Doanh nghiệp

EC lùi thời điểm thanh tra “thẻ vàng” IUU: Ban hành kế hoạch hành động cao điểm

Thy Hằng 05/05/2025 02:46

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành kế hoạch hành động cao điểm và cấp bách cho đợt thanh tra lần 5, gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có tờ trình do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC).

3425-1716284677-860x020241024135857.png
Lịch thanh tra lần 5 của EC lại tiếp tục được lùi lần 2 khi trước đó lịch ban đầu được dự kiến vào tháng 3/2025, sau đó dời sang tháng 9/2025 và mới nhất là cuối năm 2025.

Trong tờ trình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết mới đây, Tổng vụ các vấn đề hàng hải và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) đã có công văn đề nghị Việt Nam gửi báo cáo tiến độ về thực hiện chống đánh bắt khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước ngày 15/9/2025. Phía DG-MARE sẽ thực hiện đợt thanh tra lần thứ 5 vào cuối năm 2025 nếu báo cáo cho thấy sự tiến triển giải quyết các tồn tại nêu trên.

Như vậy, lịch thanh tra lần 5 của EC lại tiếp tục được lùi lần 2 khi trước đó lịch ban đầu được dự kiến vào tháng 3/2025, sau đó dời sang tháng 9/2025 và mới nhất là cuối năm 2025.

Lý do được đưa ra là tại lần làm việc trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 1/2025, EC thấy các kết quả triển khai các khuyến nghị vẫn chưa đạt như ý muốn của phía EC.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc trực tuyến với Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 1/2025 và đồng thời gửi văn bản giải trình các nội dung liên quan đến DG-MARE. Sau đó, phía DG-MARE có email đề nghị Việt Nam cần tập trung khắc phục một số tồn tại trong quản lý và kiểm soát tàu cá, bao gồm kiểm soát hoạt động trên biển và tại cảng, xử lý các hành vi ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), vượt ranh giới cho phép khai thác, đặc biệt là tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã khẩn trương rà soát, đánh giá tồn tại, nguyên nhân và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần đạt được trước thời điểm gửi báo cáo tiến độ vào tháng 9/2025.

khaithacthuysan_hszh.jpg.jpg
Đề xuất ban hành kế hoạch hành động cao điểm và cấp bách nhằm thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, mục tiêu gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: quản lý đội tàu; kiểm soát hoạt động tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm. Việc triển khai yêu cầu sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và chính quyền các địa phương ven biển, như Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính và các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Do đó, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành kế hoạch hành động cao điểm và cấp bách nhằm thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra lần thứ 5, qua đó hướng đến mục tiêu gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Thực hiện các yêu cầu từ phía EC, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ tháng 5 đến hết tháng 8/2025.

Theo đó, việc quản lý và kiểm soát đội tàu cá được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp quyết liệt, toàn diện. Trước hết, công tác rà soát, định danh tàu cá trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (VNeID) phải được hoàn tất, đảm bảo kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) và hệ thống giám sát tàu cá (VMS).

Việc đăng ký, đăng kiểm, cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác thủy sản được thực hiện nghiêm túc, gắn liền với đối soát thông tin cụ thể của từng tàu, bao gồm chủ tàu, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại. Dữ liệu này được cập nhật đầy đủ và chính xác vào VNFishbase và hệ thống VMS, tạo nền tảng cho việc quản lý chặt chẽ, minh bạch.

Tất cả tàu cá đã đăng ký đều phải gắn biển số, đánh dấu theo quy định của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT. Đồng thời, các loại tàu phục vụ nuôi trồng thủy sản và tàu dịch vụ cũng được đăng ký đầy đủ, nhằm loại bỏ tình trạng tàu cá không đánh dấu, không biển số hoạt động tại các địa phương.

Đối với những tàu không có nhu cầu đăng ký, đăng kiểm, hay không đủ điều kiện hoạt động sau ngày 31/12/2024, sẽ bị giải bản theo quy định tại Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT. Nhà nước cũng ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ tàu đang sử dụng nghề cấm, nhằm đảm bảo sinh kế và thu nhập cho người dân.

Công tác đăng ký, sang tên, chuyển nhượng tàu cá cũng được siết chặt. Những trường hợp mua bán tàu không thực hiện đầy đủ quy trình pháp lý, không sang tên đổi chủ, sẽ không được phép hoạt động khai thác. Các cơ sở công chứng vi phạm quy định về chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tàu cá sẽ bị xử lý nghiêm theo Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về kiểm soát hoạt động khai thác, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm tại cảng cá. Lực lượng chuyên môn sẽ giám sát tàu rời và cập cảng, sản lượng bốc dỡ, và thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT). Danh sách các cơ sở thu mua thủy sản cũng được lập và quản lý, chỉ cho phép mua sản phẩm từ tàu đã bốc dỡ tại cảng theo đúng quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

Với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, Việt Nam thực hiện nghiêm Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA). Nguồn lực được bố trí để xác minh thông tin tàu và sản phẩm nhập khẩu, thiết lập kênh liên hệ với các tổ chức nghề cá quốc tế. Công tác kiểm tra, giám sát tại cảng biển, nhà máy chế biến, xuất khẩu được tổ chức bài bản. Việc kiểm soát thủy sản nhập khẩu bằng tàu container cũng được tăng cường, với cơ chế phối hợp liên ngành và nguồn lực đầy đủ. Đồng thời, kế hoạch kiểm soát cá ngừ vây ngực dài được ban hành và triển khai quyết liệt.

Thy Hằng