Nâng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Việt trước "bão" thuế quan
Việc Mỹ áp thuế đối ứng có thể là "cú hích" giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu từ sản xuất, thương mại đến chính sách hội nhập.
Ngày 2/4/2025, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khiến cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế Việt Nam không khỏi bất ngờ khi công bố áp mức thuế quan đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Mặc dù sau đó Tổng thống Mỹ đã quyết định hoãn áp dụng mức thuế này trong 90 ngày và tạm thời áp dụng mức thuế 10%, nhưng sự kiện này vẫn tạo ra một cú hích lớn buộc cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận lại chiến lược hội nhập và thích ứng trong bối cảnh địa chính trị - kinh tế toàn cầu ngày càng bất định.

Mỹ rất coi trọng Việt Nam
Thực tế, thương mại song phương Việt - Mỹ trong nhiều năm qua vẫn được đánh giá là mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Con số được ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, công bố tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng mới đây đã minh chứng rõ điều đó: Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ ở mức 4,1 tỷ USD.
Điều này phản ánh rõ vai trò "bổ sung" của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho thị trường Mỹ, đặc biệt là các ngành dệt may, điện tử, đồ gỗ và hàng tiêu dùng. Hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp mà phần lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ châu Á. Đó cũng là lý do khiến nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Walmart, Target, Costco hay HomeDepot…, những doanh nghiệp có tỷ lệ nhập khẩu hàng Việt lên tới 30% vẫn giữ thái độ tích cực, lạc quan, tin tưởng hai bên có thể sớm đạt được thỏa thuận để tháo gỡ rào cản thuế quan.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hưng, động thái của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khi chủ động phát đi thông cáo báo chí về cuộc điện đàm cấp cao với Việt Nam chỉ một ngày sau khi diễn ra (so với Ấn Độ là 9 tuần) cho thấy sự coi trọng mà Mỹ dành cho Việt Nam. Đặc biệt, việc USTR mời đoàn công tác liên ngành Việt Nam sang họp cấp kỹ thuật ngay trong kỳ nghỉ lễ càng thể hiện rõ thiện chí đối thoại nghiêm túc, cấp thiết từ phía Mỹ.
Đáng chú ý, việc Việt Nam nằm trong nhóm đối tác đàm phán ưu tiên cùng các cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ và Indonesia là minh chứng rõ nét cho vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và trong chính sách thương mại của Mỹ.
Những "cánh cửa mở" trong tình hình mới
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Những tín hiệu tích cực từ thị trường EU, Canada và Hoa Kỳ đang mở ra những cơ hội mới, song cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng và chiến lược bài bản.
Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), EU tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Đây là khu vực có sức mua lớn, thu nhập cao và ổn định, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.
Trong khi đó, tại thị trường Bắc Mỹ, Canada nổi lên như một điểm sáng mới với dư địa xuất khẩu rất đáng chú ý. Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, các sản phẩm điện, điện tử của Việt Nam đã đạt kim ngạch gần 490 triệu USD trong thời gian qua, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là nhóm hàng chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Canada và tiếp tục giữ vai trò chủ lực.
Không dừng lại ở đó, Canada còn là quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi thuế quan để mở rộng thị phần. Theo bà Quỳnh, hiện nay là giai đoạn "vàng" để hai nước đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển các nền tảng logistics và hạ tầng vận tải mới, góp phần hình thành hệ sinh thái CPTPP liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Chính phủ đang rất nỗ lực
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ trong đối thoại và đàm phán, một vấn đề quan trọng được nhiều chuyên gia đặt ra là việc xúc tiến thương mại của Việt Nam còn tương đối hạn chế. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, thẳng thắn nhận định: “Kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng nguồn lực dành cho xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp lại không tương xứng. Chúng ta đòi hỏi doanh nghiệp phải khai thác thị trường, nhưng khai thác thị trường quốc tế không thể chỉ trông chờ vào năng lực tự thân của từng doanh nghiệp nhỏ lẻ”.
Ông Tuấn kiến nghị cần tính toán lại tỷ lệ đầu tư của nhà nước cho xúc tiến thương mại, trên cơ sở một phần kim ngạch xuất khẩu. Chỉ khi có chiến lược xúc tiến đủ mạnh, bài bản và lâu dài thì mới giúp doanh nghiệp Việt đủ sức bám trụ, mở rộng và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Từ góc nhìn vĩ mô, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá đây chính là thời điểm “trong nguy có cơ”. Bối cảnh bất định và thách thức từ các hàng rào thuế quan có thể trở thành chất xúc tác để doanh nghiệp Việt chủ động nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, cải thiện tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hiện Việt Nam đang có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng mới chỉ khai thác được khoảng 31% ưu đãi từ các hiệp định này. Điều đó cho thấy dư địa còn rất lớn. Đây là lúc doanh nghiệp cần tăng cường khả năng thích ứng, chuyển đổi chiến lược, đa dạng hóa thị trường và đặc biệt là phát triển năng lực sản xuất trong nước.” - Ông Lực nhấn mạnh.
Bài học từ đại dịch Covid-19 còn rất gần. Khi thế giới rơi vào hỗn loạn chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt đã không ngồi yên mà chủ động chuyển hướng, ứng dụng công nghệ, tái cấu trúc mô hình sản xuất để vượt khó. Lần này, trước những biến động chính sách từ đối tác thương mại lớn như Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa phải phát huy tinh thần ấy, nhưng không thể đơn độc.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và từng doanh nghiệp. Vai trò của các cơ quan xúc tiến thương mại, đại sứ thương hiệu quốc gia, thương vụ Việt Nam tại các thị trường trọng điểm phải được nâng tầm. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực cần nhanh chóng đi vào thực chất.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng: hoặc trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc bị tụt lại nếu không thích ứng kịp với xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển dịch chuỗi cung ứng, và yêu cầu tiêu chuẩn cao từ các thị trường phát triển.
Và sự kiện Mỹ áp thuế đối ứng tạm thời có thể là "cú hích" giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu từ sản xuất, thương mại đến chính sách hội nhập. Những tín hiệu tích cực từ Mỹlà cơ sở để kỳ vọng vào một kết cục có lợi cho cả hai bên. Nhưng chính nội lực, sự chuẩn bị bài bản và sự đồng hành hiệu quả giữa nhà nước - doanh nghiệp mới là chìa khóa để vượt qua cơn sóng ngầm thuế quan lần này.