Chính trị - Xã hội

Gỡ thẻ vàng IUU - “Tấm vé” để thủy sản Việt Nam hội nhập bền vững

Lê Trà My 03/05/2025 03:53

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương bước vào giai đoạn “nước rút”, tăng tốc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, đồng thời chuẩn bị cho đợt kiểm tra thực địa lần thứ năm của đoàn thanh tra EC dự kiến diễn ra trong năm 2025.

thevang.jpg
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Gai phối hợp kiểm tra, xử lý tàu khai thác thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn bởi đại dịch và biến động thương mại toàn cầu, “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu (EC) vẫn là một nút thắt lớn cần tháo gỡ để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là vào EU, một trong những thị trường tiềm năng và có giá trị cao nhất hiện nay.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, trong quý I/2025, sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt khoảng 880.000 tấn, gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng tăng trưởng hơn 5%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2,3 tỷ UÚD, tăng trưởng ấn tượng hơn 18% so với quý I/2024.

Những con số này phản ánh rõ sự khởi sắc của ngành, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng hơn từ các quy định chống khai thác bất hợp pháp.

Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh đó vẫn là thách thức lớn đến từ “thẻ vàng” IUU mà EC áp đặt từ năm 2017. Sau gần 7 năm, cảnh báo này không những chưa được gỡ bỏ mà còn đe dọa trực tiếp đến uy tín, thương hiệu và tính bền vững của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD, việc chậm trễ trong việc gỡ bỏ “thẻ vàng” có thể khiến Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội xuất khẩu vào một thị trường được xem là khó tính nhưng đầy tiềm năng.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, việc gỡ thẻ vàng không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ bắt buộc mang tính chiến lược. Bởi lẽ, nếu không có hành động quyết liệt, không chỉ nguy cơ bị nâng cấp thành “thẻ đỏ” mà cả chuỗi cung ứng thủy sản, từ ngư dân, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trên thực tế, EC không yêu cầu những tiêu chuẩn phi thực tế. Những nội dung mà họ đưa ra đều xoay quanh các nguyên tắc về truy xuất nguồn gốc, quản lý đội tàu, xử lý vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo tàu cá đủ điều kiện hoạt động… Đây cũng là những yêu cầu tối thiểu để xây dựng ngành thủy sản hiện đại, minh bạch và bền vững.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương bước vào giai đoạn “nước rút”, tăng tốc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Trong đó, lực lượng Biên phòng, các Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kiểm soát chặt từ khâu xuất bến, cập cảng cho đến khâu xác nhận nguồn gốc. Tất cả tàu cá vi phạm cần bị xử lý nghiêm khắc, không có ngoại lệ.

Đặc biệt, vấn đề “truy xuất nguồn gốc” đang là điểm nghẽn. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, dẫn tới nguy cơ bị trả hàng, từ chối nhập khẩu. Do đó, vai trò của các Chi cục và doanh nghiệp trong việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp cần được nâng lên một tầm mới không chỉ là làm đúng quy trình, mà còn phải minh bạch, kịp thời và toàn diện.

Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ hệ thống giám sát hành trình tàu cá, quản lý cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia cũng cần được tăng tốc. Chỉ khi có dữ liệu chính xác, kịp thời và đầy đủ, các cơ quan chức năng mới có thể quản lý hiệu quả, phản hồi nhanh chóng các yêu cầu từ phía đối tác quốc tế.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, quá trình gỡ thẻ vàng cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam chuyển mình, tái cấu trúc theo hướng hiện đại hơn, bền vững hơn. Đây là lúc để ngành thoát khỏi cách làm truyền thống, manh mún, và bước vào giai đoạn phát triển với tư duy chuỗi giá trị, tuân thủ quy chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh.

Ngành thủy sản không chỉ là trụ cột kinh tế với hàng triệu lao động, mà còn là hình ảnh đại diện cho nỗ lực hội nhập và phát triển của Việt Nam. Và để giữ vững vị thế trên bản đồ thủy sản thế giới, không còn cách nào khác ngoài việc quyết liệt, đồng bộ, và toàn ngành cùng hành động ngay từ hôm nay.

Lê Trà My