Doanh nghiệp

Nghị quyết số 68-NQ/TW: Phát triển nhanh “lực lượng dự bị” của doanh nghiệp lớn

Hạnh Lê 05/05/2025 14:06

Hình thành, phát triển nhanh các doanh nghiệp tư nhân lớn và vừa, các tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu là một trong những giải pháp quan trọng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều quan điểm, mục tiêu đột phá. Nghị quyết xác định đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; là lực lượng tiên phong góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

DN co vua
Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Theo mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Để đạt các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra các giải pháp cụ thể; trong đó nhấn mạnh việc hình thành, phát triển nhanh các doanh nghiệp tư nhân lớn và vừa, các tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Giải pháp quan trọng này, trước đó đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập và mong chờ được hiện thực hoá trong Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị.

Theo ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, chiếm đa số trong khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số đó, có đến gần 97% là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Các doanh nghiệp quy mô vừa còn khiêm tốn, khoảng 1,5%.

TS Binh
Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam.

Các doanh nghiệp cỡ vừa được xem là lực lượng dự bị sẽ phát triển thành doanh nghiệp lớn trong trung hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam thúc đẩy phát triển “sếu đầu đàn” - những doanh nghiệp lớn làm chủ và dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước thì cần thiết hình thành, phát triển nhanh các doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa.

Việc thiếu doanh nghiệp quy mô vừa, theo các chuyên gia cho thấy có không nhiều doanh nghiệp nhỏ đã lớn lên để trở thành doanh nghiệp quy mô vừa. Thực tế này được nhận định do hạn chế về hiệu quả hoạt động cùng những khó khăn của môi trường kinh doanh bên ngoài khiến các doanh nghiệp nhỏ thiếu năng lực, động cơ và tham vọng phát triển về quy mô.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đã khắc phục những hạn chế trên với rất nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói chung và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ nói riêng trở thành doanh nghiệp cỡ vừa. Đây là lực lượng quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của các tập đoàn tư nhân lớn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Từ sự hỗ trợ đó, doanh nghiệp cỡ vừa sẽ lớn mạnh, trưởng thành để bổ sung đội ngũ doanh nghiệp, tập đoàn lớn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường độc lập, tự chủ.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất tại Nghị quyết số 68-NQ/TW là những quyết sách nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp để từ đó kích hoạt tiềm năng vô cùng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, củng cố mạnh mẽ hơn nữa quyền tự do kinh doanh; doanh nghiệp thực sự được phép tự do làm những điều pháp luật không cấm.

Những quyết sách đó sẽ tạo nền tảng để quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Phương thức điều hành của cơ quan quản lý dựa nhiều hơn trên các nguyên tắc, công cụ thị trường hơn là các quyết định hành chính.

Hạnh Lê