24h

Amazon và bài học ứng xử với biểu tượng thiêng liêng của các quốc gia

Nguyễn Giang 04/05/2025 14:00

Việc Amazon xuất hiện sản phẩm thảm in hình quốc kỳ Việt Nam đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng...

Biểu tượng không thể bị thương mại hóa

Câu chuyện bắt đầu khi một số người tiêu dùng Việt Nam phát hiện trên nền tảng Amazon có rao bán các sản phẩm như thảm trải sàn, thảm nhà vệ sinh in hình quốc kỳ Việt Nam. Hình ảnh này, khi bị đặt ở những vị trí thiếu trang trọng, đã gây phẫn nộ trong cộng đồng, bởi quốc kỳ là biểu tượng linh thiêng gắn liền với chủ quyền, lịch sử và lòng tự tôn dân tộc.

amazon-va-bai-hoc-ung-xu-voi-bieu-tuong-thieng-lieng-cua-cac-quoc-gia-1.png
Việc Amazon xuất hiện sản phẩm thảm in hình quốc kỳ Việt Nam đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng.

Ngay sau khi vụ việc lan truyền, nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã kêu gọi tẩy chay Amazon, yêu cầu nền tảng này gỡ bỏ các sản phẩm liên quan. Đây không phải lần đầu một nền tảng xuyên biên giới bị chỉ trích vì để xuất hiện những nội dung xúc phạm đến biểu tượng quốc gia. Trước đó, một số sản phẩm in hình quốc kỳ Ấn Độ, Hàn Quốc và các di sản tôn giáo từng vấp phải phản ứng tương tự.

Theo các chuyên gia pháp lý, tại Việt Nam, việc xúc phạm quốc kỳ có thể bị xử lý hình sự theo Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tuy hành vi xảy ra trên một nền tảng quốc tế, nhưng khi sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam, ảnh hưởng về tâm lý – xã hội là điều không thể xem nhẹ.

Ở nhiều quốc gia khác, quy định bảo vệ biểu tượng quốc gia cũng rất nghiêm ngặt. Tại Đức, người xúc phạm quốc kỳ có thể bị xử phạt tù; tại Hàn Quốc, việc sử dụng sai mục đích hình ảnh quốc kỳ trong quảng cáo hoặc sản phẩm tiêu dùng cũng có thể bị xử phạt hành chính. Những quy định này cho thấy, dù ở không gian vật lý hay số hóa, biểu tượng quốc gia vẫn cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Không gian số không thể là “miễn trừ” văn hóa

Amazon, với vai trò là nền tảng thương mại điện tử toàn cầu, có trách nhiệm kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm, đặc biệt là nội dung liên quan đến tôn giáo, văn hóa và quốc thể. Không thể viện lý do số lượng sản phẩm quá lớn để phó mặc việc giám sát cho bên bán. Bởi đằng sau mỗi gian hàng là uy tín của cả một nền tảng, và đằng sau mỗi sản phẩm là một ranh giới đạo đức cần được tôn trọng.

Theo quan sát từ nhiều chuyên gia công nghệ và truyền thông, Amazon đã từng cam kết thiết lập các bộ lọc kiểm duyệt sản phẩm, song trên thực tế vẫn còn tình trạng lọt lưới những nội dung gây tranh cãi. Sự cố lần này càng cho thấy lỗ hổng trong kiểm soát nội dung liên quan đến yếu tố quốc gia, điều rất dễ biến thành khủng hoảng truyền thông nếu không có phản ứng kịp thời.

amazon-va-bai-hoc-ung-xu-voi-bieu-tuong-thieng-lieng-cua-cac-quoc-gia-2.png
Nhiều người dùng đang đánh giá 1 sao với các sản phẩm này

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cho rằng: “Việc xuất hiện sản phẩm sử dụng quốc kỳ Việt Nam vào mục đích tiêu dùng không phù hợp, nếu không bị kiểm soát chặt, có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích quốc gia. Dù hành vi xảy ra tại nền tảng nước ngoài, Việt Nam hoàn toàn có quyền gửi yêu cầu phản đối chính thức hoặc kiến nghị gỡ bỏ, thông qua các kênh ngoại giao và hợp tác quốc tế”.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, các nền tảng xuyên biên giới như Amazon cần thiết lập cơ chế phản hồi nhanh, minh bạch và có sự phối hợp với chính phủ các quốc gia để xử lý các vụ việc tương tự. “Tôn trọng biểu tượng quốc gia không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là chuẩn mực văn hóa căn bản trong thế giới toàn cầu hóa”, luật sư nói thêm.

Cần một chuẩn mực xuyên biên giới

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự việc lần này không chỉ là một vụ việc đơn lẻ về kiểm duyệt sản phẩm. Nó phản ánh lỗ hổng lớn hơn: thiếu một cơ chế pháp lý đa phương trong kiểm soát nội dung xuyên biên giới, đặc biệt là với các biểu tượng thiêng liêng của các quốc gia. Việc các quốc gia bị động phản ứng sau mỗi vụ việc đã cho thấy nhu cầu cấp thiết của một “quy tắc hành xử chung” cho các nền tảng số toàn cầu.

Về phía người tiêu dùng, phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng Việt Nam là tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức về văn hóa quốc gia trong môi trường mạng ngày càng rõ ràng và quyết liệt. Không ai chấp nhận nhìn thấy lá cờ của đất nước mình xuất hiện ở một vị trí không xứng đáng, dù chỉ là một hình in nhỏ giữa hàng triệu sản phẩm vô tri.

Giữa một thế giới toàn cầu hóa, nơi thương mại đang vượt qua mọi biên giới, thì giới hạn cuối cùng không nằm ở công nghệ mà ở đạo đức. Quốc kỳ, cũng như bất kỳ biểu tượng thiêng liêng nào, không thể là vật trang trí, càng không thể là món hàng hóa bình thường.

Câu chuyện từ Amazon chính là lời nhắc nhở: thương mại hiện đại phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa, và sự tôn trọng là ngôn ngữ chung mà mọi quốc gia đều cần được bảo vệ.

Nguyễn Giang