Chính trị

Nhiều quyết sách lớn từ kỳ họp Quốc hội dài nhất lịch sử

Bảo Lam 04/05/2025 11:31

Sáng 5/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc, đánh dấu một kỳ họp mang tính lịch sử với thời lượng kéo dài gần 2 tháng, dài nhất từ trước đến nay.

Kỳ họp Quốc hội lần này được xem là bước ngoặt trong lộ trình cải cách bộ máy nhà nước, tái thiết thể chế, hướng tới mô hình quản trị tinh gọn, hiệu quả.

Ảnh màn hình 2025-05-04 lúc 11.29.21
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ xem xét Tờ trình của Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, một vấn đề có ý nghĩa nền tảng trong việc định hình tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng sẽ được đưa ra xem xét, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hoàn thiện bản Hiến pháp sửa đổi trong thời gian tới.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định tới 64 nội dung, trong đó có 3 nghị quyết liên quan công tác lập hiến, 49 dự án luật và nghị quyết thuộc lĩnh vực lập pháp, cùng 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, 8 nhóm nội dung khác cũng được gửi báo cáo đến đại biểu nhằm phục vụ công tác giám sát tối cao.

Đáng chú ý, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, một quyết định mang tính đột phá, góp phần tinh gọn bộ máy hành chính và tái cấu trúc mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã). Đây là bước đi then chốt nhằm tối ưu hóa quản lý ngân sách, phân cấp quyền lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước.

Quốc hội cũng dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cho thấy tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và minh bạch, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri về công tác giám sát đối với các vấn đề nóng của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghệ và tái cơ cấu bộ máy hành chính, kỳ họp lần này không chỉ mang ý nghĩa hiện tại mà còn là nền tảng cho phát triển bền vững trong tương lai.

Quốc hội khóa XV, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đã xác định rõ vai trò tiên phong trong cải cách thể chế và lập pháp, bám sát định hướng của Đảng, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, người đã nhấn mạnh yêu cầu “biến thể chế từ điểm nghẽn thành lợi thế cạnh tranh”.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo đó, Quốc hội đã nhanh chóng điều chỉnh chương trình làm việc, bổ sung các dự án luật cấp bách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc bố trí ít nhất 3% ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này cũng sẽ được đưa ra xem xét, thể hiện quyết tâm “nói đi đôi với làm”, biến ý chí chính trị thành hành động cụ thể.

Kỳ họp thứ 9 không chỉ là một sự kiện lập pháp đơn thuần mà còn là dấu ấn của một nhiệm kỳ quyết liệt, hành động và đổi mới. Quốc hội với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững và bao trùm, bắt đầu từ việc đặt nền móng thể chế vững chắc, hiện đại và hiệu quả.

Bảo Lam