đó, APSC đã không gửi Báo cáo kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại Công ty năm 2023 đến Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); không gửi Báo cáo đánh giá rủi ro về phòng chống rửa tiền năm 2023 đến Cục Phòng, chống rửa tiền và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc thay đổi địa điểm đặt hệ thống giao dịch trực tuyến; không đăng ký thông tin đến Cục Phòng, rửa tiền về họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để liên lạc khi cần thiết của người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn từ 01/01/2020 đến 24/12/2023.

Đồng thời, Công ty báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật: Công ty chậm gửi báo cáo tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý 3/2024 đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Công ty gửi Công văn số 219/2024/CV-PTSV ngày 19/11/2024 báo cáo không đúng thời hạn cho Cục Phòng, chống rửa tiền. về thay đổi thông tin liên hệ, thông tin nhân sự phụ trách liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

APSC cũng báo cáo chưa chính xác tỷ lệ an toàn tài chính tại các ngày 30/ 4, 31/5, 30/6, 31/7, 31/8, 31/10, 31/11 năm 2023; Báo cáo tình hình hoạt động giao dịch trực tuyến năm 2023 của Công ty nộp ngày 18/01/2024 không chính xác với tình hình thực tế tại Công ty. Với hành vi này, APSC bị phạt 150 triệu đồng và buộc báo cáo thông tin chính xác theo quy định.

APSC bị phạt 175 triệu đồng do Vi phạm quy định về hạn chế cho vay. Từ tháng 7/2023 đến tháng 9/2023, Công ty đã giải ngân giao dịch ký quỹ cho Giám đốc chi nhánh của Công ty; Từ 07/07/2022 đến 27/4/2023, Công ty đã liên tục thực hiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng tiền cho một số cá nhân là thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên ban Giám đốc, Giám đốc chi nhánh. Đến ngày 28/06/2023, Công ty đã thu hồi toàn bộ các khoản tạm ứng nhưng không có tài liệu, chứng từ về việc đã, đang thực hiện hay đã mua được cổ phiếu, trái phiếu theo mục đích tạm ứng ban đầu.

Công ty chứng khoán nhỏ này còn thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu trong giai đoạn 07/07/2022 đến 27/4/2023 để tạm ứng cho các cá nhân nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông. Với vi phạm này, APSC bị phạt 162,5 triệu đồng và buộc thông qua Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán theo quy định.

Ngoài ra, công này còn bị phạt 60 triệu đồng do bố trí các nhân sự chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ở vị trí nhân viên tư vấn hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ cho một số tài khoản giao dịch chứng khoán và phạt 85 triệu đồng do từ ngày 27/03/2023 đến ngày 05/9/2023, Công ty không bố trí nhân sự đảm nhiệm công tác kiểm soát nội bộ. Từ ngày 03/6/2024 đến thời điểm kiểm tra, Công ty phân công nhân sự không có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán; không có chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

Tổng mức phạt tiền đối với Công ty chứng khoán Alpha là hơn 1 tỷ đồng.

Đối với CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thành viên của Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc, đơn vị này bị phạt tiền 202,5 triệu đồng vì 2 vi phạm. Một là vi phạm về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng. Hai là vi phạm về việc không công bố thông tin đối với các Bản án của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về việc "tranh chấp hợp đồng vay tài sản" liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ của công ty.

Một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính là đầu tư tài chính, cổ đông lớn một trong những công ty chứng khoán lớn trên thị trường là VNDirect - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) cũng nhận Quyết định xử phạt theo công bố của UBCKNN. Cụ thể IPA bị phạt tiền 400 triệu đồng vì 4 vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán như công bố thông tin không đúng thời hạn trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); công bố thông tin không đầy đủ tại báo cáo tình hình quản trị, báo cáo tình hình sử dụng vốn.

Cùng với đó, IPA cũng không đảm bảo thành viên HĐQT, Ủy ban kiểm toán đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định. Cụ thể, ông Vũ Hoàng Hà là thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán của công ty, đồng thời là thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Ngành In (công ty con của IPA, tỷ lệ sở hữu là 98,61%). Ông Vũ Hoàng Hà không có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, luật, quản trị kinh doanh. Trình độ chuyên môn của ông là thạc sĩ quản lý hệ thống thông tin.

IPA còn có vi phạm trong giao dịch với cổ đông. Theo danh sách cổ đông của Công ty do Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam chốt tại các ngày 29/4/2022, 8/5/2023 và 23/5/2024, Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Trustlink là cổ đông của IPA. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính riêng năm 2022, 2023 đã được kiểm toán và báo cáo tài chính quý I, quý II năm 2024, trong năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, IPA đã thực hiện cho Công ty Trustlink vay tiền.

Một công ty quản lý quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Korea Investment Management Co., Ltd, hay còn gọi là quỹ KIM, cũng nhận quyết định với mức phạt tiền lên tới hơn 1,1 tỷ đồng vì hành vi không báo cáo dự kiến giao dịch.

Quy Kim VN
Quỹ Kim, có tổng tài sản 1,3 tỷ USD, bị phạt hơn 1,1 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của quỹ này trong thời hạn 4 tháng. (Ảnh minh họa)

Theo UBCKNN, quỹ KIM - tổ chức liên quan đến ông Yun Hang Jin - Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ ETF KIM Growth VNSELECT (Mã chứng khoán: FUEKIVFS) đã bán 1 triệu chứng chỉ quỹ FUEKIVFS (tương ứng 10 tỷ đồng mệnh giá chứng chỉ quỹ FUEKIVFS) trong ngày 28/06/2024 và đã bán hơn 2,85 triệu chứng chỉ quỹ FUEKIVFS (tương ứng hơn 28,58 tỷ đồng đồng mệnh giá chứng chỉ quỹ FUEKIVFS) trong tháng 7/2024 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Các quyết định xử phạt của UBCKNN giai đoạn hiện nay cho thấy công tác quản lý giám sát thị trường tiếp tục được cơ quan quản lý đẩy mạnh. Điều này đặt kỳ vọng thúc đẩy công tác minh bạch tài chính và quản trị doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt về công bố thông tin và sử dụng vốn đúng quy định, đảm bảo tuân thủ các quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này tại các doanh nghiệp cũng như các đơn vị tham gia tạo lập thị trường.

An Định