Kinh tế

Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp, còn vướng mắc từ đâu?

Phương Thanh 03/05/2025 04:15

Dù được đánh giá là giải pháp năng lượng xanh khả thi nhất, tuy nhiên rào cản từ khung pháp lý chưa rõ ràng, chi phí đầu tư ban đầu cao khiến tiềm năng điện mặt trời mái nhà còn “bó hẹp”.

Được dự báo phụ tải điện năm 2025 tăng trưởng lên đến 12,2% cho cả năm, công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW (tăng 11,3% so với năm 2024 là 48.950MW), mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 23/4/2025 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian tới.

Thực hiện hóa mục tiêu

Ngoài việc đưa các dự án nguồn điện bổ sung như nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vào vận hành trong quý 3 năm 2025, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương ban hành quy định, hướng dẫn về việc triển khai Nghị định số 57/2025/NĐ-CP của Chính phủ về Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) bảo đảm minh bạch, cạnh tranh, phù hợp lộ trình thị trường điện lực cạnh tranh. Đồng thời nhanh chóng hướng dẫn, thúc đẩy Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 của Chính phủ để khuyến khích các tổ chức, người dân lắp đặt các nguồn điện tự sản tự tiêu để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

111111.jpg
Nguồn điện mặt trời được bổ sung nhiều nhất so với các nguồn năng lượng khác trong bảng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 49/CĐ-TTg thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu điện đang cận kề. Không chỉ dừng lại ở các giải pháp ngắn hạn như đưa thêm các nhà máy điện lớn vào vận hành, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành thực hiện nhanh các quy định để tạo hành lang pháp lý mới cho các mô hình tiêu thụ điện.

Trong đó, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và chính sách khuyến khích nguồn điện tự sản tự tiêu được đánh giá là hai "chìa khóa vàng" nhằm mở ra tiềm năng to lớn về tiết kiệm và tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào lưới điện quốc gia, các doanh nghiệp, khu công nghiệp, thậm chí hộ gia đình có thể chủ động sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, giúp giảm tải đáng kể áp lực lên hệ thống điện quốc gia trong giờ cao điểm.

Đồng thời, sự phát triển các mô hình điện tự sản tự tiêu còn tạo ra cú hích thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam, đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết tại COP26. Nếu được triển khai bài bản và đồng bộ, đây không chỉ là giải pháp tình thế cho mùa cao điểm 2025, mà còn là nền tảng cho một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch và bền vững trong tương lai.

Bài toán nào cho khu công nghiệp?

2222222.jpg
Nhiều KCN mong muốn triển khai điện mặt trời sớm nhất trong năm 2025.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh và mục tiêu phát triển năng lượng sạch được đẩy nhanh, điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp – đang nổi lên như một hướng đi chiến lược. Không chỉ giúp các khu công nghiệp chủ động hơn về nguồn cung ứng điện, giảm chi phí vận hành, mô hình này còn góp phần thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu quan trọng.

Tuy nhiên, dù được đánh giá là giải pháp năng lượng xanh khả thi nhất, nhưng rào cản từ khung pháp lý chưa rõ ràng, chi phí đầu tư ban đầu cao khiến tiềm năng điện mặt trời mái nhà còn “bó hẹp

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng Ban phụ trách các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết: Hưng Yên có 10 KCN đang hoạt động và tiếp nhận được khoảng 660 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9 tỷ USD. Trong đó, có gần 500 dự án đã đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số các dự án đi vào hoạt động nhiều dự án thuộc nhóm ngành tiêu thu điện năng lớn như các dự án sản xuất gang thép, các dự án sản xuất thiết bị vệ sinh, các dự án dệt nhuộm.,…đã tạo áp lực không nhỏ đến khả năng cung cấp điện đảo bảo hoạt động sản xuất ổn định cho các dự án.

Hiện nay, tại trong KCN trên địa bàn tỉnh đã có 21 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN được chấp thuận lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất trên 25 MW. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nêu trên mới đáp ứng một phần nguồn năng lượng phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp theo hình thức tự sản, tự tiêu, chưa đấu nối điện lên hệ thống điện quốc gia cũng như cung cấp điện cho các doanh nghiệp khác.

Như vậy so với nhu cầu thực tế, tỷ lệ lắp đặt ĐMT ở các KCN ở Hưng Yên còn rất khiêm tốn.

Đưa ra một trong các vướng mắc chính cản trở xu hướng đầu tư ĐMT tại KCN ông Nghị cho biết: Chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển điện năng lượng mới chủ yếu tập trung vào ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, trong khi các dự án đầu tư đầu tư trong KCN không trực tiếp thuê đất của nhà nước mà thông qua Chủ đầu tư hạ tầng KCN, nên chưa đủ sức hấp dẫn, chưa tạo động lực để các nhà đầu tư quyết tâm đầu tư chuyển dịch sang năng lượng xanh, sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Vũ Chiên - Phó Ban quản lý các KCN Nam Định cho biết: Mặc dù Nghị định số 58/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về cơ chế này, tuy nhiên vẫn còn một số quy định khiến doanh nghiệp loay hoay trong cách triển khai thực hiện như: yêu cầu bổ sung giấy phép thẩm duyệt nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và giấy phép xác nhận cho hệ thống điện mặt trời mái nhà cho mô hình nhà xưởng cũ.

Đề xuất giải pháp để các nhà máy trong KCN tiếp cận được nguồn năng lượng xanh, đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đề xuất, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT). Đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép, đấu nối, mua bán điện NLTT. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể cho các hệ thống NLTT.

Liên quan đến bài toán tài chính đại diện Ban quản lý các KCN Nam Định cũng cho biết: Cần cung cấp các gói vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào NLTT, đồng thời xây dựng các cơ chế khuyến khích tài chính như giảm thuế, phí cho các dự án NLTT và thúc đẩy các quỹ đầu tư xanh, quỹ tín dụng xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án trong KCN.

Phương Thanh