Giá trị từ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng
Ngân hàng ngày càng quan tâm đến việc nâng cấp nền tảng, ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ... sao cho hành trình trải nghiệm của khách hàng được thỏa mãn và tối ưu hóa giá trị.
Thay đổi nhỏ, hiệu quả lớn
Các ngân hàng ngày càng quan tâm đến yếu tố nâng cấp sản phẩm dịch vụ và nền tảng cung cấp sản phẩm dịch vụ sao hành trình trải nghiệm của khách hàng được thỏa mãn tối đa. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực II, một số thay đổi và ứng dụng nhỏ cho sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng thương mại, không chỉ phản ánh sự quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, mà còn thể hiện tính năng động, sáng tạo và mang lại lợi ích rất lớn cho khách hàng, người dân sử dụng dịch vụ.

Nếu trước đây, mỗi khi thanh toán chuyển khoản từ dịch vụ Internet Banking; Mobile Banking hoặc quét mã QR qua điện thoại thông minh, khách hàng và người bán hàng cùng nhìn màn hình điện thoại để xác nhận thanh toán xong, hoặc phải đọc tin nhắn… thì hiện nay, sau khi lệnh thanh toán thực hiện, một thông báo qua loa: "khách hàng đã thanh toán, số tiền…”, rất thuận lợi và tiện ích hơn.
Ở góc độ kỹ thuật, ông Lệnh phân tích, chỉ là ứng dụng đơn giản, điều chỉnh nhỏ song mang lại lợi ích lớn, thể hiện 3 khía cạnh:
Trước hết là tiết giảm thời gian, chi phí cho khách hàng và các cửa hàng, các đơn vị bán hàng. Đây là sự tiện lợi có ý nghĩa rất lớn nhất là đối với các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, nhà hàng và ăn uống, tiết kiệm nhiều thời gian phải đối chiếu, kiểm tra việc thanh toán của khách hàng, đặc biệt trong thời gian cửa hàng đông khách.
Theo đó, người bán hàng cũng hoàn toàn yên tâm và xác định khách hàng đã thanh toán, trong khi vẫn thực hiện đồng thời các hoạt động bán hàng, không cần phải kiểm tra, đối chiếu và nhìn màn hình như trước đây. Một sự thay đổi nhỏ, song gần như không mất thời gian cho hoạt động thanh toán của chủ cửa hàng, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh. Đây là lợi ích mang lại có ý nghĩa rất lớn không chỉ về thời gian, chi phí mà còn hiệu ứng truyền thông cho sản phẩm.
Kế tiếp, sự thay đổi nhỏ nhưng lợi ích mang lại lớn cho cả người bán và người mua là chính nhờ sự tiện ích, sẽ thúc đẩy mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Ngày nay đối tượng cần mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chính là khách hàng hộ kinh doanh và cá nhân. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, với những tiện ích mang lại mang tính phổ thông và tiện lợi như dịch vụ quét mã QR để thanh toán sẽ thu hút và mở rộng các cửa hàng, các hộ kinh doanh nhất là lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, ăn uống… sử dụng dịch vụ. Đây sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi, là cơ hội để mở rộng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế.
"Điều chỉnh nhỏ, thay đổi kỹ thuật trên ứng dụng... những ứng dụng nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn nhờ tiết kiệm thời gian chi phí và trở thành động lực cho phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của các ngân hàngtrong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định.
Một số xu hướng đổi mới
Trên thực tế, các ngân hàng ngày nay không chỉ điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật trong ứng dụng, còn đã và đang nỗ lực cải tiến và bắt nhịp với các xu hướng công nghệ, tích hợp vào nền tảng ngân hàng số và để mở rộng hơn nữa.

Phục vụ cho mong muốn trải nghiệm tài chính toàn diện, bao gồm đầu tư, nhiều ngân hàng đã kết hợp với các fintech, tận dụng công nghệ cung cấp dịch vụ liền mạch và cá nhân hóa, từ việc mở tài khoản trực tuyến nhanh chóng đến cung cấp các gói đầu tư được thiết kế riêng để mang đến tích hợp giải pháp kỹ thuật số. Chuyển từ mô hình truyền thống sang kinh doanh kỹ thuật số, ngân hàng không chỉ số hóa dịch vụ hiện có mà còn tư duy lại toàn bộ chiến lược kinh doanh. Ví dụ, tích hợp dịch vụ tài chính vào các nền tảng phi ngân hàng như ứng dụng mua sắm trực tuyến hoặc dịch vụ chia sẻ xe đang trở thành xu hướng phổ biến.
“Ngân hàng giờ đây không chỉ là nơi giữ tiền và cung cấp tín dụng, mà phải trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái số của khách hàng. Thích ứng với sự thay đổi này là điều cần thiết nếu các ngân hàng muốn duy trì tính cạnh tranh và phục vụ hiệu quả thế hệ tiêu dùng mới”, một báo cáo của ngân hàng MB ghi nhận.
Mới nhất ngày 29/4/2025, Nghị định 94 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, được giới chuyên môn nhận định sẽ kích hoạt mô hình kết hợp giữa fintech và ngân hàng mạnh mẽ hơn nữa. Đây được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho đổi mới sáng tạo của các nhà cung cấp thanh toán, trung gian thanh toán đặc biệt hướng về thanh toán không dùng tiền mặt, trong mục tiêu mang lại trải nghiệm hành trình của khách hàng từ sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính đến thanh toán nói chung và rộng hơn là thanh toán các sản phẩm dịch vụ được “nhúng” vào hệ sinh thái ngân hàng mở, trên không gian số.
Tiếp cận ở góc độ Phygital - xu hướng không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số mà còn được dự báo sẽ đóng góp tới 50% GDP toàn cầu trong vòng 15 đến 25 năm tới (báo cáo State of Phygital năm 2022), MB dự báo sẽ tác động đáng kể đến xu hướng thay đổi sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng.
Xu hướng này đáp ứng nhu cầu mua sắm đa kênh (Omni-channel), giúp khách hàng dễ dàng kết nối giữa trải nghiệm trực tuyến và tại cửa hàng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, đó sẽ là xu hướng Phygital Banking, tích hợp công nghệ số như AR, VR, nhận diện khuôn mặt, và thanh toán chạm để nâng cao sự tiện lợi và an toàn. Các dịch vụ tự động hóa, robot, và core banking giúp tối ưu hóa hoạt động, mang lại trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng.
“Việc tích hợp Phygital vào ngân hàng giúp các tổ chức tài chính tiếp cận dễ dàng hơn với thế hệ tiêu dùng mới, cải thiện trải nghiệm, đồng thời khai thác Big Data để cung cấp các khuyến nghị thông minh và các chương trình gamification, từ đó giữ chân khách hàng và tăng tính tương tác”, theo các nhà phân tích của ngân hàng MB.
Năm 2024, theo số liệu của NHNN, Việt Nam đã có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt, tăng hơn 50% về số lượng so với cùng kỳ năm trước.
NHNN cũng cho biết thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt hơn 17 tỷ giao dịch, tổng giá trị đạt khoảng 280 triệu tỷ đồng (tăng hơn 120% về giá trị so với cùng kỳ), góp phần thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam.