Lối đi nào cho ngành vật liệu xây dựng trước “cơn lốc” thuế quan?
Hiện nay, để các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trụ vững và tiến xa, bài toán nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và thích ứng chính sách vẫn là những nút thắt cần tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, biến động thuế quan toàn cầu xuất phát từ chủ trương áp thuế đối ứng của Mỹ lên nhiều quốc gia đã gây ra sự xáo trộn, tác động tiêu cực tới sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Việt Nam với một nền kinh tế có độ mở cao cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ vòng xoáy này. Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép, đang hứng chịu tác động kép từ cả thị trường quốc tế lẫn những khó khăn nội tại.

Chia sẻ về những khó khăn với ngành vật liệu xây dựng hiện nay, ông Lê Văn Quang, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí TP Hồ Chí Minh - VNSteel cho biết, năm 2025 mở ra kỳ vọng mới khi bối cảnh quốc tế dần ổn định, GDP toàn cầu dự báo có thể tăng 3,2%, thương mại hồi phục và lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, các chính sách thuế đối ứng, đặc biệt từ Mỹ, vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với nhôm, thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam không chỉ đẩy thép Việt Nam vào thế khó khi xuất khẩu sang Mỹ, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, khiến nhiều quốc gia khác gia tăng hàng rào kỹ thuật. Hiện Mỹ đã tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày để đàm phán, nhưng nếu được triển khai, nguy cơ hàng tồn kho tăng cao và thép quay lại thị trường nội địa là hiện hữu, tạo áp lực dư cung lên toàn ngành.
“Một mối lo khác là thị trường Trung Quốc - vốn là nguồn cung thép giá rẻ khổng lồ. Dù Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá lên tới 274% với thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, cạnh tranh vẫn hết sức khốc liệt. Giá thép thấp không chỉ đè nặng áp lực giá bán mà còn đe dọa thị phần của các doanh nghiệp trong nước”, đại diện này chia sẻ.
Trước tình thế đó, tiêu thụ nội địa đang trở thành hướng đi chiến lược. Theo ông Quang, một điểm sáng năm nay là việc Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn được khởi công từ cuối năm 2024 đang tạo hiệu ứng lan tỏa đến các ngành sản xuất, trong đó có thép.
Tuy nhiên, nội tại ngành vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Tình trạng cung vượt cầu kéo dài, hệ thống đại lý phân phối hoạt động chưa hiệu quả, tâm lý thị trường còn dè dặt. Ngân hàng tiếp tục xếp ngành thép vào nhóm có rủi ro cao, dẫn tới hạn chế cấp tín dụng. Trong khi đó, nhiều nhà thầu xây dựng gặp khó vì thiếu việc làm, chi phí cố định lớn và không dễ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

Mảng dịch vụ kho bãi cũng đang chịu áp lực do doanh nghiệp sản xuất thu hẹp quy mô, trả mặt bằng hoặc chuyển sang hình thức thuê linh hoạt hơn. Về công nghệ, một số nhà đầu tư trong nước đã bắt đầu chuyển từ lò cao sang lò cảm ứng để luyện thép - mô hình có chi phí đầu tư thấp, khấu hao nhanh và phù hợp với quy mô vốn khiêm tốn của doanh nghiệp nội.
“Trước tình hình này, công ty đã triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn, chuyển hướng kinh doanh các mặt hàng ít rủi ro hơn như phôi thép, thép phế; đồng thời siết chặt công nợ, tối ưu tồn kho và nâng cao năng suất lao động”, ông Quang nhấn mạnh.
Ở góc độ dài hạn, giới chuyên gia cho rằng, để thích ứng với biến động chính sách thuế quan và hàng rào kỹ thuật từ các thị trường lớn, doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt cần nhanh chóng nâng cấp chất lượng sản phẩm, phát triển vật liệu xây dựng xanh và bền vững. Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định, phần lớn sản phẩm vật liệu xây dựng nội địa hiện mới chỉ đạt chuẩn tối thiểu để lưu hành, thiếu vắng những dòng sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Khi chất lượng được nâng lên, giá trị sản phẩm cũng sẽ tăng theo, từ đó giúp doanh nghiệp tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững”, ông Sâm nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để thúc đẩy tiến trình nâng cao chất lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố then chốt gồm chính sách quản lý định hướng - tạo động lực; sự chủ động đầu tư cải tiến của doanh nghiệp; và ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước.
Song song đó, doanh nghiệp cần khai thác tối đa tiềm năng của thị trường nội địa nơi vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý để xây dựng chính sách thúc đẩy tiêu thụ nội địa, ổn định đầu ra; cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tiếp cận các thị trường tiềm năng ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ hay hạn chế xuất khẩu.