Cần một hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ
Việc xây dựng một hệ thống truy xuất đồng bộ là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tạo nền tảng minh bạch cho thị trường hiện nay.
Từ sữa giả, thực phẩm “bẩn”, đến nông sản đội lốt hàng sạch… ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện. Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, năm 2024, đã phát hiện 47.135 vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm đến 425 tỷ đồng (tăng 23% so với 2023). Trong đó, hàng bị tịch thu là 220 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng. Với thương mại điện tử, số vụ vi phạm tăng 266%.

Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc vẫn còn manh mún, thiếu đồng bộ và chưa được giám sát hiệu quả. Hậu quả là người tiêu dùng mất niềm tin, doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng và cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát thị trường.
Đánh giá vai trò quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc, ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, nhấn mạnh rằng, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57/NQ-TW về chuyển đổi số, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số xuyên suốt chuỗi cung ứng – từ sản xuất, lưu kho, vận chuyển đến phân phối. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Chính, việc ghi chép bằng tay trong sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP dễ dẫn đến sai sót và bị lợi dụng để làm giả hồ sơ. Ngược lại, nếu áp dụng nhật ký điện tử theo thời gian thực, doanh nghiệp có thể quản lý toàn trình sản xuất, đồng thời tạo dựng niềm tin từ phía thị trường.
“Tuy nhiên, khi hệ thống mã QR chưa được chuẩn hóa, thiếu liên thông dữ liệu giữa các cơ quan và không có cơ chế giám sát hữu hiệu, hàng giả và hàng kém chất lượng vẫn có thể len lỏi trên thị trường. Do đó, mặc dù hiện nay chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng một khi đã triển khai, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ theo quy định các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đã ban hành; mọi hành vi cung cấp thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ đều có thể bị coi là hành vi gian dối đối với người tiêu dùng”, ông Bùi Bá Chính chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Chính cũng chỉ ra rằng, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia cần được đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu truy cập lớn và kết nối liên ngành. Doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ thông tin chuỗi cung ứng lên hệ thống này và chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin công bố. Khi dữ liệu được chia sẻ minh bạch, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng truy xuất, xử lý vi phạm, còn người tiêu dùng thì có thể chủ động tra cứu nguồn gốc sản phẩm mình sử dụng.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ, minh bạch và hiệu quả không chỉ là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là “chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ, minh bạch và hiệu quả không chỉ là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là “chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại một thực tế, mặc dù chúng ta đã nói nhiều đến các công nghệ như mã QR, blockchain hay hệ thống giám sát chuỗi cung ứng, nhưng vẫn chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu dùng chung, chưa có cơ chế liên thông giữa các sở, ngành, và đặc biệt là thiếu các công cụ pháp lý đủ mạnh để đảm bảo tính bắt buộc và đồng bộ trong triển khai. Do đó, để hoạt động truy xuất nguồn gốc thực sự phát huy hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số, việc hoàn thiện khung pháp luật là điều kiện tiên quyết - trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi nhập khẩu hoặc phân phối hàng hóa không rõ ràng thông tin, cũng như xác lập trách nhiệm pháp lý của các bên trung gian tham gia chuỗi cung ứng.