Chuyện làm ăn

Hành trình “giữ lửa” truyền thống của Gốm Chu Đậu

Hải Ngân - Nguyễn Chuẩn 04/05/2025 06:44

Những doanh nghiệp như Gốm Chu Đậu đang đối mặt với thách thức kép: vừa phải hội nhập, vừa phải gìn giữ tinh hoa dân tộc.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Thức – Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu, để tìm hiểu về lộ trình phát triển cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và xu thế.

img_9405-2-.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thức – Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu. Ảnh Hải Ngân.

- Ông chia sẻ về chiến lược mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng của Gốm Chu Đậu trong bối cảnh hiện nay?

Chúng tôi triển đang khai đồng bộ hai hướng: xúc tiến thương mại trực tiếp (tham gia hội chợ trong nước và trưng bày sản phẩm tại nước ngoài) và tận dụng các nền tảng số như là Amazon hay Alibaba. Đặc biệt, danh hiệu “Thương hiệu Quốc gia” ba năm liên tiếp vừa qua là “tấm hộ chiếu” giúp sản phẩm của chúng tôi được tin dùng và trưng bày tại 46 bảo tàng ở 32 quốc gia. Bên cạnh đó, Gốm Chu Đậu cũng được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, dùng để làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia hoặc tại các sự kiện lớn trong và ngoài nước.

Trên thực tế, để đạt các tiêu chuẩn này, cán bộ công nhân viên công ty chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều năm nghiên cứu và sáng tạo. Và để vượt qua các tiêu chí khắt khe do Bộ Công thương kiểm soát, chúng tôi cũng luôn phải cải tiến các quy trình chất lượng trong các khâu sản xuất, luôn đảm bảo các yếu tố sản xuất chất lượng là hàng đầu và mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất của chúng tôi là “không chạy theo thị trường” mà kiên định với triết lý “gốm kể chuyện văn hóa”, từ hoa văn cổ đến tích truyện dân gian như cá chép hóa rồng, sen cá...

- Với chiến lược không ngừng đầu tư vào con người suốt 16 năm qua, ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghệ nhân và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp trong những năm tới?

Trên thực tế, chúng tôi có những tiêu chí tuyển chọn nhân lực khá là khác biệt. Đầu tiên chúng tôi tuyển người có đam mê và tâm huyết. Làm cái nghề này là phải đam mê và tâm huyết thì mới làm được. Đó là những tiêu chí hàng đầu.

img_9463(1).jpg
Gốm Chu Đậu luôn tự hào giữ được 90% lao động địa phương, tạo việc làm ổn định cho người dân. Ảnh Hải Ngân.

Sau đó, với những ai có năng khiếu, chuyên về vẽ hay chuyên về tạo hình, vào đây chúng tôi đưa vào các khâu công việc phù hợp. Bên cạnh đó, người lao động tại đây được ký hợp đồng dài hạn với chế độ đãi ngộ tốt: lương thưởng cạnh tranh, bảo hiểm đầy đủ, cùng với các cơ hội tham quan các làng nghề. Điều chúng tôi luôn tự hào là giữ được 90% lao động địa phương, tạo việc làm ổn định cho người dân. Nghề gốm cần sự kiên nhẫn, chỉ những ai thực sự “có duyên” mới trụ lại được.

Gần đây, công ty đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ và đề xuất lộ trình chuyển đổi số. Chúng tôi số hóa khâu tiếp thị và quản lý chuỗi cung ứng để tối ưu chi phí. Ví dụ, bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dùng AI phân tích xu hướng thiết kế. Tuy nhiên, đối với Gốm Chu Đậu thì chúng tôi có những đặc thù riêng, các khâu tạo hình, vẽ men vẫn buộc phải giữ nguyên phương pháp thủ công. Có những thứ máy móc không thể thay thế được con người. Nhưng, công nghệ có thể giúp lan tỏa mạnh hơn câu chuyện văn hóa ẩn sau từng sản phẩm. Đây là cách để cân bằng giữa tốc độ và chất nghệ, giữa quy mô và độ tinh xảo.

- Ông có đề xuất, kiến nghị gì về chính sách của Nhà nước đối với các công ty như Gốm Chu Đậu?

Điều đầu tiên tôi xin được đề xuất là Nhà nước cần xử lý triệt để nạn hàng nhái, điều này không chỉ để bảo vệ doanh nghiệp mà còn giữ uy tín gốm Việt. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải giải quyết được vấn đề bảo hộ cho những cái sản phẩm truyền thống, để chúng tôi không bị ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trước sự cạnh tranh không lành mạnh, sẽ ảnh hưởng rất lớn cho những doanh nghiệp “làm thật, làm chuẩn”, như chúng tôi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất Bộ Công Thương nên tổ chức thêm các phiên chợ xúc tiến thương mại chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá rộng rãi hơn và đưa hình ảnh của mình vươn xa hơn.

Cuối cùng, chúng tôi đề xuất việc quy hoạch các vùng nguyên liệu đất sét chất lượng cao, tránh nguy cơ khan hiếm trong tương lai. Đặc biệt, phát triển tour du lịch làng nghề sẽ là cách “hai trong một” – vừa quảng bá sản phẩm, vừa giáo dục giới trẻ về di sản.

Nhìn chung, trong thời đại mà phần lớn doanh nghiệp đang chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, Gốm Chu Đậu chúng tôi đang chọn cách đi chậm mà chắc: tôn trọng lịch sử, đầu tư vào con người và dùng công nghệ như công cụ chứ không phải mục đích. Chúng tôi luôn mong muốn Nhà nước xây dựng được một hệ sinh thái mà ở đó, vừa khuyến khích đổi mới, vừa bảo vệ được những doanh nghiệp mang bản sắc dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Ngân - Nguyễn Chuẩn