Chính trị

Khi lời hứa không còn là… khẩu hiệu

Lê Trà My 05/05/2025 04:10

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện đúng cam kết.

Từ lâu, thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại Việt Nam được ví như “miếng bánh béo bở” nhưng cũng đầy rủi ro. Không ít người tiêu dùng từng rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” vì sản phẩm giả, kém chất lượng, quảng cáo thổi phồng công dụng như thần dược.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đưa ra cam kết mạnh mẽ: siết chặt quản lý, thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, đặc biệt là trên không gian mạng.

Sau gần một năm nhìn lại, lời hứa đó không chỉ nằm trên giấy.

dao hong lan
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quochoi.vn

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện đúng cam kết.

Đầu tiên là việc ban hành hàng loạt công văn chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, đặc biệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, lĩnh vực vốn có nhiều lỗ hổng về pháp lý và giám sát. Những động thái này không chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản, mà đã đi vào thực chất.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đã thu hồi 58 số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm, đình chỉ và tiêu hủy nhiều lô sản phẩm vi phạm, xử phạt gần 600 triệu đồng. Đây là con số đáng chú ý, cho thấy cơ quan chức năng không còn “nhẹ tay” với các hành vi vi phạm, dù ở cấp độ cá nhân hay doanh nghiệp.

Điểm đáng ghi nhận là sự chuyển mình trong cách tiếp cận. Thay vì chỉ tập trung vào kiểm tra tại các cửa hàng, nhà máy sản xuất, Bộ Y tế đã mở rộng “mặt trận” sang không gian mạng, nơi đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, hàng loạt fanpage, kênh livestream, tài khoản thương mại điện tử đã được rà soát. Trong đó, nhiều trường hợp quảng cáo gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng, ví dụ như gán công dụng “chữa bệnh” cho mỹ phẩm đã bị xử lý. Đây là bước tiến mạnh mẽ và cần thiết trong bối cảnh mạng xã hội đang trở thành “chợ” mỹ phẩm và thực phẩm chức năng lớn nhất hiện nay.

Báo cáo của Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh vai trò của phối hợp liên ngành, điều vốn bị xem là điểm yếu trong công tác quản lý trước đây. Lần này, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với công an, quản lý thị trường và các cơ quan truyền thông để trao đổi, xác minh và xử lý thông tin vi phạm.

Nhờ đó, các vụ việc như mỹ phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại đã được điều tra và xử lý triệt để hơn. Hệ thống thông tin về vi phạm cũng được chia sẻ liên thông giữa các cơ quan, góp phần giảm độ trễ trong phản ứng chính sách.

Thậm chí, Bộ Y tế còn có kế hoạch xây dựng một nghị định mới về quản lý mỹ phẩm, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9 tới. Đây được kỳ vọng sẽ là khung pháp lý đồng bộ hơn, thay thế cho các văn bản chắp vá hiện tại vốn khó kiểm soát nổi một thị trường biến động từng giờ như mỹ phẩm.

Nếu như công tác quản lý mỹ phẩm đã có những chuyển biến mạnh mẽ thì ở lĩnh vực thực phẩm chức năng, sự thay đổi vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 4, Bộ Y tế mới xử phạt 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền gần 370 triệu đồng. So với quy mô thị trường thực phẩm chức năng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, con số này vẫn còn khiêm tốn.

Thực phẩm chức năng từ lâu đã là lĩnh vực dễ bị “thần thánh hóa”. Người dân, đặc biệt là người lớn tuổi dễ dàng bị thuyết phục bởi các quảng cáo gắn nhãn “bổ gan, thải độc, tăng sức đề kháng, chữa dứt điểm viêm khớp”... Thực tế, rất nhiều sản phẩm không có bằng chứng khoa học rõ ràng, hoặc được nhập lậu, pha trộn nguyên liệu rẻ tiền.

Vì vậy, bên cạnh việc xử phạt, Bộ Y tế cho biết cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm giúp người dân nhận diện sớm các sản phẩm nguy hại, đồng thời công khai danh sách cơ sở vi phạm để tạo áp lực dư luận và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đặc biệt trong việc công khai sản phẩm vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng và theo dõi hoạt động quảng cáo online. Đây là bước đi hợp thời trong bối cảnh quản lý truyền thống đang “đuối sức” trước tốc độ phát triển của thương mại điện tử và mạng xã hội.

Việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, doanh nghiệp vi phạm, sản phẩm bị thu hồi... sẽ giúp tạo ra một nền tảng công khai, minh bạch, đồng thời là cơ sở để các cơ quan liên ngành phối hợp hiệu quả hơn.

Không thể phủ nhận, những gì Bộ Y tế dưới sự điều hành của Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã và đang làm là rất đáng ghi nhận. Từ một lời hứa trước nghị trường, đến những con số thu hồi, xử phạt và dự thảo nghị định, tất cả đều là minh chứng cho nỗ lực “nói đi đôi với làm”.

Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng vẫn là “vùng xám” khó kiểm soát. Khi mà việc bán hàng, quảng cáo chỉ cần một chiếc smartphone, và người mua có thể đặt hàng chỉ với vài cú click, thì công tác giám sát, hậu kiểm phải “chạy nhanh” hơn mới mong kiểm soát được vi phạm.

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa vai trò của địa phương, bởi phần lớn các vi phạm xảy ra ở tuyến cơ sở, nơi thiếu nhân lực, thiếu chuyên môn và còn tình trạng “nể nang”.

Lời hứa của Bộ trưởng Y tế về siết chặt quản lý không còn là khẩu hiệu. Nhưng để lời hứa ấy phát huy hiệu quả bền vững, vẫn cần thêm sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía như cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng.

Lê Trà My