Chuyển đổi số

Thái Nguyên: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chuyển đổi số để vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kim Dung - Vũ Phường 05/05/2025 15:00

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 19.200 lao động.

Những năm gần đây, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh và quản trị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công ty đang ứng dụng phần mềm ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) vào kiểm soát tình hình sản xuất của các nhà máy online trên hệ thống, trên app của TNG. Nhờ đó, các sản phẩm làm ra được cập nhật liên tục và có sự điều tiết, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí quản lý...

img_8359_batch_66becbb458bf3.jpg
Trong chương trình thăm và làm việc của Đoàn công tác Bộ Công Thương tại Nhà máy May Sơn Cẩm thuộc Công ty TNG năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu và mong muốn Công ty TNG tiếp tục tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp tiên phong chuyển sổ của tỉnh Thái Nguyên

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT công ty TNG cho biết, quy mô, tốc độ phát triển của công ty TNG từ chỗ chỉ có 10 tỷ đồng tiền vốn khi mới thành lập (năm 1979) sau 46 năm hoạt động đã tăng lên trên 20 nghìn tỷ đồng; là doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 19.200 lao động với thu nhập cao hơn so với bình quân chung của ngành May mặc cả nước.

Việc Công ty TNG quan tâm đến thị trường tại các nước phát triển là hướng đi đúng, trúng cần duy trì và phát triển. Vi vậy công ty chúng tôi tiếp tục mở rộng xuất khẩu với quan điểm "hàng của TNG đến đâu thì thương hiệu Việt Nam đến đó".

Ông Nguyễn Văn Thời, cho biết: Thị trường xuất khẩu chính năm 2025 của công ty là Hoa Kỳ (46,1%), Pháp (16,1%), Tây Ban Nha (7,7%), Nga (6,6%) và các thị trường khác.

Năm 2024, TNG ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 7.655 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 97% kế hoạch năm nhưng vẫn tăng 7,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 315 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ (cao nhất trong 5 năm trở lại đây); kim ngạch xuất khẩu đạt 358 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 165 triệu USD.

Ngoài Việt Nam, sản phẩm của TNG đang có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Canada, Nga, Đức.

Với phương châm: Cải tiến liên tục, công nghệ tiên phong, chất lượng hàng đầu, tuân thủ pháp luật… những năm qua công ty đã đầu tư lớn về đội ngũ nhân lực, công nghệ; đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác. Hiện công ty đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các nhà bán lẻ thời trang hàng đầu như Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster… Bên cạnh duy trì mặt hàng may là cốt lõi, doanh nghiệp đang phát triển một số lĩnh vực mới như sản xuất phần mềm, phụ trợ ngành may…

Ông Thời nhấn mạnh, năm 2025, TNG đặt mục tiêu doanh thu 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 340 tỷ đồng, duy trì cổ tức từ 16-20%. Để đạt được những mục tiêu này, TNG tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tuân thủ mọi quy định pháp luật, nghĩa vụ về thuế, ngân sách và hướng tới mục tiêu lọt top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; đẩy mạnh nghiên cứu và tích hợp AI, Big Data cùng hệ thống ERP nhằm đạt chuyển đổi số mức độ 3; phát triển hệ thống AGV - Robot vận hành tự động...

TNG tiên phong ứng dụng công nghệ 3D vào thiết kế, may mẫu và duyệt mẫu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công, vật tư cho khách hàng và để dần chuyển sang chào bán sản phẩm theo hình thức ODM; thành lập Trung tâm phát triển mẫu và đã được khách hàng Decathlon chọn làm đối tác chiến lược và trở thành trung tâm phát triển mẫu đầu tiên của khách hàng Decathlon.

Ông Nguyễn Văn Thời khẳng định: TNG hiện là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của ngành may mặc cả nước. Chúng tôi hiện có 35 kỹ sư chuyên viết phần mềm cho ngành may và Hệ thống phần mềm ERP với ứng dụng giải pháp hoạch định, quản trị doanh nghiệp vào công tác quản lý và điều hành sản xuất với phiên bản nâng cấp đã sẵn sàng chuyển giao cho các đối tác.

3.jpg
Với những nỗ lực đó, Công ty TNG đã vinh dự là một trong 11 doanh nghiệp đạt giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, Tạp chí điện tử VietTimes thực hiện

Đây là giải thưởng quốc gia nhằm tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ông Thời chia sẻ.

Giải pháp công nghệ TRE của TNG - Bước tiến mới trong công cuộc số hoá ngành dệt may

Ngày 01/02/2022, TNG thành lập Chi nhánh giải pháp công nghệ TRE với Dự án Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Giải pháp công nghệ TRE được TNG cho ra mắt sau chặng đường hơn 15 năm nghiên cứu và phát triển.

Đến nay Giải pháp công nghệ Tre đã triển khai trên 70 nhà máy sản xuất dệt may trên toàn quốc, với hơn 70.000 users sử dụng hàng ngày

Đây có thể xem là một bước tiến mới đối với ngành dệt may Việt Nam nói chung khi TRE mang đến những giải pháp quản lý không chỉ về hàng hoá, số lượng sản phẩm đầu vào, đầu ra mà còn đem đến góc nhìn toàn diện về nguồn nhân lực, năng suất, công suất, hiệu quả công việc, giảm thiểu các rủi ro, dự báo các nguy cơ rủi ro về nhân sự, nguyên vật liệu đầu vào, bán hàng và quản trị tài chính, thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường… tất cả đều được thể hiện bằng số liệu chi tiết, cụ thể.

Về công nghệ, TNG đã ứng dụng AI từ phần mềm ERP vào việc phân chuyền và giao việc tự động cho người lao động để tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng năng suất lao động; áp dụng hệ thống APP thông minh vào hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm giúp quản lý kịp thời và khắc phục ngay các lỗi trong quá trình sản xuất.

Ban lãnh đạo TNG đã tập trung chuyển đổi số một cách quyết liệt và triệt để tại các bộ phận nhằm tối ưu hệ thống, giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý, tự mình vượt qua thử thách. Hệ thống phần mềm ERP với ứng dụng giải pháp hoạch định, quản trị doanh nghiệp vào công tác quản lý và điều hành sản xuất được TNG xây dựng thành công vào năm 2010 dựa trên 192 quy trình nghiệp vụ của TNG thuộc các bộ phận, phòng ban nghiệp vụ, tích hợp các công nghệ nhằm thu thập thông tin chính xác, kịp thời, nhanh nhất có thể phục vụ trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, dữ liệu được kết nối liên thông giữa các bộ phận, các quy trình được sử dụng thừa hưởng lẫn nhau đảm bảo nguyên tắc dữ liệu được cung cấp một lần và sử dụng trên toàn hệ thống mà các bộ phận khác không cần phải khai báo lại.

Đơn cử, trong công tác quản lý điều hành sản xuất, TNG đã sử dụng phần mềm được lập trình, chuyên môn hóa và tự động hóa các khâu sản xuất qua 17 tác nghiệp. Bao gồm, từ lập kế hoạch sản xuất chung và chi tiết; cập nhật và theo dõi sản xuất ở tất cả các khâu như cắt, vào chuyền, ra chuyền… cho đến khi hoàn thiện, nhập kho; chốt doanh số tính lương cho từng đơn vị dựa trên năng suất sản xuất trong tháng.

Để làm được điều này, hệ thống quản lý điều hành sản xuất, thiết bị thu thập dữ liệu sản xuất của TNG được tích hợp trên 260 dây chuyền may, mỗi dây chuyền có 10 điểm ghi nhận dữ liệu lên hệ thống. Từ đó, hệ thống đưa ra báo cáo, cảnh báo trực quan bằng màu sắc hiển thị trên màn hình ngay trên chuyền may và trên các thiết bị di động, giúp cho tổ trưởng và người quản lý theo dõi được dây chuyền nào đang bị ách tắc sản xuất, điểm thắt cần tập trung xử lý, hệ thống tích hợp trên app Mobile nên người quản lý dù đang làm việc tại đâu cũng có thể theo dõi diễn biến tình hình sản xuất của đơn vị mình theo thời gian thực.

1.jpg
Dây chuyền sản xuất hiện đại của nhà máy TNG

Từ việc chỉ xử lý vài nghìn bản ghi dữ liệu trong ngày, đến nay hệ thống đã xử lý hàng trăm nghìn bản ghi trong ngày như: Trong việc quản lý nhân sự, TNG cũng có ứng dụng riêng để quản lý thông tin nhân sự của trên 15 nghìn lao động, đơn hàng, các dữ liệu sản xuất cập nhật liên tục từ công nhân trên chuyền may, kho, các bộ phận phụ trợ…

Việc đánh giá kết quả công việc của nhân viên thông qua các chỉ số đánh giá (KPI) được tính toán thu thập tự động trên hệ thống. Kết quả đánh giá được sử dụng tính tiền thưởng tháng, năm cho người lao động. Hàng ngày, người lao động biết được thu nhập (tiền lương sản phẩm) của mình đạt được bao nhiêu, hoàn thành kế hoạch giao bao nhiêu, hết tháng làm việc, người lao động chỉ cần kiểm tra lại ngày công, năng suất là có thể chốt lương ngay từ ngày đầu của tháng mới.

Không chỉ có các ứng dụng trong quản lý điều hành sản xuất, quản lý nhân sự, TNG còn có những ứng dụng 4.0 trong việc giao khoán công việc và theo dõi hoàn thành công việc được giao của người lao động; quản lý chất lượng sản phẩm; quản lý vật tư; quản lý đơn hàng; quản lý máy móc thiết bị; duyệt phiếu online; quản lý tài chính kế toán; văn bản hành chính…

picture3.jpg
Tiện ích của giải pháp: Kiểm soát năng suất lao động thông qua hệ thống cân bằng chuyền trực quan từ tổ sản xuất đến văn phòng điều hành và nhiều tiện ích khác

Các ứng dụng này giúp TNG giảm sai sót, rút ngắn thời gian trong quá trình thu thấp số liệu phục vụ báo cáo phân tích, ra quyết định; giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng sự minh bạch, hiệu quả trong hệ thống quản trị Công ty.

Thay vì phải ngồi chờ nhân sự gửi báo cáo qua đường email hoặc báo cáo bản cứng, các CEO hoàn toàn có thể chủ động xem các loại báo cáo mà mình muốn bất cứ lúc nào. Đây là lợi ích vô cùng to lớn do chuyển đổi số mang lại.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là quá trình tất yếu, là công cụ vô cùng cần thiết cho ngành sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng. Giải pháp công nghệ TRE của TNG là một trong những giải pháp, định hướng, tầm nhìn chiến lược quan trọng và nỗ lực của tập thể TNG, góp phần đưa ngành dệt may Việt Nam chuyển đổi số thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững.

Kim Dung - Vũ Phường