Nhìn thẳng - Nói thật

Cất cánh từ thể chế - Bài 1: Phát pháo cải cách và lời hiệu triệu lịch sử

Nguyễn Giang 05/05/2025 11:05

Khi thể chế không còn là khuôn khổ hành chính, mà là nền tảng phát triển quốc gia, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khơi mở một cuộc chuyển mình mang tính chiến lược và lịch sử.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm công bố ngày 4/5/2025 đã truyền đi một thông điệp có ý nghĩa chiến lược: cải cách thể chế không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh từ thực tiễn - con đường tất yếu để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Từ tinh thần đó, loạt bài “Cất cánh từ thể chế” được Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện với mong muốn góp phần lan tỏa nội dung cốt lõi, khơi gợi thêm những suy ngẫm về con đường cải cách phía trước, nơi ý chí chính trị kết tinh thành động lực, và tư duy đổi mới trở thành nền tảng kiến tạo tương lai.

Tư tưởng cải cách từ định hướng chiến lược

Cải cách thể chế không còn là khẩu hiệu, càng không thể là lời hiệu triệu chung chung hay hành động cục bộ. Khi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ cấp bách và then chốt” trong bài viết đăng tải ngày 4/5/2025, thì đó không còn là một phát biểu mang tính lý luận thông thường, mà là một chỉ lệnh chính trị, một định hướng tư tưởng có tính hành động.

cat-canh-tu-the-che-bai-1-phat-phao-cai-cach-va-loi-hieu-trieu-lich-su-1.png
Khi thể chế không còn là khuôn khổ hành chính, mà là nền tảng phát triển quốc gia, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khơi mở một cuộc chuyển mình mang tính chiến lược và lịch sử. Ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm

Đã từ lâu, thể chế pháp luật được xác định là chiếc “xương sống” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng xương sống ấy đang gánh một cơ thể vận hành thiếu linh hoạt và trì trệ. Nhiều chuyên gia kinh tế từng ví thể chế Việt Nam như một cỗ máy cũ, động cơ thiếu đồng bộ, các bộ phận rời rạc và vận hành chậm chạp, khiến toàn bộ hệ thống khó bứt phá trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, bài viết của Tổng Bí thư không đơn thuần là một văn bản lý luận. Đó là sự mở đầu bằng tư tưởng chiến lược, gợi mở một lộ trình cải cách pháp luật toàn diện, không chỉ về văn bản, mà còn về tư duy, hành xử và trách nhiệm chính trị.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người và khâu thực thi: “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Câu nói tưởng như quen thuộc ấy thực chất là một thông điệp cốt lõi: thể chế không phải để bảo vệ quyền lực, mà là để giải phóng năng lực phát triển, nơi mà doanh nghiệp là chủ thể hành động, và Nhà nước không phải là người kiểm soát, mà là người kiến tạo.

Cải cách thể chế đã được nhiều kỳ Đại hội Đảng xác định là đột phá chiến lược, nhưng lần đầu tiên, tinh thần ấy được cụ thể hóa rõ ràng trong bài viết của Tổng Bí thư, ở một thời điểm bước ngoặt chính trị, với thông điệp hành động xuyên suốt. Từ một chỉ đạo chính trị cấp cao, vấn đề cải cách thể chế đã và đang lan rộng trong nhận thức của bộ máy lập pháp.

Từ nhận thức chính trị đến hành động thể chế

Sự đồng điệu về nhận thức đã và đang lan rộng trong đội ngũ các chuyên gia, cũng như các đại biểu Quốc hội, những người gián tiếp, trực tiếp tham gia xây dựng luật và giám sát việc thi hành luật.

Như nhận định của đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Cải cách thể chế là điều kiện cần đầu tiên để phát triển kinh tế tư nhân và giải phóng năng lực quốc gia. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và được giám sát nghiêm túc thì doanh nghiệp mới có thể yên tâm làm ăn”.

Nhận định này không chỉ phản ánh yêu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp, mà còn cho thấy điểm mấu chốt của cải cách thể chế không nằm ở số lượng văn bản pháp luật được ban hành, mà ở chất lượng thực thi và trách nhiệm giải trình của các thiết chế công quyền.

cat-canh-tu-the-che-bai-1-phat-phao-cai-cach-va-loi-hieu-trieu-lich-su-2.png
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

Hay nói như TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Thể chế chính là môi trường sinh trưởng của nền kinh tế. Nếu không cải cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tiếp tục ở tình thế tự trói mình”.

Những cảnh báo ấy không chỉ phản ánh thực trạng trì trệ của bộ máy điều hành, mà còn gián tiếp khẳng định rằng: thể chế không chỉ đang là rào cản, mà còn có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng nếu không được “gỡ nút” từ thượng tầng tư tưởng.

Những nhận định ấy cho thấy sự đồng thuận sâu sắc với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư: pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh, mà phải trở thành bệ phóng giải phóng năng lực quốc gia. Cải cách thể chế không phải để viết lại những gì đã có, mà để dọn lại nền, một nền móng đủ vững để xây dựng quốc gia hùng cường.

Từ bài học của chính Việt Nam trong công cuộc Đổi mới 1986, đến bước chuyển mình mạnh mẽ giai đoạn 2001–2005 với Luật Doanh nghiệp, gần đây là Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TPHCM, hay các chính sách về doanh nghiêp, doanh nhân… Mỗi lần thể chế được mở đường, là mỗi lần quốc gia có bước tiến rõ rệt.

Vì thế, khi Tổng Bí thư nêu rõ rằng “cần một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả”, đó không chỉ là một đòi hỏi về mặt hình thức, mà là lời nhắn gửi đến toàn hệ thống: muốn phát triển, phải có luật mạnh; muốn có luật mạnh, phải cải cách từ gốc.

Nhìn từ kỳ vọng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, bài toán cải cách thể chế chưa bao giờ trở nên bức thiết và rõ ràng như lúc này. Người dân chờ đợi một bộ máy hành chính không còn phiền hà. Doanh nghiệp chờ đợi một hệ thống luật pháp nhất quán và minh bạch. Còn quốc gia chờ đợi một cú bật thể chế đúng nghĩa để không bị chậm lại trong cuộc đua toàn cầu.

Nếu thể chế là đường băng, thì chậm cải cách chính là chậm cất cánh. Và như Tổng Bí thư đã nêu, cải cách thể chế hôm nay không phải là để bàn, mà là để làm. Lúc này, không hành động, chính là tự rút ngắn đường băng của chính mình.

Còn nữa…

Nguyễn Giang